Một nhà báo người Ecuador đã suýt mất mạng khi chiếc USB mà ông nhận được bất ngờ phát nổ ngay khi được cắm vào máy tính.
Nếu nhận được một chiếc USB lạ được gửi đến qua đường bưu phẩm, bạn sẽ làm gì? Nhiều người sẽ không ngần ngại cắm USB vào máy tính để kiểm tra xem bên trong đó có chứa những nội dung gì. Lenin Artieda, một nhà báo đang làm việc tại kênh truyền hình Ecuavisa TV (Ecuador) suýt chút nữa đã mất mạng vì thực hiện điều tương tự.
Theo đó, Lenin Artieda nhận được một bưu phẩm không rõ người gửi, bên trong có chứa một chiếc USB. Lenin đã cắm chiếc USB này vào máy tính để kiểm tra xem bên trong có gì, tuy nhiên, USB đã bất ngờ phát nổ ngay khi được kết nối với máy tính.
May mắn, Lenin Artieda chỉ bị thương và chịu một vài vết bỏng sau vụ nổ.
Lenin Artieda đã bị thương vì USB phát nổ ngay khi cắm vào máy tính để kiểm tra dữ liệu bên trong (Ảnh minh họa: iStock).
Đáng chú ý, Lenin Artieda không phải là nhà báo duy nhất nhận được USB có chứa chất nổ được gửi đến nặc danh. Cảnh sát đã tiến hành kích nổ có kiểm soát một thiết bị tương tự được gửi đến bộ phận tin tức của Đài truyền hình TV, có trụ sở tại thành phố Guayaquil (Ecuador).
Văn phòng Tổng chưởng lý của Ecuador cho biết họ đã tiến hành một cuộc điều tra khủng bố sau khi nhiều nhà báo trên khắp cả nước nhận được các phong bì có chứa USB, có khả năng kích nổ khi kết nối với máy tính.
"Đó là một loại thiết bị nổ quân sự, nhưng rất nhỏ và ngụy trang dưới dạng một chiếc USB vô hại", Xavier Chango, người đứng đầu bộ phận khoa học pháp y của Ecuador, cho biết.
Quá trình điều tra ban đầu của cảnh sát Ecuador cho biết những phong bì gửi đến cho các nhà báo có đặc điểm giống nhau, do vậy, nhiều khả năng thủ phạm đứng sau vụ gửi bom thư này là chung một cá nhân hoặc tổ chức.
Chính phủ Ecuador cho rằng hành vi của những kẻ khủng bố nhằm đe dọa các nhà báo, từ đó phá hoại sự tự do ngôn luận tại quốc gia này. Chính phủ Ecuador cam kết sẽ bảo vệ an toàn cho các nhà báo để bảo đảm quyền tự do ngôn luận trong nước.
"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe dọa tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận là một hành động cần bị trừng phạt bằng tất cả sự nghiêm khắc của công lý", Văn phòng Tổng chưởng lý Ecuador cho biết trong một thông cáo đưa ra.
Tổng thống Ecuador, Guillermo Lasso, đã đổ lỗi cho sự cạnh tranh giữa các băng đảng ma túy để tranh giành lãnh thổ và quyền kiểm soát là nguyên do khiến bạo lực gia tăng. Không loại trừ khả năng các băng đảng ma túy là thủ phạm đằng sau những chiếc USB có chứa chất nổ được gửi đến các nhà báo.
Ecuador nằm giữa Colombia và Peru, 2 quốc gia có các băng đảng tội phạm sản xuất cocain lớn nhất thế giới. Nhiều nhà phân tích cho rằng các băng đảng tội phạm tại Ecuador đang thực hiện các biện pháp để khủng bố, đe dọa chính quyền và người dân để tăng cường sự ảnh hưởng của chúng.
Về mặt kỹ thuật, việc cắm một chiếc USB lạ và không rõ nguồn gốc vào máy tính sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, khi rất có thể USB đó có chứa virus và các loại mã độc nguy hiểm, mà chỉ cần cắm vào máy tính đã có thể tự động kích hoạt và lây nhiễm vào máy tính.
Do vậy, nếu nhận hoặc nhặt được một chiếc USB không rõ nguồn gốc, cách xử lý tốt nhất là nên vứt nó đi thay vì tò mò cắm vào máy tính để kiểm tra xem dữ liệu bên trong có gì.
T.Thủy