Hàng loạt ứng dụng lớn của Trung Quốc, với hàng trăm cho đến hàng tỷ người dùng, đã bị phát hiện tự ý truy cập và quét ảnh trên smartphone của người dùng, dù họ không chạy các ứng dụng này.
Hackl0us, một chuyên gia công nghệ nổi tiếng tại Trung Quốc, đã phát hiện hành vi khả nghi của WeChat, ứng dụng nhắn tin lớn nhất Trung Quốc với hơn 1,25 tỷ người dùng tích cực, tự ý truy cập và quét ảnh trên smartphone của người dùng.
Theo Hackl0us, ứng dụng WeChat sẽ thường xuyên truy cập vào album ảnh để quét các hình ảnh trên smartphone của người dùng, dù WeChat đang hoạt động ở chế độ nền và người dùng không hề kích hoạt ứng dụng này. Hackl0us cho biết WeChat có tần suất quét hình ảnh trên smartphone người dùng vài giờ một lần.
Đại diện của Tencent, hãng công nghệ đứng sau WeChat, đã lên tiếng thừa nhận việc ứng dụng này thường xuyên quét ảnh trên smartphone của người dùng, nhưng cho biết điều này nhằm mục đích tìm kiếm những hình ảnh mới để giúp người dùng gửi ảnh thông qua WeChat được nhanh hơn. Đại diện Tencent cũng khẳng định WeChat chỉ truy cập đầy đủ vào album ảnh trên smartphone khi được người dùng cho phép.
"Chúng tôi xem trọng vấn đề riêng tư của người dùng", đại diện Tencent cho biết trong một thông cáo đưa ra. "WeChat không thu thập, lưu hoặc upload bất kỳ hình ảnh nào có trong album ảnh của người dùng khi họ chưa cho phép".
"Chúng tôi sẽ hủy bỏ tính năng quét ảnh người dùng trong phiên bản WeChat được phát hành sắp tới", đại diện Tencent cho biết thêm.
Nhiều ứng dụng lớn của Trung Quốc như WeChat, QQ, Taobao bị phát hiện tự ý quét ảnh trên smartphone của người dùng.
Đáng chú ý, Hackl0us phát hiện rằng không chỉ WeChat mà nhiều ứng dụng lớn khác của Trung Quốc như ứng dụng nhắn tin QQ (cũng của Tencent) hay ứng dụng thương mại điện tử Taobao (của Alibaba, với hơn 900 triệu người dùng tích cực) cũng thường xuyên truy cập vào album ảnh trên smartphone của người dùng mà họ không hay biết.
Đại diện của Taobao và Alibaba chưa đưa ra bình luận gì về phát hiện của Hackl0us.
Hackl0us nhận định rằng hành vi của các ứng dụng lớn là "cực kỳ kinh tởm" vì việc thường xuyên quét hình ảnh trên smartphone sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến sự riêng tư của người dùng, chưa kể điều này sẽ chiếm dụng bộ nhớ và làm ảnh hưởng đến thời lượng pin trên smartphone. Hackl0us cho biết người dùng nên tắt các quyền truy cập vào bộ nhớ và album ảnh của các ứng dụng WeChat, QQ hay Taobao để đảm bảo quyền riêng tư.
Hackl0us đã đăng tải những phát hiện này lên trang Weibo có hơn 48 ngàn người theo dõi của mình, khiến cư dân mạng tại Trung Quốc xôn xao.
"Như vậy họ có thể quét hình ảnh và dễ dàng đọc được những thứ khác trên điện thoại của tôi hay sao?", một người dùng Weibo bình luận.
"Ở thời đại này, tôi cảm thấy như mình đang khỏa thân trên mạng Internet", một người dùng Weibo khác chia sẻ.
Đây không phải là lần đầu tiên WeChat bị phát hiện theo dõi người dùng. Trước đó, mạng xã hội này cũng đã bị phát hiện âm thầm theo dõi nội dung nhắn tin của người dùng quốc tế (bên ngoài Trung Quốc) để xây dựng các thuật toán kiểm duyệt cho người dùng trong nước.
Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2012, WeChat cũng đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Nhiều người dùng tại Việt Nam có hoạt động giao dịch với các đối tác Trung Quốc hoặc nhập hàng sỉ từ Trung Quốc về Việt Nam đều phải sử dụng WeChat để liên lạc. Tuy nhiên, WeChat đã từng nhiều lần bị tẩy chay tại Việt Nam khi người dùng phát hiện bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp.
Các hãng công nghệ lớn tại Trung Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc giải quyết các vấn đề riêng tư trong những năm gần đây. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc bắt đầu giám sát thường xuyên các ứng dụng về vấn đề riêng tư bắt đầu từ năm 2019. Bộ này đã chỉ ra hơn 1.300 ứng dụng cho đến nay đã có hành vi thu thập bất hợp pháp các thông tin người dùng.
T.Thủy/dantri.com.vn