Bạn đang cân nhắc lựa chọn một phần mềm bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cho máy tính chạy Windows của mình? Bài viết dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.
Những phần mềm bảo mật, diệt virus là công cụ nên có trên máy tính chạy Windows, giúp bảo vệ người dùng khỏi các loại virus, mã độc, phần mềm gián điệp… tránh gây hại cho máy tính và mất dữ liệu.
Với các phiên bản Windows trước đây, người dùng phải tự cài đặt phần mềm bảo mật để bảo vệ cho máy tính. Từ phiên bản Windows 8 trở về sau, Microsoft đã tích hợp sẵn Microsoft Defender Antivirus làm phần mềm bảo mật mặc định cho Windows, đồng nghĩa với việc người dùng không cần phải mất công lựa chọn và cài đặt thêm các công cụ bảo mật khác cho máy tính.
Tuy nhiên, người dùng Windows vẫn có thể cài đặt một phần mềm bảo mật bên thứ 3 thay cho Microsoft Defender Antivirus để bảo vệ cho máy tính của mình. Vậy đâu là phần mềm bảo mật phù hợp nhất mà người dùng nên lựa chọn?
Mới đây, AV-Test - Tổ chức độc lập có trụ sở tại Magdeburg (Đức), chuyên đánh giá và xếp hạng các phần mềm bảo mật dành cho máy tính (Windows, MacOS) và Android theo nhiều tiêu chí khác nhau, vừa công bố bảng đánh giá của những phần mềm bảo mật dành cho Windows.
AV-Test đã kiểm tra và đánh giá 18 phần mềm bảo mật nổi tiếng và được sử dụng phổ biến hiện nay (kể cả phần mềm Windows Defender Antivirus mặc định trên Windows 10/11), dựa trên 3 tiêu chí, bao gồm khả năng bảo vệ (phát hiện, nhận diện và ngăn chặn các phần mềm độc hại xâm nhập vào máy tính), hiệu suất (mức độ ảnh hưởng của phần mềm bảo mật đến hiệu suất máy tính) và tính khả dụng (giao diện đơn giản, dễ sử dụng). Mỗi tiêu chí đánh giá có số điểm tối đa là 6, phần mềm nào có tổng điểm 18 nghĩa là đáp ứng đầy đủ các tiêu chí do AV-Test đặt ra và được đánh giá là tốt nhất.
Điểm số 18 phần mềm bảo mật được AV-Test kiểm tra và đánh giá, với điểm số tối đa là 18 (Ảnh: AV-Test).
Trong quá trình thử nghiệm, 18 gói phần mềm bảo mật (đều được nâng cấp lên phiên bản mới nhất) sẽ phải quét để kiểm tra 1,5 triệu file khác nhau, trong đó có những file chứa các loại mã độc, virus, phần mềm gián điệp… nguy hiểm.
Ngoài ra, các phần mềm bảo mật còn được kiểm tra khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công thông qua lỗ hổng bảo mật, các hình thức tấn công thông qua email, kiểm tra khả năng nhận dạng 12.000 loại mã độc khác nhau…
Kết quả cuối cùng, có 6/18 phần mềm bảo mật đạt số điểm tối đa 18/18, trong đó có 13/18 phần mềm đạt tỷ lệ nhận diện mã độc 100%. Phần mềm bảo mật có tỷ lệ nhận diện thấp nhất là MalwareBytes, với tỷ lệ 97,8%.
Đáng chú ý, Windows Defender Antivirus lại bị AV-Test đánh giá thấp nhất về mặt hiệu suất (chỉ đạt 5/6 điểm), nghĩa là phần mềm do Microsoft phát triển lại không được tối ưu để đạt hiệu suất tốt nhất khi hoạt động trên Windows.
Phần mềm bảo mật Application Allowlisting của hãng phần mềm PC Matic xếp cuối trong bảng đánh giá, khi chỉ đạt số điểm 13/18. Mặc dù phần mềm này đạt điểm tối đa về khả năng bảo mật và hiệu suất, nhưng chỉ đạt điểm 3/6 về tính khả dụng.
Sản phẩm của các hãng bảo mật danh tiếng như Avast, Avira, Bitdefender, Kaspersky... đều được điểm số tối đa trong bài kiểm tra của AV-Test.
Một điều cần lưu ý, đánh giá của AV-Test chỉ mang tính khách quan và tham khảo, người dùng có thể tùy chọn phần mềm bảo mật dựa vào nhu cầu thực tế, mức giá cũng như danh tiếng của sản phẩm. Ngoài ra, nếu cảm thấy tự tin về khả năng và kiến thức của mình, người dùng có thể không cần phải cài đặt thêm bất kỳ phần mềm bảo mật nào trên Windows để giúp máy tính hoạt động được nhẹ nhàng và mượt mà hơn.
T.Thủy