Quan hệ kinh tế Việt - Nga trong bối cảnh những thách thức mới

Thứ 6, 05.06.2020 | 08:53:59
1,132 lượt xem

Nga đặc biệt coi trọng việc mở rộng hợp tác ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là đất nước đang phát triển hết sức năng động.

Hội thảo trực tuyến “Quan hệ kinh tế Việt Nam-Liên bang Nga trong bối cảnh những thách thức mới” do Viện kinh tế -Viện hàn lâm khoa học Nga và Trường Đại học kinh tế quốc dân Việt Nam phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Việt Nam và 90 năm thành lập Viện kinh tế Viện hàn lâm khoa học Nga.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam và Nga, các nhà quản lý, đại diện giới doanh nghiệp để tập trung thảo luận và đưa ra về những khuyến nghị góp phần tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước, nhất là sau đại dịch Covid-19. 

quan he kinh te viet - nga trong boi canh nhung thach thuc moi hinh 1
PGS.TS Phạm Hồng Chương- Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân
 trình bày tham luận.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, tiến sĩ Elena Lenchuk-Viện trưởng Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Nga và Việt Nam trong 70 năm qua. Bà cho rằng, kinh tế Nga và Việt Nam đều tăng trưởng bền vững trong suốt thời gian qua. Nga đặc biệt coi trọng việc mở rộng hợp tác ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là đất nước đang phát triển hết sức năng động. Do đó, hai nước đứng trước nhiều cơ hội đẩy mạnh hợp tác.

Hội thảo đã chia làm 3 phiên thảo luận, tập trung vào 3 chủ đề chính, đó là “Những xu thế chính trong quan hệ hợp tác thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga thập kỷ 2010-2020”, “Quan hệ Việt-Nga trước thách thức của đại dịch Covid-19” và “Sụt giảm giá dầu và hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Liên bang Nga”. Các đại biểu tham gia hội thảo đã trình bày gần 20 tham luận, đưa ra những đánh giá, tổng kết về thành tựu hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, năng lượng giữa hai nước trong suốt những năm qua, chỉ ra những cơ hội, lĩnh vực mới có thể tranh thủ khai thác.

Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ-Bộ Công Thương, với sự phát triển mạnh mẽ trong thời qua, Việt Nam và Liên bang Nga đã trở thành đối tác quan trọng của nhau trong hợp tác kinh tế. Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Liên bang Nga trong ASEAN và là nước xuất khẩu hàng hóa vào Liên bang Nga đứng thứ năm trong khối APEC (sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc); Liên bang Nga là đối tác thương mại đứng thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu. 

quan he kinh te viet - nga trong boi canh nhung thach thuc moi hinh 2
Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Còn ông Aleksander Cardo-Phó trưởng Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam lưu ý rằng, ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực, 2/3 thuế nhập khẩu đã được bãi bỏ và những dòng thuế còn lại sẽ dần dần được bãi bỏ vào năm 2026. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam đã đạt kỷ lục, được ghi nhận vào năm 2018 và lên tới 6,1 tỷ USD. Cũng trong năm đó, xuất khẩu của Nga sang Việt Nam đã đạt con số cao nhất từ trước đến nay - 2,5 tỷ USD, chủ yếu là do nguồn cung ngũ cốc và các sản phẩm máy móc thiết bị. Năm 2019, thương mại giữa hai nước đã giảm đáng kể, phần lớn là do giảm xuất khẩu của Nga.

Tuy nhiên, ông Aleksander Cardo đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng xuất khẩu trong năm 2020, một phần là do các nỗ lực được thực hiện trong giai đoạn trước. Đó là sự mở cửa thị trường Việt Nam cho các nhà sản xuất thịt, cá và các sản phẩm sữa của Nga; giải quyết các vấn đề liên quan đến hạn chế cung cấp ngũ cốc Nga cho Việt Nam; bắt đầu thực hiện thỏa thuận liên chính phủ về hỗ trợ sản xuất xe cơ giới trên lãnh thổ Việt Nam (theo thỏa thuận này, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 900 xe GAZ và KAMAZ vào năm 2020). Ông dẫn ra số liệu trong quý đầu tiên của năm 2020, tăng trưởng kim ngạch thương mại lên tới 9%, xuất khẩu của Nga tăng 76%. Điều này cho thấy, tình hình khó khăn của kinh tế thế giới và ở hai nước Nga-Việt Nam chưa ảnh hưởng đến hợp tác thương mại song phương.

Ông bày tỏ hy vọng rằng, sau khi tình hình dịch tễ trở lại bình thường, phía Nga sẽ có thể ký các thỏa thuận cụ thể trong các lĩnh vực khác đã được đặt ra như cung cấp thiết bị và công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt ở Việt Nam, giới thiệu các dược phẩm của Nga, công nghệ thông tin, công nghệ năng lượng xanh cho thị trường địa phương; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dầu khí.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Chủ tịch ủy ban Quốc gia Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương cũng chỉ ra rằng, dựa trên nền tảng của mối quan hệ truyền thống, tin cậy lẫn nhau, Việt Nam và Nga có thể tập trung vào những lĩnh vực mới như y tế, công nghệ cao, năng lượng mới, công nghệ số, công nghệ lưỡng dụng... TS Võ Trí Thành khẳng định, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga là “quan hệ hai bên cùng thắng”. Các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của hai nước luôn bổ sung cho nhau.

Trình bày tham luận về “Ảnh hưởng của Covid-19 đến hợp tác giữa Việt Nam và Nga” Giáo sư, tiến sĩ Trần Thọ Đạt-thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng thành viên trường Đại học kinh tế quốc dân cho rằng, Nga có thể tranh thủ việc Việt Nam đã xử lý thành công đại dịch Covid-19 và nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế để tăng cường hợp tác. Theo ông, chính phủ Việt Nam có thể đầu tư nhiều hơn vào các ngành xuất khẩu chính của mình và cải thiện chất lượng xuất khẩu.

Đây có thể là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, các sản phẩm kỹ thuật điện và Nga có thể giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc sau đại dịch. Bên cạnh đó, Nga là một trong những thị trường lớn nhất cho du lịch Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2019, lượng khách Nga đến Việt Nam tăng mạnh, đạt hơn 646.000 lượt. Với việc ngăn chặn thành công dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn cho du khách Nga và quốc tế. Dự báo trong năm 2020, Việt Nam có thể sẽ đón tới 1 triệu khách du lịch Nga./.


Anh Tú/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/quan-he-kinh-te-viet-nga-trong-boi-canh-nhung-thach-thuc-moi-1056106.vov

  • Từ khóa