Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt, sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người.
Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh Covid-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai.
Một người dân Quảng Trị nhận nhu yếu phẩm hỗ trợ. (Ảnh minh họa)
BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt rất dễ mắc các bệnh ngoài da- bệnh nước ăn chân. Theo BS Phúc, khi mắc bệnh nước ăn chân dẫn đến tổn thương gây ngứa, mẩn đỏ, bong tróc da, mụn nước và lở loét, chân có mùi hôi thối.
BS Phúc cũng cho biết, thông thường trong lũ lụt, khi nước rút khoảng 1 tuần, thì nhóm bệnh đường tiêu hóa bắt đầu xuất hiện và có thể lan rộng khó kiểm soát, phổ biến như: tiêu chảy cấp, rotavirus, tả, thương hàn, viêm gan A và E, các bệnh giun sán. Nguyên nhân là do sau lũ lụt môi trường ẩm ướt, các mầm bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có cơ hội sinh sôi nảy nở. Nguồn nước bị ô nhiễm là tác nhân chính, đặc biệt là rác thải, nước thải sinh hoạt hòa vào dòng lũ, phân, xác động thực vật chết.
BS Phúc cũng cảnh báo, bệnh dịch do muỗi truyền cũng sẽ quay trở lại ngay khi nước rút. Các dịch bệnh thường gặp gồm sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản…
“Không để các vũng nước tù đọng, diệt cung quăng bọ gậy, diệt muỗi, ngủ màn là những việc hết sức quan trọng để phòng bệnh cho bản thân và dịch cho cộng đồng”- BS Phúc chia sẻ.
Để phòng bệnh, BS Phúc cũng cho rằng, cần thực hiện ăn chín, uống sôi, nguồn nước phải đảm bảo vệ sinh, tốt nhất dùng nước uống đóng chai, hoặc nước đã qua lọc và xử lí theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại địa phương. Vì thời gian bùng phát dịch sau lũ khoảng 1 tuần, nên ngay khi nước rút, phải ngay lập tức tổng dọ vệ sinh, đảm bảo không để nước bẩn ứ đọng, bùn đất và chất thải phải được xử lí, phân và xác động vật phải được thu gom sạch sẽ.
Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, vào mùa mưa lũ, những trận mưa lớn, lũ lụt xảy ra thường xuyên tại các khu vực ven biển với tần suất, cường độ và lưu lượng lớn. Mưa lũ lớn đã gây ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Nước lũ rút dần người dân bắt đầu lau dọn, vệ sinh nhà cửa.
Để xử lý nước sau khi lũ rút, người dân nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Trong trường hợp không có nguồn nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý.
Biện pháp đầu tiên để xử lý nước là làm trong nước. Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.
Để khử trùng nước, người dân nên cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được hoặc có thể cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.
Bên cạnh đó, việc khử trùng bằng hóa chất bột thường được sử dụng khử trùng lượng nước cấp lớn. Lượng bột cần dùng được tính toán trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg Cloramine hoạt tính trong 1 lít nước.
Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế khuyến cáo, nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi thì mới uống trực tiếp được. Người dân không nên khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ cho bớt mùi nồng.
Mỗi hộ gia đình chỉ được sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, người dân chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.
Ngoài các biện pháp xử lý nước trên, mỗi gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Hiện, có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Người dân nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm định, cấp phép của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước./.
Minh Khánh/VOV.VN
https://vov.vn/suc-khoe/chuyen-gia-y-te-canh-bao-nguy-co-dich-benh-sau-mua-lu-812708.vov