UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến của nhân dân để xây dựng Quy chế quản lý phố đi bộ Hoàn Kiếm. Bên cạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị thì giao thông là một yếu tố cần phải được đảm bảo.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia nghiên cứu về giao thông chia sẻ: “Việc quy hoạch mở rộng phố đi bộ là điều cần thiết, đó là điểm vui chơi cuối tuần cho mọi người, mọi gia đình, cũng là điểm giao lưu những nét đẹp văn hóa. Hiện tại, phố đi bộ Hoàn Kiếm Hà Nội đã thực hiện tốt điều này. Tuy nhiên cũng không vì thế mà chúng ta mở quá nhiều phố đi bộ. Các tuyến phố đi bộ được mở ra phải gắn liền với quy hoạch và đặc biệt cần chú ý tới vấn đề giao thông bởi giao thông đang trở thành vấn đề gay cấn từ trước đến nay”.
Trong phố đi bộ luôn có mặt lực lượng công an trật tự túc trực ở các chốt điểm quan trọng.
Theo đó, TS. Nguyễn Xuân Thủy đã đưa ra một số lưu ý trong việc xây dựng tuyến phố đi bộ hiệu quả, an toàn, đảm bảo trật tự giao thông. Thứ nhất, xây dựng tuyến phố đi bộ ở những địa điểm hợp lý, tránh cản trở giao thông. Các tuyến giao thông phụ cận đảm bảo thông thoáng, khoảng 2-3 làn xe trở lên.
Thứ hai, phát triển các tuyến giao thông công cộng dẫn đến phố đi bộ, để hạn chế phương tiện cá nhân. Thứ ba, sắp xếp bãi đỗ xe khoa học và tiện lợi. Các điểm gửi xe phải do Nhà nước quản lý chứ không để tư nhân kinh doanh tràn lan như hiện nay. Thứ 4, tổ chức hướng dẫn phân luồng xe để người dân thực hiện theo đúng làn đường quy định. Thứ 5, đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ cần thiết ở trong phố đi bộ nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và mua sắm cho người dân.
Qua gần 4 năm thực hiện đề án phố đi bộ, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến phố đi bộ Hoàn Kiếm luôn được triển khai nghiêm túc, đảm bảo an toàn trên địa bàn. Trung tá Nguyễn Thành Công, Đội trưởng Đội GTTT, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, UBND quận, lực lượng công an quận chịu trách nhiệm triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự của phố đi bộ: Đó là triển khai 24 chốt cấm đường vào tuyến phố đi bộ; hai là triển khai 8 đội công tác tuần tra trong và ngoài phố đi bộ để giải quyết các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cũng như vấn đề đảm bảo an ninh trật tự trong tuyến phố đi bộ cho các sự kiện diễn ra xung quanh khu phố đi bộ đó.
Từ 19h ngày thứ 6 đến 24h ngày chủ nhật, mỗi ngày chia làm 3 ca 6 kíp, mỗi 1 chốt có 1-2 đồng chí, trong 24 chốt này có 14 chốt cứng. Với việc ùn tắc giao thông, công an quận cũng đã kiến nghị với cả UBND quận cũng như với sở, ngành giao thông tổ chức phân luồng. Đến thời điểm hiện tại, vấn đề ùn tắc giao thông trong những ngày cao điểm cũng như trong khi tổ chức tuyến phố đi bộ thì gần như đã được giải quyết. Những điểm dễ ùn tắc như khu vực tuyến phố Hai Bà Trưng là tuyến phố phụ cận, tuyến phố Ngô Quyền cơ bản đến giờ phút này cũng đã được duy trì. Sở GTVT cũng đã kiến nghị với UBND quận là hạn chế các phương tiện như là taxi không vào những chốt giáp ranh, UBND cũng quy hoạch lại những điểm du khách đến”.
Một trong các chốt cấm phương tiện cá nhân vào bờ hồ
Với người dân sống ở Hà Nội, khi Quy chế ra đời sẽ đem đến sự thoải mái và an tâm hơn khi TP. Hà Nội thể hiện quyết tâm xây dựng một không gian phố đi bộ văn minh, trật tự, đảm bảo quyền được vui chơi, giải trí của mỗi người.
Ông Nguyễn Tấn Vinh – nhiếp ảnh Bờ Hồ cho biết: “Tôi ủng hộ UBND TP. Hà Nội trong việc xây dựng Quy chế quản lý hoạt động riêng trong khu phố đi bộ Hoàn Kiếm. Cũng từ ngày phố đi bộ được triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông ở đây được quan tâm đảm bảo, tuy nhiên cũng có những điểm cần phải thực hiện triệt để như những người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch mua hàng và các điểm trông giữ xe tư nhân thu vé gửi xe với giá cao…”
Chị Lương Trâm (Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mỗi cuối tuần tôi và nhóm bạn lại rủ nhau lên phố đi bộ đi dạo. Trước tình trạng ăn nói, đánh nhau trên phố, bán hàng lấn chiếm vỉa hè và các điểm thu vé gửi xe quá cao so với quy định, tôi cảm thấy UBND TP. Hà Nội đang có bước đi đúng đắn trong việc hoàn thiện Quy chế quản lý hoạt động của phố đi bộ và phụ cận. Tôi nghĩ rằng không chỉ bản thân mình và người dân sống ở đây cũng mong chờ những quyết sách đúng đắn của Hà Nội để tạo ra một không gian vui chơi đúng nghĩa và thực sự an toàn.
Chị Nguyễn Thị Giang (Sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền) nói: “Phố đi bộ là nơi thân thiết với tôi và anh chị em tình nguyện trong Đội. Cũng chính dịp cuối tuần mọi người đổ về Bờ hồ rất đông, ngay cả trong phố, người đi bộ cũng đã chen chút nhau để tham gia các hoạt động đường phố. Chính vì đông như thế sẽ rất dễ xảy ra tình trạng móc túi, trộm ví tiền nếu người dân chủ quan. Bởi quá đông nên rất khó kiểm soát được tình hình này. Vì thế tôi mong Quy chế ra đời, công tác đảm bảo trật tự khu vực ngoài và trong tuyến phố đi bộ luôn được đảm bảo để mọi người cảm thấy an tâm hơn khi tìm được nơi đi dạo lý tưởng cuối tuần”./.
Nguyễn Hà/VOV.VN