Trong quý I/2023, Apple đã xuất xưởng được 12,4 triệu thiết bị, tương đương với 38,9% thị phần của thị trường máy tính bảng toàn cầu.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, thị trường máy tính và máy tính bảng đã được thúc đẩy mạnh mẽ do nhu cầu học tập, giải trí và làm việc từ xa của người dùng tăng cao.
Trong quý I/2023, thị trường máy tính bảng toàn cầu đã sụt giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: PhoneArena).
Đến thời điểm hiện tại, thị trường đã không còn động lực tăng trưởng như trước. Thêm vào đó, người dùng cũng đang thắt chặt mọi chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Điều này khiến cho thị trường máy tính bảng trên toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.
Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys, số lô hàng máy tính bảng xuất xưởng trên toàn cầu trong giai đoạn quý I/2023 đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 31,7 triệu thiết bị.
Các chuyên gia cho biết đây là số lượng hàng xuất xưởng thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào quý I/2020. Sự sụt giảm này diễn ra ngay sau giai đoạn quý IV/2022 khi thị trường tăng trưởng 1%.
"Nhu cầu về máy tính bảng giảm sau kỳ nghỉ lễ là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, việc người dùng cắt giảm mạnh chi tiêu trong bối cảnh lạm phát gia tăng đã khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian này", Himani Mukka - Giám đốc nghiên cứu của Canalys, cho biết.
Bất chấp sự thu hẹp của toàn ngành, Apple vẫn duy trì vị trí nhà sản xuất dẫn đầu trên thị trường máy tính bảng với 12,4 triệu thiết bị đã được xuất xưởng trong quý I/2023, tương đương với 38,9% thị phần. Tuy vậy, con số trên đã giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xếp ở vị trí thứ hai là Samsung với 6,7 triệu thiết bị được xuất xưởng, chiếm 21,2% thị phần máy tính bảng toàn cầu. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Amazon (7,9%), Lenovo (6%) và Huawei (5,1%).
Apple vẫn dẫn đầu thị trường máy tính bảng toàn cầu bất chấp sự sụt giảm (Ảnh: Thế Anh).
Cũng theo nhận định từ Canalys, thị trường máy tính bảng đã có nhiều thay đổi trong 2 năm trở lại đây. Người dùng có xu hướng lựa chọn những thiết bị cao cấp hơn, mang lại nhiều giá trị hơn.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất như Huawei, Oppo hay Xiaomi cũng đang tích cực nâng cấp chất lượng sản phẩm với màn hình lớn hơn, bộ xử lý mạnh mẽ và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ làm việc tốt hơn.
Bất chấp những khó khăn ở giai đoạn hiện tại, các chuyên gia tại Canalys tin rằng thị trường vẫn còn nhiều động lực khác để tăng trưởng trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
"Nhu cầu giáo dục tại các thị trường châu Á sẽ trở thành một động lực tăng trưởng lớn, đặc biệt là đối với các thiết bị Android tầm trung và giá rẻ. Trong khi đó, việc số hóa các ngành như chăm sóc sức khỏe hay sản xuất cũng sẽ cần đến nhiều thiết bị máy tính bảng. Nhìn chung, nhu cầu dự kiến sẽ hồi phục dần vào nửa cuối năm 2023 và tăng mạnh vào năm 2024", Mukka nhận định.
Thế Anh/dantri.com.vn