Cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn các trang web phát bóng đá, phim lậu tại Việt Nam, nhưng "cuộc chiến" chống các trang web vi phạm bản quyền vẫn gặp nhiều khó khăn.
Các trang web vi phạm bản quyền nội dung xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát
Ngày 26/9, tại Hà Nội, Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và công ty truyền thông Thủ Đô Multimedia phối hợp tổ chức tọa đàm "Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số".
Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký hội Truyền thông số Việt Nam, phát biểu khai mạc tọa đàm.
Buổi tọa đàm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thường xuyên bị vi phạm bản quyền nội dung, bao gồm điện ảnh, truyền hình số, âm nhạc…
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) khẳng định vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc trung tâm Bản quyền nội dung số, trực thuộc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cũng đồng tình quan điểm này. Theo ông Hải, tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam hiện diễn ra rất phức tạp, có hàng loạt trang web vi phạm bản quyền (website lậu) phát sóng trái phép các giải bóng đá, chiếu phim lậu…
Ông Hải dẫn số liệu thống kê từ SimilarWeb cho biết từ tháng 8/2022 đến 8/2023, tính riêng 70 trang web phát bóng đá lậu đã thu hút hơn 1,5 tỷ lượt xem tại Việt Nam. Số liệu từ SimilarWeb cũng cho biết hơn 200 trang web phát phim lậu đã thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, riêng 10 trang web chiếu phim lậu lớn nhất có hơn 66 triệu lượt xem/tháng.
Không chỉ vi phạm bản quyền nội dung thể thao hay điện ảnh, nhiều trang web còn vi phạm bản quyền truyện tranh Nhật Bản. Ông Hải cho biết tình trạng vi phạm bản quyền truyện tranh tại Việt Nam cũng đã nhận được nhiều phản ứng rất gay gắt của các đơn vị sở hữu bản quyền ở Nhật Bản.
Đặc điểm của các trang web vi phạm bản quyền nội dung đó là sử dụng tên miền và máy chủ đặt tại nước ngoài, ẩn giấu thông tin chủ sở hữu, hoạt động công khai và thay đổi tên miền liên tục mỗi khi bị chặn.
Hình thức vi phạm điển hình của các trang web vi phạm bản quyền là ngay sau khi chủ sở hữu bản quyền phát sóng nội dung lên các nền tảng như dịch vụ truyền hình trực tuyến, truyền hình số mặt đất... các đối tượng sẽ thực hiện hành vi vi phạm bằng cách livestream nội dung lên mạng xã hội hoặc cắt ghép, đăng tải nội dung lên các trang web.
"Tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số rất tràn lan trên internet, đơn cử như một trận đấu được chiếu trên kênh K+ và các đơn vị đồng phân phối của K+ thì lập tức nó cũng được chiếu trên các trang web, app lậu", luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+, chia sẻ.
Luật sư Thủy chia sẻ thêm, theo số liệu thống kê của Media Partners Asia, Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực và thứ 9 trên thế giới về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập và xem nội dung trên các trang web lậu.
Những biện pháp ngăn chặn các trang web vi phạm bản quyền nội dung
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết đang phối hợp với Cục An toàn thông tin và những bên sở hữu bản quyền… áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn các trang web lậu.
Một trong những biện pháp phổ biến nhất đó là xác minh, điều tra các trang web lậu và gửi yêu cầu đến các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) để ngăn chặn người dùng Việt Nam truy cập vào các trang web vi phạm.
Phimmoi.net, một trong những trang web xem phim lậu lớn nhất tại Việt Nam, đã bị ngăn chặn.
Theo thống kê, từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thông tin và các chủ thể bản quyền đã ngăn chặn được gần 1.000 website bóng đá lậu như xoilac.1tiengruoi.link, xoivo4.com, coichua.net, tammao.tv, 90link.com, xoilac.live, xemtructiep.xyz...
Danh sách các website vi phạm được công bố và liên tục cập nhật trên trang banquyen.gov.vn.
Biện pháp chặn truy cập vào các trang vi phạm bản quyền đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi thói quen của người dùng.
Tuy vậy, biện pháp kỹ thuật nêu trên vẫn đang tồn tại một số bất cập, đó là thời gian chặn vẫn chưa có sự thống nhất giữa các ISP; có ISP chặn ngay lập tức, nhưng có ISP chặn sau 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn. Ngoài ra, giải pháp này chỉ ngăn chặn truy cập với người dùng tại Việt Nam, trong khi người dùng các quốc gia khác vẫn truy cập được các trang web vi phạm.
Đại diện Trung tâm bảo vệ bản quyền nội dung số cũng đề xuất các giải pháp cần hướng tới để phòng chống vi phạm bản quyền trên mạng một cách hiệu quả.
Đó là thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu bản quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các ISP; thiết lập cơ chế chặn linh hoạt các tên miền web lậu mới phát sinh sau khi trang web cũ đã bị chặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập (DNS, IP, CDN). Đồng thời, cần phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực.
Theo dantri.com.vn