10 năm, cả nước có thêm 2.600 trường mầm non, 99,6% trẻ 5 tuổi đến lớp

Thứ 5, 22.10.2020 | 08:25:06
793 lượt xem

Sau thành công của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi.

Hôm nay (21/10), tại Hà Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; sơ kết 2 năm thực hiện đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, ngày 9/2/2010 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg Phê duyệt đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi với mục tiêu: Bảo đảm hầu hết trẻ em năm tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước đối với thế hệ mầm non của đất nước nên được toàn xã hội quan tâm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện.

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này gặp rất nhiều khó khăn, xuất phát điểm của giáo dục mầm non thấp; mạng lưới trường lớp manh mún, thiếu trường lớp, cơ sở vật chất thiếu thốn, tỷ lệ phòng học nhờ, học mượn rất cao (nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải mượn nhờ nhà văn hóa của thôn xã, nhà dân, kho hợp tác xã; nhiều nơi phòng học là vách tre, mái lá). Giáo viên thiếu trầm trọng, chế độ chính sách cho giáo viên không đảm bảo. Bên cạnh đó, việc huy động trẻ đến trường rất khó khăn, đặc biệt là trẻ em ở vùng núi cao, vùng sông nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phổ cập giáo dục mầm non ở trẻ em 5 tuổi lại được triển khai trong bối cảnh kinh tế của đất nước và khu vực gặp nhiều khó khăn. 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đến nay đã được thực hiện thành công, tạo nên diện mạo mới đối với giáo dục mầm non.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh dẫn chứng như: Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, mỗi phường xã có ít nhất 1 trường mầm non công lập.

Tổng số trường tăng khoảng trên 2.600 trường so với năm 2010; cơ sở vật chất, phòng học được tăng cường: cả nước hiện có 201.605 phòng học, (số phòng học được xây mới trong 10 năm là 105.639 phòng: giai đoạn 2010-2015 tăng 48.240 phòng; giai đoạn 2015-2020 tăng 57.399), trong đó, có 156.642 phòng kiên cố (chiếm tỷ lệ 77,7%, tăng 28,3%); phòng học tạm còn 3.284 phòng (tỷ lệ 1,6%, giảm 14.180 phòng); đồ dùng đồ chơi tối thiểu được trang bị ở hầu hết các lớp 5 tuổi.

"Đội ngũ giáo viên mầm non được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, chế độ chính sách được đảm bảo. Toàn ngành hiện có 364.776 giáo viên, tăng 148.072 giáo viên. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,82 giáo viên/lớp. Giáo viên mầm non từ chỗ phần lớn chưa được hưởng chế độ của viên chức mà chỉ được chi trả theo hợp đồng lao động với mức lương thấp, thậm chí có nơi giáo viên mầm non chỉ được chi trả bằng thóc lúa, cuộc sống rất bấp bênh thì đến nay tất cả giáo viên mầm non đều được hưởng chế độ chính sách như viên chức nhà nước", bà Minh cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trong những năm qua, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng mạnh. Tổng số trẻ mầm non được đến trường là 5.306.501 trẻ em (tăng 1.535.018 trẻ so với năm học 2010-2011); trong đó có 1.637.266 trẻ mẫu giáo 5 tuổi (tăng 333.489 trẻ), tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đạt  99,6%.

Trẻ được chuẩn bị sẵn sàng về thể chất, tâm lý, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội để vào lớp 1, mạnh dạn, tự tin, ham hiểu biết, thích đi học. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm dần qua các năm. Tỷ lệ thừa cân béo phì được khống chế.

Bà Ngô Thị Minh cho rằng, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của Việt Nam là thành tựu đáng tự hào được các nước trên thế giới đánh giá cao.

Sắp tới toàn ngành sẽ tiến hành phổ cập trẻ mầm non 4 tuổi, phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành giáo dục phổ cập giáo dục mầm non 4 tuổi. Để thực hiện thành công mục tiêu này sẽ có nhiều khó khăn vì trường mầm non ở vùng khó khăn, các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân./.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/10-nam-ca-nuoc-co-them-2600-truong-mam-non-996-tre-5-tuoi-den-lop-787858.vov

  • Từ khóa