Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết đã có hơn 1.000 vụ trộm cắp các sở hữu trí tuệ có nguồn gốc từ Trung Quốc kể từ 2018.
"FBI có khoảng một nghìn cuộc điều tra liên quan đến việc Trung Quốc cố gắng đánh cắp công nghệ ở 56 văn phòng trên khắp nước Mỹ, trải trên mọi ngành nghề và lĩnh vực", Giám đốc FBI Christopher Wray nói. "Điều này thực sự là mối đe dọa lâu dài với an toàn thông tin và tài sản trí tuệ của nước Mỹ, tác động mạnh đến đời sống kinh tế, xã hội".
Số vụ trộm cắp công nghệ có nguồn gốc từ Trung Quốc do FBI điều tra. |
Phát biểu của Wray được đưa ra tại hội nghị dành cho các thành viên chính phủ Mỹ tổ chức tuần này tại Washington, với chủ đề liên quan đến trộm cắp sở hữu trí tuệ. Trong thời gian 4 tiếng, một số quan chức cấp cao nhất của FBI và Bộ Tư pháp (DOJ) đã thảo luận những dấu hiệu báo động về các mối đe dọa và trộm cắp tài sản trí tuệ (IP) từ các thực thể Trung Quốc ở khối tư nhân và học thuật.
"Mối đe dọa từ Trung Quốc là có thật và nó dai dẳng do cách hoạt động hợp lý cũng như nguồn lực tốt từ phía sau. Nó sẽ không biến mất sớm", John Demers, Trợ lý Tổng chưởng lý An ninh Quốc gia Mỹ, khai mạc hội nghị.
John Brown, Trợ lý Giám đốc FBI, cũng cho biết cơ quan này đã thực hiện 19 vụ bắt giữ trong năm qua liên quan đến gián điệp kinh tế có nguồn gốc Trung Quốc.
Một số quan chức Mỹ nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình, rằng việc trộm cắp sở hữu trí tuệ đang diễn ra "bừa bãi" và đều được lập kế hoạch sẵn. "Họ không chỉ nhắm vào các công ty thuộc lĩnh vực quốc phòng. Mục tiêu của người Trung Quốc là mọi thứ, từ gạo, ngô cho đến phần mềm cho tuabin gió, thiết bị y tế cao cấp, bất cứ thứ gì mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh", Wray nói.
Cũng theo Wray, việc đánh cắp không dừng lại ở những người làm nghiệp vụ tình báo. Thay vào đó, bất kể doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân, nghiên cứu sinh, người dân bình thường... đều có thể tham gia.
Mỹ cho rằng hacker Trung Quốc đang trộm cắp tài sản trí tuệ ở mọi lĩnh vực. |
Jay Town, Luật sư thuộc Tòa án Quận Bắc Alabama, cho biết, các nỗ lực trộm cắp không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn và trung tâm công nghệ của Mỹ như Thung lũng Silicon hay New York mà trên khắp đất nước, từ Alabama đến Iowa.
Tại hội nghị, quan chức Mỹ nghi ngờ Trung Quốc đang khuyến khích hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ từ nước ngoài, thậm chí có hẳn một hệ thống các mức thưởng cho những hành động này. "Chúng tôi chưa có bằng chứng, nhưng có căn cứ để nghi ngờ rằng chính phủ Trung Quốc đã mua sắm các tài sản trí tuệ đánh cắp được hoặc bảo trợ cho hành vi trộm cắp", Adam Hickey, Phó Trợ lý DOJ, nói. "Có một cấu trúc được thiết lập để khuyến khích điều này".
Trên mặt trận không gian mạng, cách thức tấn công để đánh cắp dữ liệu cũng "biến hóa" khôn lường hơn. Trích dẫn nhiều nguồn báo cáo, các hoạt động hack của Trung Quốc được Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc ra lệnh, được điều phối bởi nhân viên tình báo ở các lĩnh vực cụ thể. Những người này thay vì tự tấn công, họ sẽ thuê nhà thầu tư nhân để tránh sự chú ý, có thể là tin tặc hình sự, nhà nghiên cứu bảo mật, nhân viên công ty bảo mật hoặc chuyên gia công nghệ thông tin thông thường.
Ngoài ra, việc tấn công còn được thực hiện bởi những nhóm hacker được cho là thân với Bắc Kinh, chẳng hạn APT3, APT10, APT17 hay APT40. Trong đó, APT3 và APT10 đã bị DOJ khởi kiện lên tòa án Mỹ, cáo buộc các thành viên (là hacker độc lập, nhân viên công ty bảo mật, nhân viên tình báo) đánh cắp dữ liệu của doanh nghiệp Mỹ.
Bảo Lâm/vnexpress.net
https://vnexpress.net/so-hoa/fbi-dieu-tra-1-000-vu-trom-cap-cong-nghe-tu-trung-quoc-4054629.html