Gần 78% đại biểu Quốc hội ủng hộ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Thứ 6, 05.06.2020 | 08:54:03
599 lượt xem

77,51% đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, 22,25% tán thành không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có báo cáo tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Theo đó, về việc cấm hay không dịch vụ kinh doanh đòi nợ, trong 409 phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, có 317 phiếu (77,51%) ủng hộ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 91 phiếu (22,25%) tán thành việc không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 1 phiếu không chọn phương án nào.

Trong đó, có người đề nghị có quy trình thực hiện dịch vụ này để các doanh nghiệp hoạt động theo các quy định phù hợp pháp luật.

Ý kiến khác đề nghị không có hình thức này trong Luật Đầu tư. Vì các luật hiện hành cũng đã quy định hình thức cho vay và hình thức phải trả nợ, nếu quy định nội dung này trong Luật Đầu tư sẽ tạo ra một hành vi “đòi nợ” trái pháp luật, một số đại biểu cho rằng không quản lý được thì “cấm” là không chính xác.

Bên cạnh đó, có ý kiến đồng ý không quy định cấm nhưng gợi ý nên đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ”, để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời có những điều kiện kinh doanh cụ thể quản lý, chế tài, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để ngành nghề này lành mạnh không biến tướng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội.

77,51% dai bieu ung ho cam kinh doanh dich vu doi no hinh 1
Dịch vụ đòi nợ thời gian qua gây nhiều hệ lụy trong xã hội. (Ảnh minh họa)

Trước đó, tại phiên thảo luận trực tuyến về nội dung này, các đại biểu chủ yếu có 2 luồng ý kiến: quy định cấm hoặc không quy định cấm dịch vụ đòi nợ.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh (đại biểu đoàn An Giang) ủng hộ quan điểm cấm dịch vụ đòi nợ thuê.

“Chúng ta đã có một thời gian để quan sát. Không có một doanh nghiệp nào, người lao động chủ yếu là người xăm trổ, ba trợn, ba trạo; Công cụ lao động để đạt mục đích là dao kiếm và phương thức thủ đoạn để lao động đạt được mục đích này là dùng vũ lực đe dọa dùng vũ lực”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nêu rõ.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Giám đốc Sở Tư pháp Long An) cho rằng những đóng góp cho xã hội, cho Nhà nước của loại hình kinh doanh thu hồi nợ chưa được đánh giá để thể hiện rõ kết quả tích cực. Nhưng nhiều vấn đề đáng lo ngại, tiêu cực lại được thể hiện rõ.

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh cho vay tài chính song hành, biến tướng thành các băng nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, gây áp lực bằng các biện pháp trái pháp luật như xã hội đen, khủng bố tinh thần, đe dọa con nợ để cưỡng đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trong khi đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp Phạm Văn Hòa ủng hộ việc cho phép loại hình kinh doanh đòi nợ hoạt động nhưng gợi ý nên đổi tên nhẹ nhàng hơn thành "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".

“Không thể ngành nào Nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh, mà nên tạo điều kiện để quản lý theo quy định của pháp luật sẽ dễ dàng hơn”, ông Hòa nói.

Theo ông, thực tế cấm mà nhu cầu xã hội rất cần thì vẫn tồn tại và có những trường hợp trá hình nên càng khó quản lý. Vì thế cần quy định điều kiện chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị cho rằng chỉ đặt vấn đề cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê khi đó là giải pháp cuối cùng, không còn cách nào khác thì mới cấm.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) góp ý nên tham khảo một số nước như Thái Lan, Mỹ. Ví dụ, quy định điều kiện thành lập cũng như quy trình thu hồi nợ hết sức chuẩn mực, thậm chí quy định thời gian được gọi điện thoại cho khách nợ.

77,51% dai bieu ung ho cam kinh doanh dich vu doi no hinh 2
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Thanh Niên)

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khi giải trình nội dung này cho biết đây là vấn đề Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận hết sức công phu, xem xét thận trọng. Cuối cùng đi đến quyết định chọn phương án cấm loại kinh doanh dịch vụ này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tha thiết mong các đại biểu ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

Theo chương trình nghị sự, Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua ngày 17/6, tại đợt họp tập trung./.


Vân Anh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/gan-78-dai-bieu-quoc-hoi-ung-ho-cam-kinh-doanh-dich-vu-doi-no-1056117.vov

  • Từ khóa