Từ vụ cây phượng đổ trong trường học: Nhìn lại công tác quản lý cây xanh

Thứ 6, 05.06.2020 | 08:17:40
611 lượt xem

Hầu hết các trường đều giao cho bảo vệ vừa chăm sóc, vừa quản lý cây xanh, nhưng đội ngũ lại không có chuyên môn về cây xanh.

Sau sự cố cây phượng vĩ bật gốc đổ xuống khiến nhiều em học sinh bị thương, một em học sinh thiệt mạng tại TP HCM, nhiều cây phượng trong khuôn viên trường học bị đốn hạ, để lại sân trường bỏng rát, trơ trụi nền bê tông vì không còn bóng cây xanh. Vậy có nên đổ lỗi hết cho cây phượng, loài cây vốn đã gắn liền với ký ức học trò. Cần nhìn nhận vấn đề  ra sao để tránh hành động một cách quá “cực đoan"? 

PGS.TS Đồng Huy Giới, Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có trao đổi với VOV về nội dung này.

tu vu cay phuong do trong truong hoc: nhin lai van de quan ly cay xanh hinh 1
Cây phượng tại trường học ở TP HCM đổ khiến 1 học sinh tử vong và nhiều em bị thương. 

PV: Thưa PGS.TS Đồng Huy Giới, đầu tiên, xin ông cho biết về đặc tính sinh học của cây phượng vĩ?

PGS.TS Đồng Huy Giới: Cây phượng vĩ là một loài cây rất có ý nghĩa, đặc biệt là đối với học trò. Đặc điểm sinh học, cây phượng có tên khoa học là Delonix regia. Đây là một cây cổ thụ tương đối lớn được trồng khá phổ biến trong trường học và ngoài đường phố. Cây phượng là cây rễ cọc, rễ ăn tương đối sâu. Do đó, cây không dễ đổ ngã như người ta tưởng. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là tuổi thọ của cây phượng này độ 30 tuổi. Nếu chăm sóc tốt thì có thể dài hơn nhưng sau 30 năm cây phượng rất dễ bị sâu bệnh gây mục thân. Khi bị mục rất dễ bị đổ do tác động từ ngoại lực.

Cho dù là cây rễ cọc không dễ bị đổ nhưng cành của nó lại khá giòn. Vì vậy, cho nên chỉ bị tác động bởi ngoại lực, nó có thể bị gãy đổ.

PV: Thưa ông, ông có thể khẳng định lại một lần nữa là loại cây này có dễ bị đổ ngã hay không?

PGS.TS Đồng Huy Giới: Như tôi vừa nói, nếu nói về dễ bị đổ thì cây phượng không được gọi là cây dễ bị đổ. Chúng ta phải lưu ý là nó là cái cây thân giòn, cho nên có thể nói bị gãy cành. Cây chỉ bị đổ khi mà tuổi thọ của nó đã bị già hay nói cách khác là cây đã đến lúc cần phải thay thế.

PV: Trước tình trạng các trường học hiện nay đang chặt bỏ cây xanh, ông có suy nghĩ gì?

PGS.TS Đồng Huy Giới: Đầu tiên là câu hỏi việc cây có dễ bị đổ hay không? Trước đây thì ông cha ta thường trồng cây từ lúc nó nhỏ. Sau đó nó lớn lên, vì vậy rễ còn ăn rất sâu trong lòng đất, rất khó bị đổ. Hiện nay, người ta rất muốn cây nó nhanh, thậm chí là năm trước năm sau đã thành cổ thụ. Vì vậy, người ta lại di dời cây cổ thụ từ nơi khác người ta trồng.

Trong trường hợp này lại rất dễ bị đổ không phải chỉ cây phượng mà tất cả các cây xanh nói chung. Lý do là vì khi di dời như vậy thì người ta phải chặt bỏ rễ. Sau đó, người ta di dời để người ta trồng. Vì thế rễ của nó không thể ăn sâu vào trong lòng đất làm cho cây bị đổ.

Một ý mà các trường cần phải quan tâm là Chính phủ đã có Nghị định số 64 năm 2010 về quản lý cây xanh đô thị, có nêu rất rõ là các tổ chức, cá nhân không được tự ý chặt hạ, thậm chí là chặt nhánh tỉa cành, đào gốc khi chưa được cấp phép.

Chính vì thế, tôi ủng hộ việc là chúng ta phải quan tâm đến việc chặt bỏ những cây bị sâu bệnh, không còn an toàn toàn cho con người, cho học sinh. Tuy nhiên là chúng ta cần phải quan tâm đến Nghị định của Chính phủ, đặc biệt là tránh tình trạng tôi có thể để trong ngoặc kép là chặt theo phong trào, nó sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình cây xanh đô thị vì chúng ta biết là trồng cây xanh là rất là khó khăn, đặc biệt là trong tình hình hiện nay đô thị hóa ngày càng nhiều cây xanh ngày càng ít. Chúng ta biết là cây xanh được coi là lá phổi của thành phố. Nếu chúng ta chặt hạ cây xanh như vậy nó sẽ ảnh hưởng đến việc biến đổi khí hậu rất nhiều vấn đề vấn đề hệ lụy tiếp theo nữa.

PV: Vậy ông có lời khuyên gì về quản lý cây xanh trong trường học?

PGS.TS Đồng Huy Giới: Về quản lý cây xanh trong trường học thì đồng nghiệp của chúng tôi cũng đã có một đề tài nghiên cứu về việc thống kê trong trong các trường khu vực Hà nội. Có mấy điểm mà tôi muốn lưu ý thế này.

Thứ nhất hầu hết các trường hiện nay khi trồng cây đều thiết sự tư vấn thiết kế của các nhà chuyên môn. Cái này tôi rất thông cảm với các trường học là vì các trường người ta không có kinh phí cho việc là tư vấn thiết kế cho việc trồng cây xanh mà hầu hết người ta trồng mang tính tự phát.

Thứ hai là thông qua điều tra thì mới biết được là hầu hết gần như 100 % các trường học không có cán bộ chuyên môn phụ trách việc chăm sóc, duy tu thường xuyên cho cây xanh ở trong nhà trường.

Hầu hết các trường đều giao cho các bác bảo vệ vừa làm chăm sóc và làm quản lý. Tuy nhiên, các bảo vệ thì lại không có chuyên môn về mặt quản lý cây xanh, đặc biệt là xanh đô thị.

Cũng trong Nghị định 64 của Chính phủ mà lúc trước tôi có đề cập thì cũng có đề cập rất rõ là cây trồng thì phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra, xác định tình trạng sinh trưởng phát triển để có biện pháp bảo vệ, xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến cây đến sự việc chăm sóc tỉa cành là phải tuân thủ tục quy trình kỹ thuật, đồng thời phải có biện pháp bảo vệ an toàn. Hiện nay là các trường học là chúng ta bỏ quên cái chuyện đó.

Lời khuyên của tôi  là nếu chúng ta không quân đội ngũ chuyên môn chúng ta phải thuê, làm thế nào để có được cái việc chăm sóc, đặc biệt là trước mùa mưa bão. Chúng ta phải tiến hành việc kiểm tra sức khỏe, đối với những cây bị sâu mục bên trong thì chúng ta phải có biện pháp chặt nó đi không gây ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Một điều lưu ý nữa đó là vì trường học hiện nay là diện tích đất hẹp, nên chúng ta tiết kiệm diện tích trồng cây nó sát vào một bức tường hay gì đó. Xin thưa là cây càng to thì rễ nó càng phải ăn dài, ăn sâu thì mới giữ được. Nếu chúng ta tổng diện tích quá nhỏ khi nó lớn là sự mất cân đối và rất dễ dẫn đến chuyện là đổ như chúng ta thấy vừa rồi là trường hợp rất thương tâm.

Xin cảm ơn ông./.


Phương Chi/VOV.VN

https://vov.vn/tin-24h/tu-vu-cay-phuong-do-trong-truong-hoc-nhin-lai-cong-tac-quan-ly-cay-xanh-1055893.vov

  • Từ khóa