Covid-19 không thể làm gián đoạn hợp tác quốc phòng Việt-Nga

Chủ nhật, 05.07.2020 | 08:31:14
539 lượt xem

Covid-19 không thể làm gián đoạn hợp tác quốc phòng Việt Nam- Liên Bang Nga, đặc biệt là các nội dung hợp tác về khoa học-kĩ thuật.

Đây là nhận định được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đưa ra khi trả lời phỏng vấn với các phóng viên liên quan đến tình hình hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga trước thềm Hội nghị Sơ kết 5 năm hoạt động của Phân ban Việt Nam trong Uỷ ban phối hợp liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga dự kiến diễn ra ngày 7/7 tới. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban này. 

covid-19 khong the lam gian doan hop tac quoc phong viet-nga hinh 1
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Phóng viên: Hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga trong khuôn khổ Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam-Liên bang Nga đóng vai trò như thế nào trong hợp tác quốc phòng giữa hai bên?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Nói đến hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga về quốc phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học-kĩ thuật thì phải nói đến Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ hợp tác với Nga về khoa học-kĩ thuật liên quan đến quốc phòng, quân sự cũng như các vấn đề về kinh tế xã hội, khoa học-công nghệ.

Các hoạt động hỗn hợp Việt-Nga trong Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga được đặt dưới sự lãnh đạo của ủy ban phối hợp của hai Chính phủ. Ở Nga là do một Thứ trưởng Bộ Khoa học và Đại học Liên bang Nga làm Chủ tịch và ở Việt Nam do một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Chủ tịch.

Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga có một lịch sử rất đặc biệt. Vào năm 1988, Việt Nam và Liên Xô hình thành Trung tâm Nhiệt đới Việt-Xô để nghiên cứu các vấn đề về nhiệt đới, bao gồm sinh thái nhiệt đới, độ bền nhiệt đới, y sinh nhiệt đới. Đây là những vấn đề rất mới về khoa học-công nghệ, phục vụ cho việc đảm bảo các hoạt động khoa học-công nghệ của quân sự quốc phòng, cũng như kinh tế xã hội, đặc biệt là về môi trường.

Sau đó, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, Liên Xô thì không còn nữa và sau đó Nga tiếp quản vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế. Và Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga hiện nay là cơ chế hỗn hợp duy nhất giữa Việt Nam và Liên Xô (cũ) còn được duy trì đến ngày hôm nay.

Có thể nói rằng, với tư cách là một đơn vị của Bộ Quốc phòng thì Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao, phục vụ cho hoạt động quân sự của quốc phòng và cả nhiệm vụ do ủy ban phối hợp Việt-Nga giao, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Nga.

covid-19 khong the lam gian doan hop tac quoc phong viet-nga hinh 2
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Aleksey Mikhailovich Medvedev, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga ký biên bản phiên họp lần thứ 30 Ủy ban Phối hợp liên Chính phủ về Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga năm 2019. Ảnh: Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga

Phóng viên: Ngay từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động đến toàn thế giới. Trước tình hình dịch bệnh như vậy thì Việt Nam và Nga đã xác định nội dung hợp tác như thế nào để có thể thích ứng với tình hình này?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Kế hoạch đã định giữa Bộ Quốc phòng 2 nước trong năm 2020 có rất nhiều nội dung, trong đó có khoảng 70 sự kiện hợp tác giữa Việt Nam và Nga về mặt quân sự, quốc phòng. Covid-19 đã cản trở việc thực thi một số nội dung mà hai bên đã đề ra.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng hai nước đã thống nhất, những hoạt động chính và hoạt động mang tính chất chung như các hoạt động giao lưu cấp cao hoặc cấp đặc biệt sẽ được tổ chức trực tuyến.

Liên quan đến việc đối phó với dịch Covid-19 thì Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nga đã có những trao đổi về mặt khoa học-kĩ thuật, về mặt y tế, về mặt quân y để đóng góp cho việc của hai Chính phủ ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19. Trong đó, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng bởi Trung tâm này chuyên nghiên cứu về y sinh nhiệt đới và sinh thái nhiệt đới - những vấn đề trực tiếp liên quan đến bệnh dịch Covid-19.

Đầu năm 2020, Chính phủ Nga đã tặng cho trung tâm một phòng thí nghiệm trong xe lưu động và phòng thí nghiệm này có khả năng kiểm soát và phát hiện, xác định được hầu hết các loại dịch bệnh đang tồn tại hiện nay. Trong dịch Covid-19, đây chính là phương tiện cơ động duy nhất của Việt Nam có khả năng xét nghiệm Covid-19.

Trang bị này đã được Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga tiếp nhận và triển khai tới các các địa bàn vùng sâu vùng xa, biên giới, nơi các cơ sở y tế chưa có được trang thiết bị phục vụ xét nghiệm Covid-19. Nhờ trang bị này mà hàng nghìn trường hợp đã được kiểm tra xét nghiệm kịp thời. Bộ Y tế và các cơ quan nhà nước cũng đã xác định các thiết bị xét nghiệm của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga có độ chính xác cao nhất ở Việt Nam.

Điều này cho thấy, dịch Covid-19 không thể làm gián đoạn hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Việt Nam và Nga vẫn tiếp tục các nội dung hợp tác về khoa học-kĩ thuật tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Điều này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Phóng viên: Hiện nay, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đang nghiên cứu theo hướng chia sẻ đối với sinh thái nhiệt đới, y sinh nhiệt đới. Vậy hướng nghiên cứu này trong tương lai sẽ được phát triển như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Hoạt động của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga chủ yếu hướng tới nghiên cứu khoa học cơ bản làm nền tảng phục vụ các hoạt động quân sự quốc phòng và kinh tế-xã hội.

Ví dụ như, nghiên cứu về độ bền nhiệt đới là một trong những nghiên cứu hết sức quan trọng bởi độ bền của các trang thiết bị quân sự tại những nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam thường bị giảm xuống rất nhanh. Điều này cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho việc đảm bảo duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu của các trang thiết bị vũ khí quân sự.

Đó chưa kể ở những địa bàn như ở núi cao, như ở hải đảo, ở vùng biển thì độ mặn của không khí nó rất là mặn, Trung tâm phải tiến hành những nghiên cứu khoa học đảm bảo là các trang thiết bị, vũ khí không bị hỏng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt đó.

Trong khi đó, liên quan đến sinh thái nhiệt đới thì các vấn đề môi trường luôn được đặc biệt quan tâm nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển đang gây tác hại nghiêm trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn trên toàn khu vực. Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đang khẩn trương bắt tay thực hiện các nghiên cứu về vấn đề này. Chúng ta cần phải có sự hợp tác quốc tế rộng rãi hơn để mà đảm bảo môi trường ở Biển Đông – một vùng biển rộng lớn, giàu tài nguyên khoáng sản, đa dạng các loài sinh vật biển.

Liên quan đến vấn đề y sinh nhiệt đới, có thể thấy, dịch Covivd-19 đã khiến chúng ta nhận ra rằng, chúng ta không thể chủ quan, không thể không có chuẩn bị trước mà có thể ứng phó tốt được với dịch bệnh. Nếu chúng ta không chủ động nắm bắt, làm chủ các phương tiện mà Chính phủ Nga hỗ trợ cho chúng ta trong đợt dịch Covid-19 thì chúng ta sẽ khó có thể đạt được kết quả tích cực.

Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những thành tựu mà Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga và Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Liên bang Nga đã đạt được nhằm đóng góp cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực rộng lớn và sâu sắc. Hợp tác quốc phòng giữa hai bên cũng diễn ra ở nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực khác nhau như hợp tác về chính sách, hợp tác về kĩ thuật quân sự, hợp tác về huấn luyện đào tạo.

Trong đó hợp tác khoa học-công nghệ là điểm đặc thù của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Việc duy trì và phát triển hợp tác của Trung tâm giúp tăng cường độ tin cậy của hai bên. Đó cũng là kênh để hai bên trao đổi thông tin khoa học-công nghệ, giúp đào tạo cán bộ cho các sĩ quan của Việt Nam. Đồng thời, Trung tâm cũng đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện các nhiệm vụ quân sự quốc phòng cũng như các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Một vấn đề khác là lượng dioxin rất lớn mà Hoa Kỳ đã trút xuống Việt Nam trong chiến tranh đã để lại những di chứng và hậu quả nặng nề cho Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia cũng như bản thân Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai rất nhiều nguồn lực để tẩy sạch dioxin ở Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã nỗ lực để sữa chữa những sai lầm mà họ gây ra.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai sẽ là người thẩm định kết quả làm sạch dioxin, ai sẽ là người đảm bảo rằng, quá trình xử lý dioxin, chất độc này không lan toả ra môi trường gây hại cho con người và ai dám khẳng định một cách đầy đủ cơ sở khoa học rằng khu vực được tẩy độc đã hoàn toàn sạch dioxin?

Đây chính là một trong những nhiệm vụ của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga hiện nay và Trung tâm đang làm rất tốt vai trò thẩm định này. Kết quả thẩm định của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các phòng thí nghiệm chuẩn của thế giới về việc xác định mức độ ô nhiễm dioxin.

Qua ví dụ này, tôi muốn nói rằng, hợp tác khoa học-kĩ thuật trong vấn đề môi trường hiện nay là một nhiệm vụ rất nặng nề, cấp bách. Quân đội sẽ không đứng ngoài cuộc. Đóng góp của quân đội dù chỉ là một phần nhỏ nhưng rất hiệu quả, thiết thực để đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp cho đất nước hôm nay.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.


Trần Khánh/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/covid19-khong-the-lam-gian-doan-hop-tac-quoc-phong-vietnga-1066800.vov

  • Từ khóa