Hàng loạt nhà sản xuất thiết bị công nghiệp đầu cuối quốc tế như Panasonic, Bosch, TTI, Samsung, Klaus, TTI... đang có nhu cầu tìm thêm nhà cung cấp, tăng tỉ lệ nội địa hóa để chủ động hơn và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất - kinh doanh
Mới đây, tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020 (SFS 2020), đại diện của hơn 10 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá hài lòng với kết quả tìm hiểu, tuyển chọn nhà cung ứng đủ năng lực để phát triển hợp tác.
Panasonic, hãng điện tử và đồ điện gia dụng nổi tiếng của Nhật Bản, dự kiến trong tháng 10 sẽ đưa nhà máy mới tại Bình Dương đi vào hoạt động. Đây là nhà máy thứ 7 của Panasonic tại Việt Nam. Bà Hoàng Thu Thủy, Trưởng Bộ phận Quản lý mua hàng toàn cầu của Panasonic Việt Nam, cho biết hiện danh mục sản phẩm sản xuất tại Việt Nam của tập đoàn rất đa dạng, bao gồm tivi, tủ lạnh, máy lạnh, đồ điện gia dụng… nên cần rất nhiều linh kiện. Vì vậy, nhu cầu phát triển nhà cung cấp phụ kiện tại chỗ là rất lớn. "Cơ hội cho các nhà cung cấp là như nhau vì Panasonic không phân biệt DN nước ngoài hay trong nước" - bà Thủy khẳng định.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM, kể câu chuyện đang hỗ trợ Techtronic Industries Co. Ltd. (TTI) - tập đoàn sản xuất thiết bị không dây - gặp gỡ, tìm hiểu các nhà cung cấp tiềm năng và nói thêm tập đoàn này cần tìm đến 200 nhà cung cấp trong nước trong vòng 1 năm để phục vụ cho dự án nhà máy 650 triệu USD đang được triển khai ở Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP). Theo bà Oanh, không riêng TTI sốt ruột mà Sở Công Thương TP HCM và Ban Quản lý SHTP cũng đang "chạy hết công suất" với mục tiêu nhà sản xuất này đặt ra. Dự án đi vào hoạt động sẽ mang về doanh thu hàng tỉ USD từ xuất khẩu. Do đó, đây là cơ hội rất lớn cho DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP HCM trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện gần đây
Theo giới quan sát, rất nhiều nhà đầu tư, DN nước ngoài tìm kiếm các nhà cung ứng Việt Nam, nhất là sau khi Việt Nam đã khống chế dịch Covid-19 thành công. Trong đó, nhiều DN FDI của Mỹ và châu Âu bị gián đoạn nguồn cung ứng từ các nước nên đã tìm kiếm các DN cung cấp Việt Nam - chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện công nghiệp hỗ trợ - để thay thế.
Bà Lê Bích Loan, Phó Ban Quản lý SHTP, cho biết nhiều DN ở SHTP đã nhận được đề nghị của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng trở thành nhà cung ứng. "Đây là cơ hội lớn chưa từng có của các nhà cung cấp Việt Nam. Vấn đề còn lại là sự nỗ lực của từng DN để nắm bắt cơ hội này" - bà Loan nhận định.
Phó Ban Quản lý SHTP nhận định với năng lực tài chính, năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, nhân lực như hiện tại, không có nhiều DN Việt đủ khả năng lẫn điều kiện nắm bắt ngay cơ hội. Mặc dù vậy, nếu DN có quyết tâm, có nỗ lực và nền tảng cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và sự đồng hành hỗ trợ của nhà mua hàng, họ sẽ dần chạm đến mục tiêu. "Những năm gần đây, tỉ lệ nội địa hóa của DN FDI tại SHTP ngày càng tăng. Nếu như năm 2016 chỉ chiếm khoảng 16% thì tới cuối năm 2019, tỉ lệ này đã được nâng lên khoảng 22% và trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng lên hơn 33%. Nhiều khả năng tỉ lệ nội địa hóa sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới" - bà Loan thông tin.
Phương An/Nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/co-hoi-lon-cho-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-20201013215718821.htm