Tại các bệnh viện ở TPHCM, nhất là những khoa “trọng yếu”, có các bệnh nhân mắc bệnh nền, công tác chống lây nhiễm Covid-19 được siết chặt.
Nhận diện nguy cơ
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đến nay, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã phân luồng 3 cổng riêng biệt cho nhân viên y tế, bệnh nhân nội trú và ngoại trú, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế, hướng dẫn của Sở Y tế về phòng chống Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh. Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, bệnh viện cũng mới thành lập 2 đơn vị là khoa cách ly tập trung và khoa điều trị bệnh nhân nặng. Đối với những bệnh nhân ưng thư kèm các bệnh lý khác như tiểu đường, phổi, suy giảm miễn dịch, suy thận… đều được chuyển đến điều trị riêng, được ngăn cách qua ba lớp cửa, có bảo vệ túc trực 24/24h. Các bệnh nhân này cũng được cung ứng các dịch vụ ăn uống, phát thuốc, lấy máu, siêu âm… tại phòng bệnh để không tiếp xúc với những người bên ngoài.
Hỗ trợ khai báo y tế cho bệnh nhân và thân nhân. |
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn, điều đáng ngại là trong khuôn viên bệnh viện chật hẹp, nhưng mỗi ngày có đến từ 9.000-10.000 người bệnh, thân nhân đến khám ngoại trú và điều trị nội trú, chưa kể hơn 2.000 nhân viên y tế. Lượng bệnh nhân nằm viện đông cũng rất khó thực hiện giãn cách nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn.
"Xác định bệnh nhân ung thư là những bệnh nhân có nhiều nguy cơ có hệ miễn dịch yếu do tác động của bệnh cũng như là tác động của điều trị thành ra có nhiều nguy cơ nặng hơn khi làm họ chẳng may nhiễm nCoV. Chúng tôi cố gắng hết sức phòng ngừa, không cho thăm bệnh. Còn nuôi bệnh thì chỉ 1 người nhà ở lại chăm, những tình huống cần thiết thì mới là người thân nhân thường trực trên khoa, còn nếu không thì chỉ chăm theo giờ"- bác sĩ Tuấn cho biết.
Phòng khám sàng lọc đặt cạnh khoa cấp cứu của BV Nhân dân Gia Định. |
Theo PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 trở nên nặng hơn và tử vong đa phần rơi vào trường hợp người lớn tuổi. Sự lão hóa của cơ thể khiến sức đề kháng của người già bị suy giảm, hệ miễn dịch yếu hơn. Ngoài ra, đa số người cao tuổi cũng thường mang theo nhiều yếu tố bệnh nền trong cơ thể, mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Đây cũng là một trong các nguyên nhân người già nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc dịch bệnh. Đặc biệt, khi đã bị nhiễm virus, tốc độ suy đa phủ tạng càng nhanh và càng dễ tử vong, tử vong sớm hơn so với các đối tượng khác. Vì thế, đây là đối tượng cần bảo vệ nghiêm ngặt khỏi nguy cơ mắc Covid-19. Tại Bệnh viện Thống Nhất, mỗi khoa của bệnh viện đều triển khai công tác phòng dịch theo tình hình riêng, như giảm số bệnh nhân trong cùng một phòng bệnh, giảm số lần tái khám và đẩy mạnh khám chữa bệnh tại nhà cho người bệnh lớn tuổi.
Bảo vệ chặt những điểm trọng yếu
Khoa Huyết học của Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi năm điều trị cho khoảng 7.000 lượt bệnh nhân, trong đó 4.000 lượt nhân nội trú và 3.000 lượt ngoại trú. Trong số này có 70% bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu ác tính, 30% còn lại là các bệnh lý lành tính. ThS.BS Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Trưởng Khoa Huyết học cho biết, bản thân bệnh máu ác tính khiến bệnh nhân suy giảm miễn dịch, lấn át tất cả tế bào miễn dịch bình thường. Các bệnh nhân bị bệnh máu có sử dụng những thuốc ức chế miễn dịch nên hệ miễn dịch suy giảm nhiều, nếu mắc Covid-19 thì diễn tiến rất nặng và có tiên lượng tử vong. Vì vậy, ngay khu vực chờ thang máy vào khoa này buộc phải dựng lên 2 hàng rào chắn bằng sắt để ngăn chặn người không có liên quan xâm nhập vào khu vực điều trị.
"Những bệnh nhân mà nghi ngờ thì đã có phòng cách ly theo dõi, đảm bảo đúng tiêu chuẩn ví dụ khoảng cách 2m, nhân viên thăm khám, bác sĩ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân là phải có đồ bảo hộ"- BS Hoàng Thị Thúy Hà cho biết.
Phòng khám có hệ thống hút lọc tuần hoàn không khí và tấm chắn ngăn cách giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. |
Bác sĩ Chuyên khoa II Hồ Văn Hân - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, Khoa Lọc máu của bệnh viện mỗi ngày thực hiện 5 ca và mỗi ca khoảng 20 bệnh nhân. Do đặc thù bệnh nhân lọc máu phải ra vào bệnh viện thường xuyên nên nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, Khoa đã có phòng cách ly riêng, bệnh nhên nếu có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ sẽ được lấy mẫu phết họng xét nghiệm truy tìm SARS-CoV-2. Các y bác sĩ cũng đẩy mạnh truyền thông đến các bệnh nhân có bệnh nền, người bệnh ở Khoa Lão là: hạn chế tiếp xúc, theo dõi sức khỏe, phản hồi ngay với bác sĩ khi ở nhà có các triệu chứng nghi ngờ.
Đặc biệt, bệnh viện cũng thành lập phòng khám sàng lọc đặt tại Khoa Cấp cứu và Khoa Khám bệnh, hoạt động 24/24h. Các bác sĩ đã sáng chế ra hệ thống hút lọc khí tuần hoàn lưu động trong các phòng khám này nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.
"Nguyên tắc hoạt động như hệ thống là giống như hệ thống áp lực âm, những không khí do bệnh nhân hít thở và các giọt bắn sẽ được hệ thống này hút và lọc, xử lý qua màng lọc Heba, có tia cực tím sẽ xử lý trước khi đẩy không khí ra ngoài, giảm được nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và môi trường xung quanh"- BS Hồ Văn Hân cho biết.
Nhiều ngày qua, TPHCM không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, các bệnh viện đều xác định: Tại những khoa điều trị các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, có nhiều bệnh nhân đã phụ thuộc máy móc, sự sống rất mong manh, phải đề cao cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Công tác tăng cường các biện pháp phòng chống sẽ giúp mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19./.
Kim Dung/VOV.VN