Một bộ phận TikToker đã sử dụng đoạn nhạc chế "Chú bé loắt choắt" để tạo ra các video với những hình ảnh hở hang và động tác khoe da thịt phản cảm.
Vài ngày gần đây, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok lại rộ lên trào lưu "Chú bé loắt choắt" cùng với một đoạn nhạc chế về bài thơ "Lượm". Điều này đang gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng.
Đoạn nhạc chế "Chú bé loắt choắt" được lồng ghép với nhiều hình ảnh phản cảm (Ảnh chụp màn hình).
"Lượm" là một trong những bài thơ Việt Nam gây xúc động mạnh, được sáng tác bởi nhà thơ Tố Hữu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ khắc họa hình ảnh "Chú bé loắt choắt" đã anh dũng hy sinh trong những lần chuyển thư "thượng khẩn".
Tuy nhiên, khi bị đưa lên nền tảng TikTok, nhiều cư dân mạng đã tỏ ra phẫn nộ bởi bài thơ này đã bị chế lại bằng những từ ngữ vô nghĩa và có phần sáo rỗng. Chưa dừng lại ở đó, một bộ phận TikToker còn sử dụng đoạn nhạc chế để tạo ra các video với những hình ảnh hở hang và động tác khoe da thịt phản cảm.
Đáng nói, đoạn nhạc chế "Chú bé loắt choắt" lại nhanh chóng trở thành một trào lưu trên nền tảng TikTok với rất nhiều video thu hút hàng triệu lượt xem và hàng chục nghìn lượt thả tim. Điều này càng khiến cho không ít cư dân mạng tỏ ra bức xúc.
PV Dân trí đã liên hệ với TikTok Việt Nam để trao đổi về trào lưu phản cảm trên nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Hiện tại, đoạn nhạc chế "Chú bé loắt choắt" đã bị gỡ bỏ (Ảnh chụp màn hình).
Cách đây không lâu, trong cuộc họp tại Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra vào ngày 6/4, ông Lê Quang Tự Do - Cục Trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT), cho biết để theo kịp thị hiếu của người dùng, TikTok đã sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
"Có những trend ở nước ngoài tạo thành xu hướng, khi lan vào Việt Nam, chúng tôi yêu cầu TikTok ngăn chặn, nhưng họ không thể, nên đã trở thành trend tại Việt Nam", ông Tự Do chia sẻ.
Trong số đó, có những trào lưu nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng như trend đưa các em bé đút đầu vào ống cống, nhảy xuống đường chạm đầu vào xe tải... khiến nhiều trẻ nhỏ ở Việt Nam học theo. "TikTok dường như bỏ qua, cảm thấy mình không có trách nhiệm ngăn chặn điều này", ông Tự Do kết luận.
Trong buổi họp, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra 6 sai phạm của Tiktok và khẳng định sẽ mạnh tay triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật... để yêu cầu TikTok nói riêng, và các nền tảng xuyên biên giới nói chung, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Theo dantri.com.vn