Meta, công ty mẹ của Facebook, vừa phải nhận án phạt kỷ lục lên đến 1,3 tỷ USD vì xâm phạm thông tin người dùng tại châu Âu.
Án phạt được đưa ra bởi Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu (DPC) của Ireland, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của Meta (công ty mẹ của Facebook) tại thị trường châu Âu. Đây là mức án phạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay dành cho một công ty hoạt động tại châu Âu vì xâm phạm dữ liệu người dùng.
Các nhà quản lý EU đã cáo buộc Facebook không tuân thủ quy định, tự ý chuyển dữ liệu người dùng châu Âu về Mỹ và có thể bị các cơ quan gián điệp Mỹ khai thác. Điều này đã vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), một đạo luật bảo mật dữ liệu mang tính bước ngoặt tại châu Âu, chính thức có hiệu lực cách đây 5 năm.
Facebook phải nhận án phạt kỷ lục vì xâm phạm thông tin người dùng tại châu Âu (Ảnh minh họa: Getty).
Cùng với án phạt nặng, Meta cũng bị buộc phải dừng việc chuyển dữ liệu người dùng Facebook tại châu Âu về Mỹ. Meta có thời hạn 5 tháng để dừng hoàn toàn việc này.
Lệnh cấm chỉ áp dụng với dữ liệu người dùng Facebook tại châu Âu, trong khi các nền tảng mạng xã hội khác của Meta như Instagram và WhatsApp không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.
Án phạt nhằm vào Meta bắt nguồn từ các chính sách của Mỹ, cho phép các cơ quan tình báo của quốc gia này có thể chặn thông tin liên lạc từ nước ngoài, bao gồm cả tin nhắn hay thư điện tử. Tòa án Công lý Châu Âu cho rằng nguy cơ dữ liệu người dùng bị chính quyền Mỹ rình mò là vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của người dân châu Âu.
"Trừ khi luật giám sát của Hoa Kỳ được sửa chữa, Meta cần phải cơ cấu lại hệ thống của mình một cách triệt để, trong đó hầu hết các dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu sẽ phải lưu trữ trên máy chủ tại châu Âu, ngoại trừ các dữ liệu cần thiết như khi một người dùng châu Âu nhắn tin trực tiếp cho ai đó tại Mỹ", Max Schrems - một nhà hoạt động về quyền riêng tư người Áo, cho biết.
Đại diện Meta đã lên tiếng chỉ trích án phạt nhằm vào công ty và cho biết sẽ kháng cáo án phạt này đến cùng.
"Nếu không có khả năng truyền dữ liệu xuyên biên giới, Internet có nguy cơ bị chia cắt thành các lô cốt riêng biệt, hạn chế nền kinh tế toàn cầu và khiến công dân ở các quốc gia khác nhau không thể truy cập các dịch vụ dùng chung mà chúng tôi đang cung cấp", Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, cho biết trong một thông cáo đưa ra.
Meta cho biết phán quyết sẽ làm ảnh hưởng đến các dữ liệu, hình ảnh, kết nối bạn bè và tin nhắn người dùng mà Meta đang lưu trữ. Ngoài ra, phán quyết này cũng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hiển thị quảng cáo phù hợp với người dùng tại châu Âu, điều này sẽ tổn hại nghiêm trọng đến doanh thu của công ty từ quảng cáo tại thị trường châu Âu.
Tháng trước, Susan Li - giám đốc tài chính của Meta, cho biết khoảng 10% doanh thu quảng cáo trên toàn cầu của Facebook đến từ các quốc gia châu Âu. Tính riêng trong năm 2022, Meta đạt doanh thu 117 tỷ USD từ quảng cáo.
Đây không phải là lần đầu tiên Meta phải nhận án phạt nặng từ chính quyền EU vì vi phạm dữ liệu người dùng tại khu vực này. Vào tháng 1 vừa qua, Meta đã bị phạt 390 triệu Euro vì ép người dùng phải chấp nhận hiển thị quảng cáo được cá nhân hóa, như một điều kiện bắt buộc để sử dụng Facebook. Vào tháng 11/2022, Meta cũng bị phạt 265 triệu Euro vì làm rò rỉ dữ liệu người dùng châu Âu.
Theo dantri.com.vn