Việt Nam tham gia tích cực vào Hợp tác Me Kong – Lan Thương ngay từ ngày đầu thành lập với những đóng góp tích cực về nội dung và lĩnh vực hợp tác.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, sáng 24/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Me Kong – Lan Thương lần thứ 3 theo hình thức trực tuyến. Tham gia Hội nghị còn có Lãnh đạo Cấp cao Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Hợp tác Me Kong - Lan Thương (MLC) với sự tham gia của sáu nước ven sông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc là ý tưởng được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc tháng 11/2014, Thủ tướng Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Thái Lan và sẵn sàng xem xét việc thành lập cơ chế Đối thoại và Hợp tác Lan Thương – Me Kong.
Mục tiêu bao trùm của Hợp tác Me Kong-Lan Thương là thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng. Me Kong -Lan Thương còn hướng tới mục tiêu khác bao gồm củng cố lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, duy trì hòa bình và ổn định; thu hẹp khoảng cách phát triển…Trong đó, nổi bật là hợp tác về quản lý nguồn nước Me Kong – Lan Thương; Tăng cường kết nối giữa 6 quốc gia.
Tại Hội nghị Cấp cao Me Kong-Lan Thương lần thứ 2 (10/1/2018, tại Campuchia), các nước đã thông qua hai văn kiện là Tuyên bố chung Phnom Penh, và Kế hoạch hành động Hợp tác Me Kong-Lan Thương giai đoạn 2018 - 2022.
Theo đó thống nhất nội dung triển khai trên 3 trụ cột hợp tác gồm: thứ nhất về an ninh - chính trị, duy trì trao đổi cấp cao, tăng cường đối thoại, giao lưu giữa các đảng chính trị và đẩy mạnh hợp tác an ninh phi truyền thống. Thứ hai về kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác kết nối hạ tầng cứng và mềm, năng lực sản xuất, thương mại và đầu tư…Thứ ba về văn hóa - xã hội và giao lưu nhân dân, chú trọng giao lưu văn hóa, nghệ thuật, xúc tiến du lịch, tăng cường hợp tác về giáo dục, y tế, đẩy mạnh truyền thông về MLC. Các nước cũng nhất trí từng bước mở rộng quy mô của các dự án, đặc biệt là hình thành và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở khu vực.
Việt Nam đã tham gia tích cực vào Hợp tác Me Kong – Lan Thương ngay từ ngày đầu thành lập với những đóng góp tích cực về nội dung và lĩnh vực hợp tác. Việt Nam cũng đã chủ động tham gia xây dựng các văn kiện quan trọng, mang tính định hướng hợp tác; và đặc biệt là thúc đẩy hợp tác nguồn nước trở thành một lĩnh vực ưu tiên của hợp tác Me Kong-Lan Thương.
Năm 2020 này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam vẫn tham gia tích cực vào các hoạt động của hợp tác Me Kong - Lan Thương, trong đó Việt Nam đã tổ chức thành công hoạt động kỷ niệm Tuần lễ hợp tác Me Kong – Lan Thương lần thứ 3 năm 2020 tại Hà Nội; Tích cực trao đổi các văn kiện, kế hoạch hành động của các Nhóm công tác Me Kong - Lan Thương về kết nối, hợp tác kinh tế qua biên giới, hợp tác năng lực sản xuất, nguồn nước; tham gia họp Nhóm công tác Ngoại giao, tham gia các hoạt động, khóa đào tạo trong khuôn khổ hợp tác Me Kong - Lan Thương./.
Vũ Dũng/VOV.VN