Sau đợt tuyển bổ sung, nhiều trường cao đẳng sư phạm tại các địa phương vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Ông Gạc Giang Hội, Phó Hiệu trưởng CĐ Sư phạm Hà Giang cho biết, sau đợt tuyển bổ sung, trường có 30 hồ sơ đăng ký, trong đó có 3 hồ sơ không hợp lệ. Sau khi xét tuyển, hiện có 22 thí sinh đã xác nhận nhập học. Được biết, chỉ tiêu trường CĐ Sư phạm Hà Giang được giao năm nay là 50 chỉ tiêu, như vậy, sau 2 đợt tuyển, đến nay trường mới tuyển được non nửa.
Ông Gạc Giang Hội cho biết, từ nhiều năm nay, công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng sư phạm tại địa phương rất chật vật, việc tuyển đủ chỉ tiêu là bài toán vô cùng khó khăn.
Nhiều trường cao đẳng Sư phạm "vật vã" tuyển sinh. (Ảnh minh họa)
“Trường có thông báo tuyển bổ sung tiếp, nhưng đến nay vẫn chưa có cháu nào đăng ký thêm. Những quy chế tuyển sinh với các trường sư phạm địa phương hiện nay rất bó chặt, nhiều cháu vùng cao có nguyện vọng đi học nhưng lại không đáp ứng đủ tiêu chí đăng ký”.
Ông Hội cho biết, trước đó, năm 2019, trường được giao 72 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được 14, 15 sinh viên. “Những năm trước, dù số lượng sinh viên không nhiều, nhưng trường vẫn phải mở lớp đào tạo, do nhu cầu thực tế của tỉnh Hà Giang đang thiếu giáo viên mầm non”.
Lý giải về những khó khăn trong tuyển sinh, ông Gạc Giang Hội cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh xét tuyển bằng học bạ phải đạt từ loại khá trở lên, xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT cũng phải đạt ngưỡng điểm sàn của Bộ GD-ĐT quy định, năm 2020 là 16,5 điểm. Điều kiện này rất khó khăn với những học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số. Do đó, những năm gần đây nguồn tuyển của trường bị thu hẹp hơn trước, dù chất lượng đầu vào đang được cải thiện.
Cũng theo ông Gạc Giang Hội, dù được phép đào tạo liên thông trung cấp lên cao đẳng, nhưng không có thí sinh nào theo học: “Nếu học, thì các em sẽ học một mạch liên thông từ trung cấp lên đại học, chứ không ai học liên thông lên cao đẳng, nên dù được phép đào tạo, nhưng không có người học”.
Bà Nguyễn Thu Hằng, Trưởng phòng Đào tạo Cao đẳng sư phạm Thái Bình cho biết, sau đợt tuyển bổ sung đợt 1, số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học vẫn ở mức “rất khiêm tốn”.
“Theo quy định, chưa tuyển đủ, chúng tôi tiếp tục xét tuyển bổ sung lần 2, song tình hình chung là tuyển sinh rất khó khăn, dù đã tuyển nhiều lần nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu”, bà Hằng nói.
Cũng theo bà Nguyễn Thu Hằng, không chỉ Cao đẳng sư phạm Thái Bình, mà nhiều trường cao đẳng sư phạm khác cũng đang đang “vật vã” tuyển sinh.
“Theo luật mới, chúng tôi bị cắt hết 14, 15 mã ngành đào tạo bậc tiểu học, THCS, chỉ còn lại duy nhất ngành sư phạm mầm non, nên rất khó tuyển sinh. Hơn nữa, sinh viên hiện nay cũng không thiết tha với nghề sư phạm, đặc biệt là sư phạm mầm non, do đầu ra khó, áp lực công việc lớn, nhưng chế độ cho giáo viên lại thấp, chưa thỏa đáng. Dù chỉ tiêu giáo viên mầm non nhiều nơi đang thiếu nhiều, nhưng các em vẫn rất ngại thi vào ngành này”, bà Hằng nói.
Trưởng phòng Đào tạo Cao đẳng Sư phạm Thái Bình cũng cho biết, quy định mới của Bộ GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng sinh viên ngành sư phạm, nên đầu vào đều quy định mức điểm sàn, học bạ. Như năm 2020, điểm sàn là 16,5 điểm, trong khi đó, nhiều trường đại học top dưới hoặc ngoài công lập còn lấy điểm thấp hơn mức này, do đó thí sinh sẽ có xu hướng chọn trường đại học thay vì học cao đẳng.
Ông Đinh Ngọc Lượng, Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Cao Bằng cho biết, năm 2020, trường được giao tuyển 200 chỉ tiêu, nhưng sau 3 đợt tuyển, bao gồm 2 đợt tuyển bổ sung, trường cũng mới chỉ tuyển được 37 thí sinh, tức chưa đến 20% chỉ tiêu đề ra.
“Hiện nay không thấy hồ sơ nộp thêm, nên trường quyết định dừng không tuyển thêm dù quy định của Bộ các trường được tự chủ tuyển quanh năm. Bên cạnh ngành giáo dục mầm non, trường tuyển sinh thêm ngành tiếng Trung Quốc, đến nay đã tuyển được 62 em trong số 100 chỉ tiêu được giao”, ông Lượng cho biết.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng cho hay, từ khoảng 4-5 năm trở lại đây, trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm được giao. Nguyên nhân do số lượng sinh viên có nhu cầu học sư phạm ngày càng ít. Thêm vào đó, nhu cầu tuyển dụng viên chức giáo dục tại tỉnh Cao Bằng cũng có xu hướng giảm do quá trình sắp xếp tinh giản biên chế tại các trường, nhiều sinh viên lo học xong không xin được việc làm.
Ông Đinh Ngọc Lượng thông tin thêm, trong thời gian qua, hiệp hội các trường cao đẳng, đại học sư phạm đã nhiều lần tổ chức các hội thảo để cùng thảo luận về những vướng mắc đang gặp phải. Trong đó, vấn đề khó khăn chung của nhiều trường hiện nay là không được đào tạo ngành sư phạm tiểu học, THCS, duy nhất còn lại ngành sư phạm mầm non, dẫn đến dôi dư lượng lớn giảng viên dạy các khoa này.
“Hiện nhiều giảng viên tại các trường cao đẳng sư phạm đang không có việc làm, nhiều trường chuyển đổi mô hình, nhưng mỗi nơi làm một kiểu. Có trường đề nghị được xây dựng trường liên cấp từ mầm non đến THCS trong lòng các trường cao đẳng sư phạm. Nhưng hiện nay chưa có một chỉ đạo chính thức nào để khắc phục tình trạng này, nên việc giải quyết nhân sự dôi dư hoàn toàn do các trường tự làm.
Nếu không có một chủ trương lớn, để các trường tự mày mò, chỉ đem lại giải pháp trước mắt, không có tính lâu dài”, ông Lượng cho biết.
Ông Đinh Ngọc Lượng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm cho những chỉ đạo chung với các trường cao đẳng sư phạm tại địa phương để tháo gỡ những khó khăn tồn tại.
“Các trường cao đẳng sư phạm đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình hàng chục năm nay, trong bối cảnh mới cần phải thay đổi, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận quy hoạch, song nên tính toán một cách căn cơ, hướng dẫn cụ thể, trường nào xác nhập, trường nào giải thể, trường nào tiếp tục hoạt động, hoạt động ra sao cần có kế hoạch cụ thể”, ông Lượng nói.
Hiệu trưởng Cao đẳng sư phạm Cao Bằng lo ngại rằng, nếu tiếp tục tình trạng như hiện nay, giảng viên các trường cao đẳng sư phạm thiếu việc làm, không thể bố trí đủ giờ dạy sau khi cắt hết những ngành đào tạo sư phạm tiểu học, THCS trước kia, sẽ tạo ra tâm lý bất ổn cho giáo viên. Bên cạnh đó, các trường cũng không có giải pháp để giữ lại những người có trình độ chuyên môn tốt./.
Nguyễn Trang/VOV.VN