Chiến tranh thương mại và virus corona là cơ hội để các hãng smartphone đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đổi mới sáng tạo.
Thế giới đang phụ thuộc vào smartphone. Trong hơn một thập kỷ qua, thiết bị nhỏ bé này đã trở thành trung tâm của cuộc sống nhờ cung cấp vô số tính năng, như chụp ảnh, phát nhạc hay video, tìm kiếm thông tin trên Internet và kết nối đa phương tiện.
Smartphone đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Apple tạo ra cuộc cách mạng với thế hệ iPhone đầu tiên vào năm 2007. Thực tế, vài năm gần đây chỉ chứng kiến sự gia tăng về số lượng và tính năng của smartphone như màn hình dẻo có thể gập lại. Tuy nhiên, cuộc Thương chiến Mỹ - Trung và sự bùng phát của virus corona có thể là cú hích cần thiết giúp thế giới tiến lên thời kỳ smartphone 2.0.
Apple và nhiều hãng smartphone khác đã thành công khi đặt cược vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Ảnh: CNBC. |
Thông thường, công ty đứng đầu trong chuỗi cung ứng như Apple chỉ giới thiệu một số cải tiến nhỏ là đủ để lôi kéo người dùng bỏ ra hàng nghìn USD nâng cấp thiết bị mới. Những thế hệ smartphone mới nhất gần như không mang tính cách mạng vì các công ty đã đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng hiện có. Tuy nhiên, Tim Cook đã đặt cược vào hệ sinh thái cung ứng tại Trung Quốc. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lao đao vì chiến tranh thương mại và dịch bệnh, Apple sẽ phải trả giá.
Năm ngoái, Cook đã xin chính quyền Trump miễn thuế nhập khẩu với iPhone. Giờ đây, CEO Apple vẫn chưa thể tìm ra giải pháp bù đắp cho hoạt động sản xuất gián đoạn của các nhà máy Trung Quốc, do các công nhân phải tự cách ly 14 ngày phòng lây nhiễm virus corona.
Không chỉ Cook, lãnh đạo của nhiều hãng smartphone khác cũng nỗ lực nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh sự phụ thuộc vào quốc gia đông dân nhất thế giới. Nếu chi phí di dời dây chuyền sản xuất sang Việt Nam hay Ấn Độ quá đắt, ngành công nghiệp smartphone buộc phải tạo ra sản phẩm đột phá, biến smartphone hiện nay có thể thành một phần di sản của quá khứ.
Smartphone 2.0 được dự đoán có kích cỡ chỉ bằng một con chip, cho phép gắn trực tiếp lên cơ thể hoặc cấy dưới da. Ảnh: Wikipedia. |
Hiện tại, nhiều công nghệ cần thiết cho smartphone 2.0 đã được phát minh. Ví dụ, kết nối 5G cho phép người dùng truy cập hàng gigabyte ảnh, âm nhạc và video trên đám mây; màn hình ảo dựa trên công nghệ VR hay AR thay thế màn hình vật lý; công nghệ nhận diện giọng nói khiến thao tác vuốt thủ công trở nên lỗi thời... Nếu được giải thoát khỏi sự phụ thuộc của các thành phần vật lý đòi hỏi dây chuyền lắp ráp trong các nhà máy, thế hệ smartphone tương lai sẽ phát triển theo cách hoàn toàn mới. Đó có thể là một chiếc điện thoại với kích cỡ chỉ bằng một con chip, kế thừa cho hệ thống vi xử lý trên chip (SoC) ngày nay.
Với kích cỡ nhỏ như vậy, người dùng có thể gắn smartphone trực tiếp lên cơ thể như đồ trang sức hay thậm chí cấy dưới da. Thiết bị này sẽ khiến lực lượng nhân công lớn của hãng gia công theo hợp đồng, như Foxconn trở nên thừa thãi bởi chúng được sản trên nền tấm wafer bán dẫn tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ.
Theo tác giả, vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp smartphone tương lai sẽ thuộc về công ty chấp nhận rủi ro để đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Ảnh: SCMP. |
Samsung, Huawei hay Apple đang là hãng smartphone hàng đầu, nhưng quá khứ chứng minh biến động luôn tạo ra thay đổi trên thị trường.
Ví dụ, vào năm 2001, vụ hỏa hoạn lớn ở nhà máy sản xuất linh kiện ở thành phố Albuquerque (Mỹ) gây ra chuỗi sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của một trong những hãng điện thoại di động hàng đầu. Hơi nước và khói phá hủy hàng triệu vi mạch của Philips, cản trở chuỗi cung ứng của Ericsson và Nokia. Ở thời điểm đó, phản ứng chậm trễ của Ericsson khiến công ty này chịu khoản lỗ lớn và phải rút lui khỏi thị trường điện thoại. Nhờ lập tức tìm kiếm nguồn thay thế, Nokia đã gia tăng doanh số để vượt lên dẫn đầu trong nhiều năm, trước khi bán mảng điện thoại cho Microsoft.
Đến năm 2010, ngành công nghiệp linh kiện bán dẫn Mỹ gặp khủng hoảng do sự vươn lên mạnh mẽ của đối thủ từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Dưới áp lực của các nhà đầu tư, hầu hết hãng sản xuất chip của Mỹ phải đóng cửa. Tuy nhiên, thay vì suy giảm, ngành công nghiệp linh kiện bán dẫn Mỹ tiếp tục khẳng định vị thế nhờ chiến lược đúng đắn. Dù doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, Nvidia và Qualcomm vẫn đầu tư số tiền khổng lồ để nghiên cứu, phát triển thiết kế chip mới và thuê các đối tác như TSMC (Đài Loan) chế tạo tại các nhà máy ở châu Á, qua đó tạo nên cuộc cách mạng trong công nghệ xử lý đồ họa và kết nối không dây.
Nếu không có chiến tranh thương mại và virus corona, smartphone có thể mất thêm một thập kỷ nữa để tiến hóa. Trước tình hình khó khăn hiện nay, chấp nhận rủi ro và tiếp tục sáng tạo dường như là con đường duy nhất để ngành công nghiệp smartphone tiến bước.
Việt Anh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/so-hoa/virus-corona-se-mo-ra-thoi-ky-smartphone-2-0-4052855.html