Không học tiền tiểu học, học sinh “chật vật” với chương trình lớp 1 mới

Thứ 4, 07.10.2020 | 14:32:26
515 lượt xem

Bộ GD-ĐT đã cấm dạy trước chương trình lớp 1. Nhưng các phụ huynh cho con đi học tiền tiểu học đều thấy con “đỡ vất” hơn khi học chương trình mới và SGK lớp 1 mới.

Chương trình phổ thông 2018, với sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới đã được đưa vào dạy và học từ năm học 2020-2021. Sau 1 tháng trải nghiệm, SGK lớp 1 nhận được nhiều phản hồi từ giáo viên và các bậc phụ huynh là chương trình nặng, khó để trẻ “đang học vỡ lòng” theo kịp, nhất là môn Tiếng Việt.

Nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng môn Tiếng Việt trong chương trình phổ thông mới rất nặng với trẻ vỡ lòng. 

Nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng môn Tiếng Việt trong chương trình phổ thông mới rất nặng với trẻ vỡ lòng. 

Một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm của con đã lưu ý hai môn Tiếng Việt và Tập viết của năm nay rất nặng. Theo tìm hiểu vị phụ huynh này, trường của con chị sử dụng cuốn Cùng học Phát triển Năng lực trong chương trình phổ thông mới và một tháng học cùng con chị cùng nhiều bậc phụ huynh khác cùng chung nhận định rằng “học như vậy là quá nặng” với trẻ vỡ lòng.

“Bài học tuần 4 của môn Tiếng Việt năm nay bằng bài học tuần thứ 25 của chương trình cũ. Còn môn Tập viết, những năm trước, các con có 1 tuần để tập viết các nét trước khi viết chữ, thì năm nay các con chỉ có 1 buổi (6 hay 7 nét). Nếu các con không học chữ trước, thì không thể nhớ hết các nét để viết chữ”, vị phụ huynh này chia sẻ sau khi tìm hiểu chương trình học của con.

Cũng theo vị phụ huynh này, nhờ đi học trước khi vào lớp 1 nên khi chính thức vào năm học cậu con trai của chị “đỡ vất” hơn so với những bạn không đi học. Tuy nhiên, con vẫn không khỏi “đánh vật” vì viết chữ khó nên viết chậm, trong khi bài tập lại nhiều.

Cùng chung những băn khoăn và lo lắng này khi con vào lớp 1, chị Nguyễn Hân (Hà Đông) đã dành thời gian học lại cùng con theo chương trình và SGK mới. Theo chị Hân, SGK lớp 1 năm nay, đặc biệt là môn Tiếng Việt tương đối nặng đối với học sinh, nhất là với những bạn không học trước. Học sinh không được làm quen với các nét, các chữ cái cơ bản mà đã học ngay vào ghép vần, thậm chí là tập đọc luôn ngay từ bài đầu tiên. Với những bạn không học tiền tiểu học sẽ rất khó để bắt kịp.

“Như cháu nhà tôi không học tiền tiểu học nên rất vất vả để theo kịp các bạn ở lớp. Các chữ, các số, con chưa kịp nhớ, chưa kịp viết cho đúng chứ đừng nói là đẹp, đã lại học sang bài khác. Cô giáo cũng dặn phụ huynh luyện thêm cho các con. Vì lo con không theo kịp nên ngày nào hai mẹ con cũng phải học cùng nhau hàng tiếng đồng hồ mà có khi còn chưa xong bài, vì con cứ nhớ trước quên sau. Các con đang ở tuổi chỉ biết ăn biết chơi, nay lại phải học hàng tiếng đồng hồ mỗi tối thế này, tôi thấy tội con, nhưng cũng không biết phải làm thế nào”, chị Hân nói.

Nhiều phụ huynh không cho con học tiền tiểu học như chị Hân khá căng thẳng khi kèm con học. Không phụ huynh nào áp dụng được những bài học vỡ lòng ngày xưa của mình để dạy con trẻ ngày nay. Nhìn con mỗi tối khóc lóc, đánh vật với những nét chữ đầu tiên thì phụ huynh nào cũng phải bức xúc. Tuy nhiên, việc cho con đi học trước khi vào lớp một không phải phụ huynh nào cũng đồng tình. Thực tế, từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã nghiêm cấm tổ chức dạy trước chương trình lớp 1.

Nhưng với tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè, các gia đình vẫn cho con đi học tiền tiểu học. “Tôi nghĩ con làm quen trước với con chữ, tập viết, tập tính và làm quen với cách dạy học ở lớp 1 thì cũng không có gì hại cả”, một phụ huynh cho biết.

Câu chuyện giáo dục, chương trình học, phương thức thi… chưa bao giờ hết nóng và hết tranh luận trong xã hội. Chương trình phổ thông mới và SGK lớp 1 mới cho năm học 2020-2021 đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực phân tích thiệt hơn của báo chí và chắc chắn còn là chủ đề nóng tranh luận trên các diễn đàn khi bắt đầu được triển khai thực tế.  

Không như ở mẫu giáo, các bé vào lớp 1 sẽ bắt đầu học thực sự.

Không như ở mẫu giáo, các bé vào lớp 1 sẽ bắt đầu học thực sự.

Sau khi có phản hồi của các giáo viên và phụ huynh về chương trình mới còn gặp khó khăn trong dạy và học, ngày 5/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có công văn gửi Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố, yêu cầu các nhà trường thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành bài học ngay tại lớp, không giao thêm bài về nhà.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở tăng cường việc nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên để trao đổi, cung cấp thông tin và giải đáp kịp thời, đồng thời các tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình để cùng thực hiện hiệu quả.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài, trong chương trình mới, môn Tiếng Việt lớp 1, về mặt kiến thức không cao hơn so với chương trình hiện hành. Song thời lượng được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết, dù lượng kiến thức đã có phần tinh giản hơn so với chương trình trước đây. Nhưng  vậy, số tiết Tiếng Việt trong một tuần của học sinh học theo chương trình phổ thông mới chắc chắn sẽ nhiều hơn so với khi học chương trình trước đây.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, trong quá trình triển khai, Bộ tiếp tục lắng nghe phản biện, những vấn đề phát sinh trong thực tế./.


Thiên Bình/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/khong-hoc-tien-tieu-hoc-hoc-sinh-chat-vat-voi-chuong-trinh-lop-1-moi-784084.vov

  • Từ khóa