Chủ động đối phó với bão số 9, các tỉnh Nam Trung bộ khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú tránh, lên kế hoạch sơ tán hộ dân vùng sạt nguy hiểm đến các nơi an toàn.
Một số địa phương cũng đã có văn bản cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 27 và 28/10 và dừng các cuộc họp.
Sáng nay (26/10), UBND tỉnh Quảng Nam có công điện khẩn yêu cầu các địa phương triển khai công tác đối phó với bão số 9. Trước 18 giờ ngày mai (27/10), các địa phương trong tỉnh này hoàn thành chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, có biện pháp bảo vệ trụ ăng ten,…sẵn sàng phương án sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm trước khi bão vào. Đối với vùng dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ, hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7-10 ngày.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam quyết định cho học sinh tất cả các cấp học và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn Quảng Nam nghỉ học trong 2 ngày 27 và 28/10.
Như các địa phương khác, từ chiều nay, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra biển, đồng thời kêu gọi các tàu thuyền vào bờ, tìm nơi tránh trú an toàn.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đề nghị các ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin của Trung ương, tỉnh, thành phố về cơn bão này để chủ động điều chỉnh phương án phù hợp. Ngoài việc lo chống bão, phải triển khai phương án ứng phó với lũ lụt. Ngay trong bão và sau bão chắc chắn có mưa lớn. Hiện nay, các hồ chứa đã đầy rồi, thì nguy cơ xả lũ và lụt sẽ tiếp tục".
Đối phó với bão số 9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai phương án phòng chống bão với phương châm “4 tại chỗ” UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung phòng chống bão.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Yêu cầu các cơ quan có liên quan gọi ngay ngư dân hiện nay đang còn ở trong vùng nguy hiểm về nơi tránh trú bão an toàn. Xây dựng phương án sơ tán dân vùng ven biển, các vùng cơ nguy cơ ảnh hưởng bão số 9 về nơi an toàn. Rà soát dân ở nơi ven sông, suối, vùng trũng để di dời dân, sau bão có lũ lụt lớn”.
UBND huyện Lý Sơn có phương án di dời 280 hộ với trên 1.000 nhân khẩu ở vùng nguy hiểm lên trụ sở UBND xã, nhà Văn hóa thôn, trường học trú tránh. Hiện nay, trên 600 tàu cá, ca nô, tàu du lịch tại Lý Sơn đã vào nơi neo đậu an toàn.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện còn 18 tàu cá với gần 270 lao động ở Lý Sơn đang hoạt động ở vùng biển Trường Sa đã nắm được thông tin của bão số 9 và đang tìm nơi trú tránh: “Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, sáng nay tỉnh cũng đã triển khai và huyện cũng đã triển khai lực lượng đi xuống các nhà dân có nguy cơ, nhà tạm bợ vận động người dân chằng chống nhà cửa, cập tàu vào các vùng neo đậu để cho an toàn. Trước mắt, huyện xuất gạo dự trữ 1,5 tấn để giúp người dân trong những ngày bão lũ không dự trữ gạo được. Hiện nay, 18 phương tiện trong vùng nguy hiểm ở khu vực Trường Sa, huyện đã liên lạc được".
UBND tỉnh Bình Định đã có công điện khẩn cấp đối phó với bão số 9, yêu cầu Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản liên lạc, thông báo và hướng dẫn các tàu cá chủ động này di chuyển khỏi vùng ảnh hưởng, vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.
Ông Hồ Đắc Chương, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương ven biển sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi cao ráo, an toàn, tránh thiệt hại khi bão đổ bộ./.
Nhóm phóng viên/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/mien-trung-len-phuong-an-so-tan-dan-doi-pho-bao-so-9-812816.vov