Hải Dương phấn đấu trở thành "mắt xích" quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu

Thứ 2, 26.10.2020 | 08:30:26
1,192 lượt xem

Trong giai đoạn 2020- 2025, tỉnh Hải Dương xác định 3 trụ cột kinh tế vững chắc, trong đó công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là trụ cột quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế.

Tận dụng những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, thời gian qua, Hải Dương đã tập trung đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, không chỉ sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng... cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong nước mà đã bước đầu tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một mắt xích trong sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Công ty TNHH 1 thành viên Cơ khí chính xác và chế tạo khuôn mẫu Việt Nam (VMC) được thành lập từ tháng 4/2019, đến nay đã trở thành công ty chế tạo khuôn mẫu lớn nhất trong tỉnh Hải Dương. Với hệ thống thiết bị được đầu tư đồng bộ từ Nhật Bản, được hỗ trợ công nghệ và kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản, VMC có năng lực thiết kế và chế tạo các loại khuôn từ siêu chính xác đến các loại khuôn cỡ lớn phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô.

Công ty TNHH 1 thành viên Cơ khí chính xác và chế tạo khuôn mẫu Việt Nam (VMC).

Hiện, VMC cung cấp khuôn mẫu, thiết bị cho nhiều tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước, như: Tập đoàn Samsung, Brother, VinFast, nhựa Hà Nội...

Hải Dương nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; đồng thời, kết hợp với Hải Phòng và Quảng Ninh thành tam giác trọng điểm kinh tế khu vực phía Đông của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Xung quanh Hải Dương có khá nhiều tập đoàn lớn, các trụ sở của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, như: Samsung, LG, VinFast...

Nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều ngành công nghiệp phát triển với bề dày lịch sử và kinh nghiệm, như: Cơ khí chế tạo, điện – điện tử, sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị công nghiệp...là một lợi thế.

Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát, một trong những "đầu tàu" phát triển triển công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Hải Dương.

Ông Mạc Thế Phương, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết: "Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ đã đạt được một số bước tiến cả về chất và lượng, góp phần tích cực đối với phát triển công nghiệp chung của tỉnh. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã hình thành khá rõ nét trong 3 lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện – điện tử, dệt may – da giày. Các sản phẩm tương đối đa dạng, phong phú, đa số đạt tăng trưởng cao. Toàn tỉnh hiện có 130 dự án lớn sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên các lĩnh vực".

Theo quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp đến năm 2020 của tỉnh Hải Dương đã được Chính phủ phê duyệt, Hải Dương có 18 khu công nghiệp, với diện tích hơn 3.500 ha. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp đạt trên 81%; hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Trong gần 300 dự án đang được thực hiện, đầu tư tại các khu công nghiệp của Hải Dương thì có tới trên 230 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4,7 tỷ USD. Hải Dương đã thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn của trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Tập đoàn Brother, Sumi Denso của Nhật Bản, tập đoàn Kefiko của Hàn Quốc...

Ông Nguyễn Văn Chuẩn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, đây sẽ tiền đề để Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạnh hơn nữa các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Hải Dương đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu trở thành một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Theo ông Chuẩn: "Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Hải Dương xác định phương hướng tập trung thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ; quy hoạch và kêu gọi đầu tư hạ tầng từ 3 – 5 khu công nghiệp, 7-10 cụm công nghiệp mới.

Tỉnh tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo chuỗi giá trị; thu hút đầu ư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, ưu tiên các dự án có trình độ cao, công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đóng góp lớn cho ngân sách".

Hải Dương cũng là một trong ít địa phương trong cả nước thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, trong đó, phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát, một trong những "đầu tàu" phát triển triển công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Hải Dương mong muốn: "Khi các công ty tham gia cùng với An Phát vào chuỗi giá trị các công ty toàn cầu, chúng tôi sẽ nhận được sự hỗ trợ chính sách, như các cơ chế hỗ trợ về thuế... Khi họ tham gia vào công nghiệp phụ trợ được miễn giảm thuế đất thời gian dài hơn. Rất mong giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hút nhanh hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài đến với An Phát".

Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại. Khi công nghiệp phát triển sẽ kéo theo dịch vụ, đô thị, du lịch, thương mại... phát triển, có điều kiện để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là cơ sở để Hải Dương phát triển nhanh và bền vững, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như kỳ vọng, mong muốn của chính quyền và con người xứ Đông./.


Thanh Nga/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/hai-duong-phan-dau-tro-thanh-mat-xich-quan-trong-trong-chuoi-san-xuat-toan-cau-812648.vov

  • Từ khóa