Xu hướng tiêu dùng thay đổi do dịch Covid-19

Thứ 5, 25.06.2020 | 10:58:39
714 lượt xem

Sau mùa dịch, có thể nói các yếu tố liên quan đến chăm sóc đảm bảo sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của người tiêu dùng.

Đại dịch Covid-19 tác động tất cả các lĩnh vực và ảnh hưởng đến mọi nhà, mọi người. Ngay trong thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh cách đây vài tháng, xu hướng, thói quen của người tiêu dùng trong nước, nhất là ở các đô thị lớn như TPHCM thay đổi đáng kể, cả do chủ quan và khách quan.

Đến nay, dù tình hình đã bớt căng thẳng nhưng những thay đổi trong việc mua sắm, tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, hàng hóa… vẫn còn. Từ đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải kịp thời điều tiết, thay đổi mẫu mã, giá cả, hình thức mua bán, giao hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn “bình thường mới”.

Gia đình chị Nguyễn Mỹ Linh trước đây thường đi trung tâm thương mại mỗi cuối tuần và mua sắm theo nhu cầu từng người. Từ khi có dịch Covid-19, gia đình chị tuân thủ khuyến cáo yêu cầu hạn chế đền nơi đông người để phòng chống dịch, rồi thực hiện giãn cách xã hội nên số lần đi trung tâm thương mại thưa dần. Đến nay, khi mọi hoạt động gần như bình thường, gia đình chị vẫn chỉ cử thành viên đi mua sắm ở trung tâm và chỉ mua những thứ cần thiết nhất, ưu tiên cho thực phẩm dùng chung cả nhà.

xu huong tieu dung thay doi do dich covid-19 hinh 1
Người tiêu dùng ưu tiên chọn mua thực phẩm chăm sóc sức khỏe.


Theo chị Linh, xu hướng và cách thức mua sắm này đã trở thành thói quen sau mùa dịch, khi mà cả nhà ý thức hơn việc phải tiết kiệm và chi tiêu hợp lý.

“Từ lúc dịch đến giờ hết dịch rồi nhưng công việc với thu nhập tương đối khó khăn, nên gia đình tôi rất tiết kiệm. Nhà tôi bây giờ chủ yếu mua thực phẩm và những đồ thiết yếu khác thôi, hạn chế mua những thứ không cần thiết lắm, ví dụ như quần áo, giày dép…” - chị Linh nói.

Khảo sát mới đây của Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao ở thị trường trong nước và khảo sát của Kantar (một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu) tại thị trường một số nước trên thế giới cho thấy, thực phẩm và hóa phẩm, chất tẩy rửa, vệ sinh cá nhân, nhà cửa là các sản phẩm được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn.

Trong tương lai gần, người tiêu dùng TPHCM ưu tiên tiêu dùng sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, chăm sóc sức khỏe nhiều hơn các địa phương khác. Có đến 93% số người được hỏi cho biết trong 6 tháng tới sẽ chủ yếu mua sắm thực phẩm mà thôi.

Đồng thời, khảo sát cũng cho thấy có sự thay đổi trong các yếu tố chọn mua sản phẩm. Nếu như trước đây, người tiêu dùng quan tâm đầu tiên đến hình thức bắt mắt của sản phẩm thì hiện nay các yếu tố như an toàn vệ sinh, tốt cho sức khỏe và thông tin cụ thể (hạn dùng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ…) được người tiêu dùng quan tâm hơn khi chọn mua sản phẩm. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh sản xuất để đáp ứng xu hướng, thói quen tiêu dùng này.

Sau mùa dịch, có thể nói các yếu tố liên quan đến chăm sóc đảm bảo sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của người tiêu dùng. Kế đến là các yếu tố tiện lợi, dễ tìm mua, uy tín thương hiệu được người tiêu dùng ưu tiên quan tâm khi chọn mua sản phẩm. Đồng thời, các yếu tố quảng cáo, khuyến mãi… hiện nay không còn là tác nhân quan trọng tạo nên sức hút đối với người tiêu dùng như trước đây.

Một điều đáng quan tâm nữa là các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tự chọn) là các điểm mua được người tiêu dùng thành thị chọn đến nhiều hơn. Đặc biệt, kênh mua sắm online ngày càng khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh của Kantar Việt Nam- một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu khuyến cáo, thực tế thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên họ nhạy cảm hơn với giá, họ cần sự khẳng định về chất lượng từ phía doanh nghiệp.

“Trong hoàn cảnh này, người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi để đối phó với hoàn cảnh mới, tập thói quen mới và chờ đợi các doanh nghiệp các nhãn hàng đóng vai trò thông báo, dẫn dắt, truyền thông về sản phẩm để họ tin tưởng. Vì vậy, trong thời gian này, về phía doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh thương hiệu, xây dựng giá trị sản phẩm, có những chứng nhận khẳng định nguồn gốc, chất lượng sản phẩm là đặc biệt quan trọng” - bà Nga nói.

Dịch bệnh bùng phát, thu nhập hạn chế, điều kiện kinh tế giảm sút sẽ là những tác động lâu dài đối với đời sống, hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng trở nên dè dặt và thận trọng hơn trong lựa chọn hàng hóa.

Các sản phẩm thiết yếu bảo vệ sức khỏe sẽ là những ưu tiên trong đời sống. Các doanh nghiệp nên tận dụng xu hướng này bằng cách khuyến khích người tiêu dùng duy trì những thói quen tốt, ý thức chăm sóc sức khỏe, thuyết phục người tiêu dùng bằng những lợi ích lâu dài, chiến lược thị trường phù hợp./.


Minh Hạnh/VOV-TPHCM

https://vov.vn/kinh-te/xu-huong-tieu-dung-thay-doi-do-dich-covid19-1063596.vov

  • Từ khóa