Sau khi lũ rút, người dân tỉnh Quảng Trị khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa sang lại nhà cửa và chủ động các biện pháp ứng phó với bão đang tiến vào đất liền.
Sau 4 đợt mưa lũ lớn, người dân vùng lũ tỉnh Quảng Trị phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề về con người, nhà cửa, tài sản. Sau khi lũ rút, bà con khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa sang lại nhà cửa và chủ động các biện pháp ứng phó với bão đang tiến vào đất liền.
Lực lượng công an tỉnh Quảng Trị dọn dẹp bùn đất sau lũ.
Mưa lũ lớn, kéo dài nhiều ngày làm chết hơn nửa triệu gia súc, gia cầm của người chăn nuôi ở tỉnh Quảng Trị. Số lượng vật nuôi chết quá nhiều gây ô nhiễm môi trường và khiến người dân không thể thu dọn triệt để, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao.
“Hiện nay lũ đã rút, bà con nhân dân ra dọn dẹp vệ sinh, chôn lấp xác động vật đã chết nhưng mà số lượng quá nhiều. Bà con vừa dọn dẹp trong nhà, vừa dọn vệ sinh môi trường cũng không kịp. Dọc bờ sông rác thải và xác động vật lẫn lộn nhau quá nhiều”- ông Lê Viết Trình, ở thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng lo lắng.
Dọn dẹp vệ sinh sau mưa lũ.
Để khắc phục hậu quả mưa lũ, tỉnh Quảng Trị đã huy động các lực lượng vũ trang và các lực lượng tại chỗ để giúp đỡ người dân sửa sang nhà cửa, thu dọn bùn đất. Ngành y tế Quảng Trị đã triển khai nhiều phương án phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau mưa lũ; tổ chức thu gom, xử lý môi trường; hỗ trợ cung cấp thuốc, hoá chất để khử trùng nguồn nước sinh hoạt bằng Chloramin B, phèn chua, vôi bột tại vùng bị ngập lụt…
Khắc phục sạt lở trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
Ông Lê Phước Nho, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết, sau mưa lũ thì nhiệm vụ đầu tiên là phải xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, giám sát dịch bệnh tại cộng đồng và cung cấp vật tư, hóa chất để vệ sinh môi trường.
“Chúng tôi chỉ đạo các trạm y tế, các khoa dự phòng tăng cường bám sát địa bàn, xử lý môi trường cũng như phát hiện các bệnh đặc biệt trong mùa lũ này. Phổ biến các bệnh như nấm, tiêu chảy, đau mắt đỏ. Chúng tôi đã cung ứng tất cả các thuốc để đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân.”- ông Lê Phước Nho cho biết.
Khắc phục sạt lở trên Quốc lộ 9.
Ngành giao thông tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương khắc phục các đoạn đường sạt lở do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông bước 1 trên các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện ở các địa phương miền núi. Việc khắc phục đường sá trước mắt tạo điều kiện cho xe bán tải, xe cứu trợ thực hiện công tác cứu trợ cho bà con vùng bị chia cắt.
Cùng với khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, tỉnh Quảng Trị cũng chủ động ứng phó với bão số 8 đang vào gần bờ. Các địa phương huy động lực lượng tại chỗ giúp nhân dân chèn chống nhà cửa, gia cố các tuyến đê bao, kè biển băng bao cát, rọ đá hạn chế sức tàn phá của sóng biển. Hiện nay, toàn bộ tàu thuyền đi biển đã vào bờ neo đậu. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương tiếp tục triển khai các phương án sơ tán dân, kiên quyết di dời những hộ dân ở khu vực núi có nguy cơ sạt lở, người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân vùng bị cô lập.
“Tỉnh Quảng Trị đã huy động toàn bộ lực lượng để khắc phục đợt mưa lũ vừa qua, kết nối lại giao thông liên lạc, hỗ trợ bà con những vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu, chăm lo sức khỏe nhân dân. Huy động các tàu thuyền ở ngoài khơi về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn. Chuẩn bị phương án di dời vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, rút kinh nghiệm từ đợt lũ vừa rồi đẻ đảm bảo công tác an toàn. Chuẩn bị các phương án sẵn sàng tàu thuyền, ca nô và các lực lượng trực gác ở những điểm xung yếu để phòng tránh, cứu người trong bão”- ông Hà Sỹ Đồng cho biết./.
Thanh Hiếu/VOV.VN