DN nội bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm: Cần kiểm soát một số lĩnh vực

Thứ 4, 03.06.2020 | 14:38:32
694 lượt xem

Đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp Việt chao đảo, dễ bị “tổn thương”, tạo mảnh đất màu mỡ cho nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội thâu tóm.

Sau hơn 3 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam lâm vào tình cảnh “sống dở, chết dở”, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc trên bờ vực phá sản.

Với những doanh nghiệp còn trụ lại thì khó khăn chồng chất. Một trong những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt là tình trạng thiếu vốn, đặc biệt vốn lưu động. Trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Đáng nói, trong bối cảnh khó khăn ấy đã xuất hiện hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư ngoại đã tranh thủ cơ hội để thâu tóm nhiều doanh nghiệp Việt bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần. Thay vì mất nhiều thời gian và thủ tục đăng ký mới vốn đầu tư trực tiếp, cách làm này giúp các doanh nghiệp ngoại thâm nhập thị trường Việt Nam nhanh và dễ dàng hơn.

doanh nghiep noi bi doanh nghiep ngoai thau tom: co dang lo ngai? hinh 1
"Làn sóng" doanh nghiệp ngoại thâu tóm doanh nghiệp nội đang gia tăng. (Ảnh minh họa)

Số liệu 4 tháng đầu năm nay ghi nhận những bất thường khi các vụ mua bán sáp nhập gia tăng mạnh.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/4 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ, song góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài lại giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp nước ngoài đã chi 2,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp nội trong tháng đầu năm 2020, chỉ bằng 34,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy giảm về số vốn nhưng số lượt góp vốn mua cổ phần lại tăng tới 33% với hơn 3.000 lượt góp vốn. Cũng trong thời gian này, các doanh nghiệp Trung Quốc có tới 557 lượt góp vốn mua cổ phần vào doanh nghiệp Việt với số vốn 230 triệu USD.

Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là 3 nước tăng tới 40% số vụ mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp Việt. Về giá trị các thương vụ, Nhật Bản đứng đầu với 743 triệu USD, tiếp theo là Hàn Quốc (356 triệu USD), Singapore (333 triệu USD) và Trung Quốc là 230 triệu USD…

Những lĩnh vực tiềm năng mà nhà đầu tư nước ngoài "để mắt" đến là công nghiệp chế biến, chế tạo với 822 thương vụ, có giá trị hơn 1 tỷ USD; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với hơn 1.000 thương vụ với giá trị hơn 500 triệu USD...

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho rằng, đại dịch Covid-19 là cơ hội khiến các nhà đầu tư nước ngoài “nhắm” tới các doanh nghiệp đang "bị tổn thương". Không riêng ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đang lo ngại, các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội cổ phiếu lao dốc, thị trường bất ổn để thâu tóm các doanh nghiệp chủ chốt với giá rẻ.

Tuy nhiên, ông Hoàng nhận định, việc góp vốn, mua cổ phần tại những doanh nghiệp bình thường thì nên để diễn ra tự nhiên, nhưng với doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn thì cần phải có sự kiểm soát.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp. Hiện tượng mua bán, sáp nhập thời gian tới còn diễn ra mạnh mẽ hơn dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.

Trước tình hình đó, để bảo vệ doanh nghiệp nội, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã có kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ, theo đó, ông Lộc đề xuất phương án tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và mở cửa, việc các doanh nghiệp nội chào mời các nhà đầu tư mua cổ phần là điều bình thường, nhưng nếu chào mời rộng rãi quá thì rất dễ bị thâu tóm. Việc chọn ngành nghề mời gọi đầu tư phải đi cùng với quy định tỷ lệ đầu tư của doanh nghiệp FDI để có sự khống chế tỷ lệ hợp lý, có thể điều chỉnh theo cung - cầu của thị trường.

Về vĩ mô, Chính phủ nên có chính sách, kế hoạch thu hút đầu tư, những lĩnh vực đầu tư nào có thể gây rủi ro về chính trị, kinh tế, xã hội thì cần phải được kiểm soát. Trong tình hình mới, chúng ta vừa tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa chủ động bảo vệ doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng doanh nghiệp bị thôn tính một cách bất hợp lý. Ở chiều ngược lại, nên tạo điều kiện để một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam dồn lực, mua lại doanh nghiệp nước ngoài thuộc những lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao./.


Chung Thủy/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/dn-noi-bi-doanh-nghiep-ngoai-thau-tom-can-kiem-soat-mot-so-linh-vuc-1055066.vov

  • Từ khóa