Những doanh nghiệp Việt thoát hiểm thời Covid-19

Thứ 4, 24.06.2020 | 08:52:04
654 lượt xem

Không ít đơn vị ngành du lịch chủ động thay đổi cấu trúc doanh nghiệp; đồng thời mở rộng phương thức hoạt động nhằm thúc đẩy kinh doanh.

Theo ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc WorldTrans, Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, trong đó có sự phát triển của ngành du lịch. Từ doanh thu đạt 293 tỷ đồng trong tháng 1/2020, đơn vị có ưu thế trong lĩnh vực thuê nguyên chuyến bay (charter) và cung cấp vé máy bay này chỉ thu về khoảng 50 tỷ đồng trong tháng 2 khi đại dịch bùng phát. Hai tháng sau đó, doanh thu của doanh nghiệp tiếp tục giảm 95% khi hàng loạt công ty du lịch và các khách hàng lẻ "đóng băng" trước những tác động trực tiếp của dịch bệnh.

Ông Biên đánh giá đây là mức giảm và ảnh hưởng mang tính đột ngột. Để tiết giảm chi phí, đầu tháng 2 doanh nghiệp đã lên phương án "ngủ đông" 4 tháng (bắt đầu từ tháng 3), bộ máy công ty chuyển sang làm việc online, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đào tạo; nhanh chóng cân đối quỹ dự phòng để lập một kế hoạch tài chính đến hết năm.

Đồng thời, đơn vị này mở rộng mảng vận chuyển hàng hóa khi nhận thấy, nhu cầu trao đổi trang thiết bị y tế, thực phẩm, hàng hóa giữa các nước rất lớn. Nếu hoạt động này diễn ra tốt, cùng với việc thực hiện ký kết hợp đồng vận chuyển trị giá 260 tỷ đồng, công ty gần như hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm.

Cũng theo ông Biên, khi việc di chuyển bằng máy bay thương mại của các hãng hàng không bị hạn chế cũng là cơ hội khai thác các chuyến charter đưa người Việt về nước và chở người từ Việt Nam đi các nước. "Hoạt động này phần nào giải quyết được tình trạng đi lại của người dân, đồng thời mang lại nguồn thu nhất định cho công ty", ông khẳng định.

Chuyến bay vận chuyển hàng hóa sang châu Mỹ hồi đầu tháng 6 đã mở màn cho chuỗi 18 chuyến bay khác đưa hàng hóa đến các nước mà doanh nghiệp này phục vụ trong tháng 6. Ảnh: Anh Thư.

Chuyến bay vận chuyển hàng hóa sang châu Mỹ hồi đầu tháng 6 đã mở màn cho chuỗi 18 chuyến bay khác đưa hàng hóa đến các nước mà doanh nghiệp này phục vụ trong tháng 6. Ảnh: Anh Thư.

Đối với các đơn vị lữ hành, hậu thời gian cách ly xã hội, các công ty lữ hành hầu như chỉ bán tour free & easy vì "tour trọn gói thời điểm này khó bán". Tuy nhiên Vietravel đã có 2 đoàn khoảng 50 khách khởi hành đi Phan Thiết, trở thành "điểm sáng" trên hành trình vượt qua khó khăn thời khủng hoảng do Covid-19.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cho biết, dù thực hiện phương án "ngủ đông", công ty chuyển sang làm việc trực tuyến thì Ban Sản phẩm – Dịch vụ của công ty vẫn liên tục phân tích xu hướng và nhu cầu thị trường, phối hợp với các đối tác để xây dựng sản phẩm an toàn về điểm đến, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận chuyển) và nhân viên được tập huấn bài bản.

Cùng với chính sách giá ưu đãi giảm tới 60% nhưng vẫn cam kết giữ nguyên chất lượng dịch vụ; thời gian và lịch trình tour chú trọng đến giá trị trải nghiệm của khách hàng, lượng khách tới công ty mua tour đang ngày càng tăng lên. Gần ba tuần sau khi hết cách ly xã hội, doanh số đặt tour trong một ngày đạt một tỷ đồng.

"Một tỷ đồng chẳng thấm vào đâu so với thời điểm trước dịch, khi trung bình mỗi ngày đạt khoảng 30 - 40 tỷ đồng. Nhưng tôi mừng vì nhận thấy thị trường đã khởi động lại", ông Kỳ cho biết.

Tương tự, Luxury Travel, đơn vị có thế mạnh về khai thác du thuyền ngủ đêm trên vịnh cũng thay đổi cấu trúc doanh nghiệp theo quy luật Pareto 80 - 20. Trong đó, 80% nhân sự và thời gian dành cho thị trường nội địa và mảng MICE nội địa (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác); 20% chuẩn bị cho sự phục hồi để đón khách quốc tế đến bất kỳ lúc nào.

Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, trước dịch bệnh, doanh nghiệp rất thụ động. Dịch bệnh đã chặn đứng luồng khách quốc tế, buộc công ty phải thay đổi và linh hoạt hơn, đa năng hơn trong lĩnh vực du lịch nội địa, vận tải, du thuyền sang trọng.

"Chúng tôi tạo ra phòng nội địa và website riêng, tập trung vào phân khúc tầm trung và cao cấp", ông Hà nói. Doanh nghiệp tạo ra những trải nghiệm mới và phù hợp với đối tượng nhóm nhỏ, gia đình, những du khách sang chảnh lần đầu trải nghiệm dịch vụ sang trọng.

Theo ông Phạm Hà, các du thuyền của Lux Group đã được đặt hết từ nay đến tháng 9/2020. Ảnh: Thanh Sơn.

Các du thuyền của Lux Group đã được đặt hết từ nay đến tháng 9/2020. Ảnh: Thanh Sơn.

Bà Phạm Thị Ngọc Trinh, chủ homestay ở Vĩnh Long cho biết, cơ sở lưu trú của bà trước dịch chủ yếu đón khách quốc tế. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, khi khách du lịch quốc tế chưa thể vào Việt Nam, bà "chuyển hướng" sang phục vụ thị trường nội địa. "Ai cũng biết, thời điểm này du lịch nội địa là cứu cánh nên muốn hoạt động thì buộc phải thay đổi tư duy. Khách trong nước thường chọn du lịch cuối tuần. Vì thế, những ngày cuối tuần, độ lấp đầy phòng lưu trú của chúng tôi đều đạt 100%", bà Trinh nói.

Theo ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Giám đốc Oxalis Holiday, quản lý Chày Lập famstay & resort, công suất phòng tại cơ sở này vào dịp cuối tuần đạt 100%, đến hết tháng 7. "Bên cạnh các chương trình ưu đãi của doanh nghiệp, chúng tôi cũng phối hợp với những đơn vị lữ hành lớn và uy tín để xây dựng gói kích cầu, thu hút nhiều hơn khách du lịch tới Quảng Bình", ông Đạt nói.

Các doanh nghiệp cho rằng, những ngày khủng hoảng vừa qua đã chứng minh rằng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt chính là mấu chốt giúp công ty tồn tại bền vững, vượt qua mọi thách thức.

Theo ông Phạm Hà, nhìn một góc độ khác, đây là cơ hội để cả các cá nhân và doanh nghiệp nhìn lại mình, điều chỉnh và tạo đà tốt hơn sau khi dịch bệnh đi qua và các đường bay quốc tế được nối lại. "Đây cũng là cơ hội doanh nghiệp thích ứng với thị trường để tồn tại và văn hóa doanh nghiệp được phát huy. Cơ hội hoàn toàn như nhau cho tất cả doanh nghiệp dù quy mô lớn hay nhỏ. Doanh nghiệp nào tồn tại qua giai đoạn này sẽ phát triển mạnh mẽ", ông khẳng định.


Nguyễn Nam/vnexpress.net

https://vnexpress.net/nhung-doanh-nghiep-viet-thoat-hiem-thoi-covid-19-4119342.html

  • Từ khóa