Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến một đô thị thông minh

Thứ 2, 27.07.2020 | 08:52:22
616 lượt xem

TP Vũng Tàu sẽ là địa phương đầu tiên áp dụng thí điểm xây dựng cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu để xây dựng đô thị thông minh.

Thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam của Chính phủ giai đoạn 2018 - 2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành Nghị quyết thông qua "Đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2022, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc thông minh hóa các ứng dụng trong quản lý điều hành và các ứng dụng thông minh phục vụ cho doanh nghiệp, người dân và du khách.

Đột phá để xây dựng đô thị thông minh

Theo Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trở thành đô thị thông minh thông qua việc ứng dụng các thành tựu Công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông vào tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội và dựa trên 6 đặc trưng cơ bản: Nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, môi trường thông minh, công dân thông minh, cuộc sống thông minh. Tất cả sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

ba ria – vung tau huong den mot do thi thong minh hinh 1
 TP Vũng Tàu đang xây dựng các tuyến phố văn minh để hướng đến một Đô thị thông minh.

TP Vũng Tàu sẽ là địa phương đầu tiên áp dụng thí điểm xây dựng cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu để xây dựng đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng phòng quản lý đô thị TP Vũng Tàu cho biết, trong giai đoạn 2020-2022, thành phố sẽ triển khai phần mềm quản lý đất đai, đô thị, môi trường, giao thông, du lịch… vào áp dụng, người dân, du khách sẽ được tiếp cận các thông tin trên được dễ dàng, thuận tiện hơn.

"Ít nhất là phải số hóa về dữ liệu đất đai, nhà ở. Đưa các tiện ích vào ứng dụng như: Du lịch thông minh - du khách đến Vũng Tàu muốn được tìm hiểu về danh lam, thắng cảnh, nhà hàng thì công cụ tiện ích cung cấp cho khách. Cơ quan nhà nước thông qua đó cũng kiểm soát được lượng khách lưu trú ở các hệ thống khách sạn" - ông Thụy cho biết.

Theo ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, để thực hiện được mục tiêu này, sẽ có những bước đi đột phá trong việc triển khai các ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành… Từ mô hình ứng dụng quản lý đô thị thông minh của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, TP Vũng Tàu sẽ chi hơn 70 tỷ đồng để triển khai một số ứng dụng được đưa vào thử nghiệm trong 3 tháng tới.

Giai đoạn 2023-2025 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ xây dựng và triển khai các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Giai đoạn sau 2025 tiếp tục thực hiện hoàn thiện hệ thống, mở rộng ứng dụng trên phạm vi toàn tỉnh, các lĩnh vực còn lại.

Làm sao để thành hiện thực?

Nhiều chuyên gia quản lý công nghệ thông tin cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn nhiều việc phải làm. Trước mắt,với những lợi thế sẵn có về hạ tầng, tỉnh có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông-ICT và các phương tiện khác để thúc đẩy sức cạnh tranh; đổi mới, tinh gọn quản lý của chính quyền đô thị.

ba ria – vung tau huong den mot do thi thong minh hinh 2
Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý tài nguyên, đất đai bằng phần mềm ứng dụng.

Ông Đỗ Ngọc Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn nghiệp vụ và đánh giá hiệu quả đầu tư công nghệ thông tin, Bộ Thông tin – Truyền thông cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu cần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu mọi thành phần trong xã hội đều có thể được thụ hưởng lợi ích, từ đó tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh:

Theo ông Vĩnh: "Để thành công được thì cần có 2 yếu tố đó là thu hút đóng góp của ngươi dân khi tham gia xây dựng đô thị thông minh. Ví dụ ở Vũng Tàu đang có lợi thế về cái gì thì mình triển khai ứng dụng thông minh về cái đó trước, và nhận đánh giá phản hồi của người dân để giúp chúng ta hoàn thiện cả đề án và trong từng dự án và nhiệm vụ  xây dựng đô thị thông minh".

Còn theo ông Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam, trở thành đô thị thông minh là cả quá trình phát triển dài hạn, không thể làm một sớm một chiều, mà phải vận hành, duy trì sự gắn kết để tạo thành hệ sinh thái cho các dịch vụ khác cùng tham gia. Để thực hiện được điều này, có thể vận động nguồn vốn từ xã hội để cung cấp thêm các tiện ích cho người dân.

"Có thể sử dụng ngân sách nhà nước hoặc từ doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể dùng vốn của họ để cung cấp các dịch vụ điện, nước, y tế, rác thải, môi trường giáo dục… Các doanh nghiệp tư nhân kể cả doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn có thể làm được, để người dân hưởng được dịch vụ tiện ích" - ông Thắng chia sẻ.

Trên cơ sở những kinh nghiệm đã có, nền tảng công nghệ đang dần định hình, cùng với yếu tố con người và nguồn lực tài chính được đầu tư đúng mục đích, Bà Rịa – Vũng Tàu hoàn toàn có đủ cơ sở để xây dựng đô thị thông minh với mục tiêu mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân và du khách./.


Lưu Sơn/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/ba-ria-vung-tau-huong-den-mot-do-thi-thong-minh-1074947.vov

  • Từ khóa