Khách Tây xem rùa đẻ trứng ở Côn Đảo

Thứ 4, 29.07.2020 | 08:33:41
820 lượt xem

Du khách đến hòn Bảy Cạnh sẽ được trải nghiệm trọn vẹn quá trình chờ rùa đẻ, ấp trứng nở và thả rùa con về biển.

Côn Đảo ngày nay được biết tới là nơi bảo tồn nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam và cũng là điểm du lịch đặc biệt của Đông Nam Á.

Kể từ khi Vườn quốc gia Côn Đảo thành lập trạm bảo tồn rùa biển đầu tiên đến nay đã 30 năm, các nhân viên ghi nhận tới 9.400 rùa mẹ tới và đào hơn 27.000 tổ cùng hơn 1,9 triệu trứng rùa nở được thả về biển. Tuy nhiên, ước tính chỉ 1 trong 1.000 rùa con khi về biển có thể tránh được các loài động vật ăn thịt, mắc lưới đánh cá... để có thể trưởng thành.

Hòn Bảy Cạnh là đảo lớn thứ 2 trong số 16 đảo của Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là một trong những nơi có nhiều rùa biển về đẻ trứng nhất ở Việt Nam nên hàng năm thường có các tour du lịch đưa du khách tận mắt xem rùa đẻ trứng trong đêm. Dưới đây là bài viết của Patrick Scott, nhà báo du lịch người Mỹ hiện sống tại TP HCM, kể về trải nghiệm mới nhất của ông ở hòn Bảy Cạnh.

Hướng dẫn viên Hương Phạm (ngoài cùng bên phải) đang giải thích về tour xem rùa đẻ trứng. Ảnh: Patrick Scott.

Hướng dẫn viên Hương Phạm (ngoài cùng bên phải) đang giải thích về tour xem rùa đẻ trứng. Ảnh: Patrick Scott.

Tour xem rùa biển hiện mới chỉ là một sản phẩm nhỏ của ngành du lịch và chưa đón được nhiều khách do Vườn quốc gia Côn Đảo hạn chế số lượng khách đến vào ban đêm. Năm nay, các hướng dẫn viên và nhân viên vườn quốc gia đều mong đợi số rùa biển vào Côn Đảo tăng hơn (bởi tháng 4, thời điểm mùa rùa đẻ trứng bắt đầu lại trùng lúc Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc). Trong suốt tháng 4, các nhân viên đếm được gấp đôi số tổ rùa so với năm ngoái.

Tuy nhiên, Mark Hamann, chuyên gia về rùa biển ở Đại học James Cook (Australia) cho hay, thay đổi trong hoạt động sống của rùa biển có thể liên quan tới các biến đổi tự nhiên như cách nuôi và cách sinh sản. Sự tăng giảm của rùa vào bờ đẻ trứng gần như không liên quan tới du lịch.

Lều võng cho khách nghỉ qua đêm chờ rùa đẻ ở một trạm quan sát trên hòn Bảy Cạnh. Ảnh: Patrick Scott.

Lều võng cho khách nghỉ qua đêm chờ rùa đẻ ở một trạm quan sát trên hòn Bảy Cạnh. Ảnh: Patrick Scott.

Tour xem rùa đẻ trứng ban đêm bắt đầu từ 15h, khi chúng tôi lên tàu cao tốc rời cảng ở đảo Côn Sơn để ra biển. Sau 20 phút dập dềnh trên sóng biển, chúng tôi được lặn ống thở ở gần bờ hòn Bảy Cạnh. Dưới làn nước trong xanh là những lớp san hô sống động hiện ra, san hô ở đây có màu từ nâu nhạt, xanh lá, tím hoa cà, xanh lam neon cho tới trắng.

Sau khi lặn ngắm san hô, chúng tôi đi xe máy len lỏi trên con đường đá lởm chởm nằm giữa rừng rậm, rồi băng qua rừng ngập mặn để tới trạm bảo tồn. Trạm chỉ là khu nhà đơn sơ móc hàng chục chiếc võng, hai nhà vệ sinh, một chỗ nạp điện từ lượng mặt trời.

Một nhân viên cho biết, theo quy định chỉ 24 khách nghỉ lại qua đêm để bảo đảm môi trường cho rùa biển sinh sản ở mỗi trạm. Chỉ cách bãi biển vài bước chân, một mảnh đất nhỏ cỡ sân bóng chuyền được quây lại, bên trong là hàng dài những lỗ trống cắm que gỗ. Mỗi đêm và sáng, các nhân viên đi thu nhặt trứng rùa mới đẻ để đem vào ấp và bảo vệ trong hai tháng. Ngày 27/6 là ngày lỗ cuối cùng trong mảnh đất nhỏ này chứa đầy trứng rùa.

Sau khi tiến ra biển, những con rùa mới nở sẽ dấn thân vào một hành trình cần nhiều may mắn, chúng phải trải qua hàng trăm, hàng nghìn km trên biển. Hướng dẫn viên Hương Phạm giải thích, khi được 30 tuổi, rùa sẽ trở về các bờ biển tìm bạn tình giao phối và đẻ trứng.

Trứng rùa biển mới đẻ. Ảnh: Patrick Scott.

Trứng rùa biển mới đẻ. Ảnh: Patrick Scott.

Sau khi thưởng thức bữa tối là hải sản nướng, và đi bắt cua trong rừng đầy đom đóm, chúng tôi tụ tập ở một chỗ và hướng mắt nhìn ra phía rùa sẽ lên bờ. Trong ánh sáng lờ mờ của đêm trăng khuyết, từ trạm bảo tồn ở hòn Bảy Cạnh, chúng tôi nhìn xuống rìa bãi biển bao quanh là rừng. Sóng biển đang vỗ vào bờ cát, mây bay trên bầu trời đầy sao còn đường chân trời nhấp nháy ánh đèn các thuyền đánh cá.

Nhóm chúng tôi có 40 người, gồm 3 nhóm khách đi tour và 8 tình nguyện viên. Hương Phạm vừa nói vừa chỉ vào một thứ trông giống tảng đá nằm gần rìa nước biển: "Các bạn thấy điểm đen đó không, đó chính là một con rùa biển đang vào bờ đào tổ".

Tới 21h30, chúng tôi nấp phía sau đám cây cối và thấy một con rùa biển xanh bò lên trên chiếc tổ mới đào. Một nhân viên tới cắm đèn trên cát, chiếu sáng phần đuôi rùa, để thấy những quả trứng mới đẻ to bằng quả bóng bàn lăn ra. Mỗi lúc đẻ xong rùa mẹ lấy chân sau lấp cát lên tổ trứng.

Nhân viên sẽ khơi tổ để lấy trứng khi rùa mẹ tiến về phía trước một bước. Con rùa đẻ cứ 2 - 3 quả mỗi lần rồi bước tiếp ra phía biển. Sau cùng nó đẻ được 54 quả trong tổ và hàng chục trứng khác rải rác trên đường ra biển. Theo Hương Phạm, suốt 9 năm làm tour đi Côn Đảo, chị chưa từng nhìn thấy con rùa nào phản ứng kỳ lạ như vậy. Chiara Gaspari, một du khách trong nhóm chúng tôi chia sẻ: "Tôi cảm thấy tội lỗi vì con rùa có vẻ hoảng sợ, có thể nó bỏ đi vì chúng tôi ở đó".

Tôi mô tả trải nghiệm của mình qua email trao đổi với Hamann và được ông trả lời rằng, rùa biển trong lúc đẻ trứng ngày càng ít bị ảnh hưởng bởi con người. Theo ông, hàng chục chương trình bảo tồn rùa biển trên thế giới cũng đang tổ chức các tour du lịch xem rùa đẻ trứng, cho phép rất nhiều người đứng quanh tổ rùa xem cùng lúc. Hamann đoán có thể nhân viên vườn quốc gia vô tình chạm vào chân hoặc phần đuôi rùa khi nhặt trứng dẫn tới phản ứng lạ đó.

Khách du lịch được hướng dẫn thả rùa con về biển. Ảnh: Patrick Scott.

Khách du lịch được hướng dẫn thả rùa con về biển. Ảnh: Patrick Scott.

Sáng hôm sau, một tiếng sau khi bình minh lên thì trời mưa nhẹ, các nhân viên Vườn quốc gia mang giỏ ra bờ biển, mỗi giỏ chứa hàng chục rùa con mới nở. Ban ngày thực tế không phải thời điểm tốt để thả rùa về biển, nhưng bù lại các nhân viên thả rùa con gần mép nước để chúng bơi ra biển nhanh hơn.

Các công ty tour cũng tổ chức hoạt động thả rùa biển cho du khách, với chương trình là đưa khách tới hòn Bảy Cạnh vào lúc 7h sáng để xem hoạt động này. Ngày hôm đó, ngay trước khi một đợt khách mới tới, chúng tôi được tự tay thả những con rùa non về biển.


Khánh Trần/vnexpress.net

https://vnexpress.net/khach-tay-xem-rua-de-trung-o-con-dao-4136726.html

  • Từ khóa