Vốn vay ít nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn vẫn thoát được nghèo và có cuộc sống ổn định. Đây là thực tế đáng mừng ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum.
Việc tiếp cận được nguồn vốn và sử dụng một cách có hiệu quả đang là chìa khóa để các hộ dân vươn lên trong lao động sản xuất và có cuộc sống ngày càng khấm khá.
Đón khách trong một ngôi nhà cấp 4 khang trang, sạch sẽ với đầy đủ phương tiện phục vụ sinh hoạt ít ai nghĩ cách đây 3 năm gia đình anh chị A Hiếu, Y Kum ở thôn 4, xã Đăk La, huyện Đăk Hà còn thuộc diện hộ nghèo. Chị Y Kum cho biết năm 2013 chị được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đăk La hướng dẫn vay được 20 triệu đồng từ ngân hàng để nuôi trâu sinh sản.
Nhờ việc chăn nuôi thuận lợi cộng với chăm chỉ lao động, đến năm 2016 gia đình trả được hết tiền vay. Tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ ngân hàng, vợ chồng A Hiếu, Y Kum đầu tư trồng mới 1.000 cây cà phê và cải tạo 1,5ha cà phê đã có từ trước.
Ngôi nhà khang trang của vợ chồng anh chị A Hiếu, Y Kum.
“Trước đây nhà tôi rất là nghèo. Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng tạo điều kiện làm ăn. Nhà em dùng vốn vay để nuôi trâu. Cải tạo, chăm sóc cây cà phê. Mua máy, ống để tưới. Gia đình được thoát nghèo năm 2017 và làm được nhà 200 triệu. Giờ gia đình được sung túc hơn xưa rồi” - chị Y Kum nói về hành trình vay vốn thoát nghèo của gia đình.
Xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum có 57% dân số là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại 6/10 thôn của xã. Những năm qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách cùng sự vào cuộc của các Hội, đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân vay vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả nên nhiều hộ dân đã thoát được nghèo và có cuộc sống ngày càng khấm khá.
Hiện, trong 2.000 hộ dân của xã thì có trên 1.000 hộ vay vốn của ngân hàng, với tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng. Trong đó, có 7,7 tỷ đồng vay theo nhóm đối tượng hộ nghèo, 2,7 tỷ đồng vay theo diện hộ cận nghèo và trên 400 triệu đồng cho vay hộ thoát nghèo.
“Từ nguồn vốn vay ngân hàng chúng tôi triển khai cho người dân đặc biệt là hộ nghèo và cận nghèo. Triển khai đúng đối tượng để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn này để tập trung phát triển kinh tế. Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo 16,1% đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 8,97%. Chúng tôi đang tập trung vận động người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn để thoát được hộ nghèo và dự kiến cuối năm 2020 dưới 5% đạt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới dưới 7%” - ông Nguyễn Quang Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đăk La nói.
Mô hình nuôi bò sinh sản thoát nghèo của một hộ dân ở thành phố Kon Tum.
Thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho thấy, hiện đơn vị đang thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến hết tháng 8 vừa qua tổng dư nợ đạt gần 3.000 tỷ đồng. Riêng với đối tượng khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đơn vị đã giải ngân được 620 tỷ đồng cho trên 15.500 lượt hộ vay.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, từ nay đến cuối năm Ngân hàng tiếp tục bố trí nguồn vốn cho hộ nghèo vay phát triển sản xuất: “Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của bà con, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trình với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bổ sung thêm khoảng 150 tỷ, đồng thời dự kiến sẽ thu hồi nợ đến hạn khoảng 100 tỷ. Hai khoản này được 250 tỷ để giải ngân cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để vay vốn sản xuất, kinh doanh”.
Trong 5 năm qua, bình quân tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Kon Tum mỗi năm giảm được 4,05%, trong đó chủ yếu đối tượng thoát nghèo là hộ dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy có nhiều hộ dân chỉ nhờ vay được nguồn vốn tuy không nhiều từ ngân hàng nhưng sử dụng hiệu quả vẫn phát triển được kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo./.
Khoa Điềm/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/von-vay-it-nhung-dau-tu-kinh-te-hieu-qua-van-thoat-duoc-ngheo-786874.vov