Video nhảm, xấu, độc...như một thứ dịch tai hại khó kiểm soát

Thứ 2, 12.10.2020 | 08:50:11
1,584 lượt xem

Những nội dung nhảm, xấu và độc xuất hiện trên mạng xã hội như một loại dịch bệnh, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dễ lây lan, bùng phát.

Những video ăn sâu bọ sống, phá đồ, đốt xe, thử thách làm chó, nhạo báng, vu khống… xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Vì lợi nhuận, vì câu view, những người sản xuất nội dung lây lan cho nhau những nội dung xấu, nhảm và độc không khác gì một thứ dịch bệnh. Nếu không xử lý kịp thời và triệt để, thứ dịch tai hại này có thể cứ thế mà tiếp tục lây lan rồi bùng phát.

Những nội dung xấu, nhảm, độc không khác gì một thứ dịch bệnh.

Những nội dung xấu, nhảm, độc không khác gì một thứ dịch bệnh.

Nếu để thả nổi, chúng ta sẽ có một thế hệ chỉ toàn xem những thứ nhảm nhí

Trong tháng 9, chủ nhân kênh Hưng Vlog cũng là người sáng lập kênh Bà Tân Vlog – Nguyễn Văn Hưng (trú tại xóm Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì cho đăng tải clip “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”.

Trước đó một năm, Ngô Bá Khá hay Khá "bảnh" – cái tên từng là trend số 1 trên mạng xã hội cũng bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh triệu tập và xử lý sau khi đăng tải clip đập nát xe máy 70 triệu đồng rồi châm lửa đốt.

Người xem dễ dàng bắt gặp những nội dung không lành mạnh đi kèm với ngôn từ, lời lẽ thiếu văn hóa như: chửi thề, đánh đấm, cợt nhả, bêu rếu, hạ thấp danh dự người khác, ăn uống mất vệ sinh, lãng phí thực phẩm,…

Hưng Vlog hay Khá "bảnh" không phải là những cái tên duy nhất khi công chúng nhắc tới hiện tượng video nhảm, độc, hại. Với những clip như: Công bố clip nóng với bạn gái, thử thách làm chó trong 24h, các món ăn siêu to khổng lồ,…Vĩnh Vớ Vẩn, Long Du Bai, Hữu Bộ, Võ Ngọc Duy Troll, hay “đế chế vlog” của gia đình bà Tân,… là những cái tên khiến công chúng phải nghi vấn khi nghĩ về một môi trường lành mạnh, bổ ích trên mạng xã hội.

Điều đáng nói là những kênh nội dung như trên xuất hiện ngày càng nhiều. Một phần không nhỏ công chúng, đặc biệt là những người trẻ đang ra sức hưởng ứng, tương tác. 

Họa sĩ Bùi Đình Thăng, chuyên gia truyền thông trên mạng xã hội, sở hữu trang Facebook Thăng Fly Comic với 1,3 lượt triệu người theo dõi cho biết: “Tôi nghĩ những nội dung nhảm nhí, giật gân sẽ có tác động không tốt đến xã hội. Đặc biệt là với giới trẻ, những người chưa hình thành nhân cách, dễ bị hấp thu những nội dung nhảm nhí đó".

Họa sĩ Bùi Đình Thăng, chuyên gia truyền thông trên mạng xã hội, sở hữu trang Facebook Thăng Fly Comic.

Họa sĩ Bùi Đình Thăng, chuyên gia truyền thông trên mạng xã hội, sở hữu trang Facebook Thăng Fly Comic.

Theo dữ liệu trong báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 của Adsoto, thời lượng sử dụng Internet trung bình của một người Việt Nam là 6 giờ 42 phút. Trong đó, mạng xã hội chiếm 2 giờ 33 phút, xem TV hoặc các nội dung video chiếm 2 giờ 31 phút, nghe và stream nhạc trực tuyến chiếm 1 giờ 11 phút.

Facebook, YouTube, Tiktok là những mạng xã hội có nhiều người dùng nhất hiện nay.

Khi lượng người theo dõi càng lớn thì nguồn thu nhập các chủ kênh thu về càng dồi dào. Do đó, lượng người hâm mộ tỉ lệ thuận với lượng kênh mới.

Khi luật pháp vào cuộc

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Lực lượng công an đã vào cuộc phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Thông tin & Truyền thông để xử lý các thông tin nhảm nhí, giật gân trên mạng xã hội trong nhiều năm qua, với các giải pháp rất cụ thể.

Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an.

Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an.

Bộ Công an đã xây dựng trình Quốc hội ban hành luật An ninh mạng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020/NĐCP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong Nghị định này quy định rất rõ về xử lý vi phạm liên quan đến dịch vụ mạng xã hội.

Thứ hai, cơ quan chức năng Việt Nam cũng phối hợp với các đơn vị cung cấp mạng xã hội ở nước ngoài như Facebook, Youtube, Google đề nghị tuân thủ pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc. Thứ ba là rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Điển hình như các vụ việc liên quan đến Khá “bảnh”, Huấn Hoa Hồng, Dũng trọc… Không những xử lý vi phạm trên không gian mạng mà còn xử lý triệt để các vi phạm khác có liên quan.

Thiếu tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh: Về lâu dài, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa để người dân không còn xem các thông tin nhảm nhí, giật gân. Lúc đó, thông tin này sẽ không còn đất sống trên không gian mạng.

Cũng liên quan đến nội dung này, trả lời báo chí, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho biết, Facebook hay YouTube đều là những mạng xã hội xuyên biên giới, do đó, điều quan trọng là phải xác định được chủ thể đăng tải (hoặc sở hữu) những đoạn clip vi phạm đó có ở Việt Nam hay không.

Việc vi phạm có thể gồm các mức khác nhau, từ những thông tin xấu, độc, sai sự thật cho đến các thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam… “Trong trường hợp chủ thể sở hữu ở Việt Nam, việc xử lý các clip vi phạm sẽ khá thuận lợi, thường là yêu cầu gỡ bỏ clip, kèm xử phạt hành chính” - ông Phúc nói.

Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, hiện tại, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã thiết lập kênh phối hợp với Facebook và Google để xử lý những thông tin, clip vi phạm. Và các nền tảng mạng xã hội này cũng tỏ ra rất hợp tác.

Muốn chống lại những sai phạm trên nền tảng công nghệ, phải dùng công nghệ

Để xử lý những video, nội dung xấu trên mạng xã hội, ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc chính sách và đại diện Tiktok tại Việt Nam cho biết: Bên cạnh những tiêu chuẩn, nguyên tắc cộng đồng đã có, Tiktok đã tạo ra một phiên bản nội địa hóa tại Việt Nam, nhằm đảm bảo những nội dung xuất hiện trên mạng xã hội của mình sẽ phù hợp với pháp luật, đạo đức, văn hóa và lịch sử của Việt Nam.

Đi kèm với nguyên tắc sẽ là những biện pháp kỹ thuật và quy trình xử lý để đảm bảo những video có nội dung nhảm, xấu và độc xuất hiện ít nhất có thể.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc chính sách và đại diện Tiktok tại Việt Nam.

Ông cũng cho biết, thông thường, một mạng xã hội sẽ có ba phương pháp để phân loại những những nội dung xấu trên nền tảng của mình: 

Một là dùng trí tuệ nhân tạo – AI. Hệ thống máy lọc dựa trên các mô hình đã được tính toán sẵn sẽ loại bỏ những video, nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng như: đồi trụy, bạo lực,… Với phương pháp này, hơn 90% video nhảm, độc, hại sẽ được phát hiện và loại bỏ ngay lập tức.

Hai là dựa vào phản hồi của người xem: Khi nhiều người xem cùng báo cáo xấu về một nội dung, bộ phận quản lý nội dung sẽ xác minh và quyết định  về việc gỡ bỏ nội dung khỏi hệ thống. 

Ba là đánh giá video dựa trên mức độ ảnh hưởng: Với những video có lượt view đặc biệt, một đội ngũ chuyên môn sẽ đánh giá lại những video: phù hợp với pháp luật, đạo đức, lối sống của nước sở tại, nội dung này có bổ ích hay không... Đây là điều không phải nhà mạng nào cũng làm.

Xử lý những vi phạm về mặt nội dung trên mạng sẽ hội không phải là câu chuyện của một cơ quan hay một nhà cung cấp dịch vụ cụ thể, đó là câu chuyện của cả một tập thể. Để xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, văn minh và bổ ích, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên ngành. Không chỉ xử lý, dẹp bỏ mà còn phải phòng chống để những nội dung xấu, nhảm và độc không trở thành "dịch bệnh"./.


Trọng Phú-Thi Uyên/VOV.VN

https://vov.vn/phap-luat/video-nham-xau-docnhu-mot-thu-dich-tai-hai-kho-kiem-soat-785137.vov

  • Từ khóa