Công cụ hỗ trợ phân tích xu hướng công nghệ toàn cầu

Thứ 5, 27.04.2023 | 08:41:37
539 lượt xem

Hệ thống Phân tích năng lực cạnh tranh công nghệ đã được áp dụng thành công tại Hàn Quốc, và hiện nay đã được chuyển giao cho Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (với tên gọi là V-COMPAS) để vận hành, khai thác, sử dụng. Các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận, sử dụng để tra cứu, tìm ra các công nghệ mới, bắt kịp xu hướng công nghệ của thế giới.

GS, TS Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại sự kiện.


Ngày 26/4, Trung tâm Thông tin-Tư liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KISTI) tổ chức Lớp học quốc tế Việt Nam-Hàn Quốc năm 2023 về nâng cao năng lực hoạch định chiến lược nghiên cứu và phát triển với hệ thống V-COMPAS.

Lớp học nhằm hướng dẫn cán bộ nghiên cứu biết cách thức vận hành và khai thác sử dụng hệ thống phiên bản tiếng Việt một cách có hiệu quả nhất.

Giới thiệu về hệ thống V-COMPAS, chuyên gia Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho biết, hệ thống này phát hiện và phân tích hoạt động công nghệ toàn cầu dựa theo nguồn thông tin đầu vào như: bài báo khoa học, nền tảng dữ liệu bằng sáng chế.

Hệ thống sẽ hỗ trợ các nhà khoa học các nội dung: Ai là đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực công nghệ đang quan tâm; hiện trạng nghiên cứu công nghệ ra sao; các tổ chức khoa học, doanh nghiệp nào cũng đang tiến hành nghiên cứu tương tự trong lĩnh vực này; ai quan tâm đến công nghệ này; đâu là các công nghệ lõi trong lĩnh vực này; đâu là các mảng thị trường mới; tình hình giao dịch bằng sáng chế trong lĩnh vực này ra sao.

Tại sự kiện, GS, TS Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ nhu cầu cần tiếp cận các nguồn thông tin dữ liệu của các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm.

GS, TS Lê Trường Giang cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị đứng đầu cả nước về lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trong thời gian gần đây, Viện chú trọng hơn đến hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đưa công nghệ phục vụ vào mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước.

Để phát huy hơn nữa tiềm lực khoa học và công nghệ nhằm thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án từ chuyên ngành sâu đến đa ngành, đa lĩnh vực, Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận thấy nhu cầu cần tiếp cận với các nguồn thông tin dữ liệu của các nhà khoa học là rất lớn, không chỉ là dữ liệu ở quy mô Viện Hàn lâm, mà còn ở quy mô liên vùng, quốc gia, cũng như những vấn đề khoa học và công nghệ quốc tế.

Chính vì vậy, việc trang bị những công cụ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và quản lý công nghệ, giúp cho các nhà khoa học tìm kiếm, tra cứu và hỗ trợ phân tích thông tin, tìm ra các công nghệ mới, bắt kịp xu hướng công nghệ của thế giới là hết sức cần thiết.

Đồng thời, các nhà quản lý khoa học và công nghệ cần có các công cụ để đánh giá công nghệ, giúp cho việc đầu tư đúng hướng với các ngành công nghệ ưu tiên.

Ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho biết, Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đã có rất nhiều hoạt động hợp tác, liên kết, hỗ trợ với các cơ quan nghiên cứu ở Việt Nam.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 1 trong 6 đơn vị được chọn để thử nghiệm hệ thống Phân tích năng lực cạnh tranh công nghệ. Trung tâm Thông tin-Tư liệu đã làm rất tốt vai trò giới thiệu, đào tạo tập huấn cho cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ sử dụng hiệu quả hệ thống.


HÀ LINH

https://nhandan.vn/cong-cu-ho-tro-phan-tich-xu-huong-cong-nghe-toan-cau-post749854.html

  • Từ khóa