Làm chủ tốc độ tư bản hóa, hay nói cách khác là “dắt” chủ nghĩa tư bản đi theo tốc độ phù hợp mà không phá vỡ các nguyên lý của XHCN chính là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Ông Nguyễn Trần Bạt góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII có ghi: “…Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước…”.
Điều này khẳng định một nguyên lý cơ bản của Đại hội XIII, đó là: Sự cân bằng giữa CNXH và kinh tế thị trường là quy luật của sự phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng ta ở nhiệm kỳ tiếp theo. Bản chất của nguyên lý này chính là tôn trọng các nguyên tắc của kinh tế thị trường nhưng không xa rời CNXH. Đây chính là phép biện chứng duy vật, giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố chính trị và yếu tố phát triển, hai thành phần chính cấu tạo ra chiến lược chính trị.
Không ổn định chính trị thì không ai có ý đồ sản xuất hay đầu tư
Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một quan điểm không mới nhưng nay được hiểu theo một cách mới. Trước kia, đôi khi chúng ta duy trì các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội một cách cứng nhắc, làm yếu đi độ tự do của kinh tế thị trường. Thời kỳ đầu, do chiến tranh kéo dài, chúng ta không có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cho nên không có các sai lầm thật căn bản về kinh tế. Bây giờ, chúng ta đã hội nhập sâu, đã bị lôi kéo bởi quy luật tự do của kinh tế thị trường, nhưng đồng thời vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc của CNXH. Thực tế này thúc bách các nhà chính trị phải lựa chọn lối đi giữa đòi hỏi của thị trường và đòi hỏi của CNXH.
Xây dựng nền kinh tế thị trường là tuân thủ các đòi hỏi của thị trường, còn định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường ấy được điều hành sao cho không xâm phạm các nguyên tắc XHCN. Tức là chúng ta vừa tôn trọng tính khách quan của kinh tế thị trường, vừa bảo vệ các nguyên tắc của CNXH. Như vậy Đảng ta có quyền tự do ở trong cả việc bảo vệ nguyên tắc của CNXH lẫn việc tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Biện chứng là sự tác động, giao lưu tự do giữa các yếu tố với nhau. Biện chứng không chỉ có đối lập mà còn có cả hợp tác. Phép biện chứng là nguyên lý triết học phản ánh đầy đủ tính đấu tranh và hợp tác giữa các mặt đối lập. Nếu không tự do trong đấu tranh, và không tự do trong hợp tác thì không biện chứng.
Có những ý kiến cho rằng, mối quan hệ này có sự khập khiễng hay mâu thuẫn, nhưng theo quan điểm của tôi, nếu không có một Nhà nước chắc chắn để giữ gìn các thành quả của đời sống kinh tế thì không thể xây dựng kinh tế. Xây dựng nền kinh tế phải dựa trên sự ổn định của xã hội, mà các nguyên lý của CNXH ở Việt Nam trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam chính là nguyên lý để bảo vệ sự ổn định.
Ổn định chính trị là điều kiện nền tảng của sự phát triển. Người ta rất chờ đợi sự tự do ra đường, nhưng tự do ra đường chỉ cổ vũ cho những kẻ kiếm tiền một cách phiêu lưu, còn để kiếm tiền một cách ổn định thì cần có một xã hội có tiêu chuẩn tốt, trong đó những cái hay, cái dở chúng ta có thể phản ánh một cách bình tĩnh với chính quyền. Về phía chính quyền, cũng có thể có sự điều chỉnh, họ có thể nới giãn ra một chút theo các đòi hỏi của xã hội. Sự thương lượng giữa các lực lượng khác nhau trong xã hội về độ mở hay độ tự do là vô cùng quan trọng. Điều đó chỉ có thể thực hiện trong sự ổn định chính trị.
Không ổn định thì không ai có ý đồ sản xuất hay đầu tư. Nếu xã hội không có những người có ý đồ sản xuất hay đầu tư thì lấy đâu ra công ăn việc làm cho người dân. Mà không có công việc thì lấy đâu ra thu nhập để sống. Sống là phải có thu nhập, có tiêu dùng. Có thu nhập, có ham muốn, có tiêu dùng chính là quy trình của sự phát triển con người.
Làm chủ được tốc độ tư bản hóa
Có nhiều người hiểu kinh tế thị trường định hướng XHCN là xây dựng nền kinh tế thị trường nhưng vẫn tiến lên CNXH. Không phải thế! Xây dựng nền kinh tế thị trường luôn luôn sẵn sàng điều tiết để không chệch hướng ra khỏi CNXH mới đúng.
Rất nhiều người đả phá khía cạnh định hướng XHCN mà không biết rằng định hướng XHCN là những biểu hiện có độ đo hẳn hoi ngay trong chính giai đoạn hiện nay. Chúng ta biết là nhân loại đi từ nền kinh tế phát triển một cách tự nhiên đến nền kinh tế có điều tiết của Nhà nước. Vai trò của Nhà nước là giải quyết những mâu thuẫn xuất hiện trong quá trình vận hành của một nền kinh tế. Ví dụ, để giải quyết chênh lệch giàu nghèo hay các khủng hoảng khác thì Nhà nước buộc phải can thiệp vào, phải điều tiết, phải sử dụng vai trò của mình để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường.
Thí dụ, có một thời kỳ, thị trường chứng khoán trở thành nơi gọi vốn ồ ạt. Có nhiều doanh nghiệp mặc dù chưa có giá trị như người ta quảng cáo, nhưng vẫn được niêm yết, chào bán cổ phiếu. Tâm lý của thị trường là có người bán cổ phần thì lập tức người ta cứ mua cái đã và chủ yếu là mua sự lạ lẫm của khái niệm ấy. Rất nhiều nhà cửa đã được mang ra thế chấp để vay vốn ngân hàng mua cổ phiếu. Rõ ràng đấy là cơ hội để tư bản hóa. Tư bản hóa nhà, tư bản hóa tiền để dành, tư bản hóa nhiều thứ mà xã hội có. Ngay cả sổ đỏ, một thứ không hẳn là chứng chỉ sở hữu mà cũng được đem thế chấp. Tức là kể cả các đối tượng chưa chuyên nghiệp, chưa chính xác hay chưa đầy đủ về mặt định nghĩa sở hữu cũng được đem ra để tư bản hóa. Như vậy CNTB được xây dựng trên cơ sở những lực lượng không được kiểm soát bởi các quy định chặt chẽ. Hệ quả sau đó chúng ta đã thấy là một loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp không đủ chất lượng niêm yết đã làm cho thị trường chứng khoán sụt giảm. Trong những tình thế như vậy rất cần sự can thiệp của Nhà nước để vãn hồi trạng thái lộn xộn ở thị trường vốn.
CNTB thừa nhận các quyền vốn hóa của tất cả các chủ sở hữu hoặc tất cả các đối tượng sở hữu một cách tự nhiên, triệt để. Nhưng với những nguyên tắc của CNXH, quá trình tư bản hóa cần phải có sự điều chỉnh. Điều chỉnh được, làm chủ được tốc độ của quá trình tư bản hóa, hay nói cách khác là “dắt” chủ nghĩa tư bản đi theo tốc độ phù hợp mà không làm phá vỡ các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội chính là “kinh tế thị trường định hướng XHCN.”
Tất nhiên, chất lượng của CNXH và sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường là hai yếu tố không dễ điều hòa. Cho nên cần phải làm một cách từ tốn theo hướng thả dần cho các lực lượng tham gia vào thị trường một cách tự do hơn, tức là các tài sản dần dần được tư bản hóa một cách tự do hơn, còn vai trò của Nhà nước co lại một cách hợp lý hơn. Cần phải tiến hành cải cách để điều chỉnh một số yếu tố mang chất lượng động lực đối với sự phát triển như: Giảm bớt tỷ trọng kinh tế Nhà nước, xí nghiệp Nhà nước và tạo không gian cho khu vực tư nhân; Cần phải xác định rõ vai trò của Nhà nước, của thể chế kinh tế, xác định rõ hệ thống luật pháp và đặc biệt là chuyên nghiệp hóa các định nghĩa liên quan đến sở hữu. Chất lượng sở hữu là giấy thông hành cho các tài sản tham gia vào quá trình xây dựng thị trường, hay nói cách khác là tham gia vào quá trình tư bản hóa các tiềm năng kinh tế của Việt Nam.
Mở rộng khái niệm sở hữu cho phù hợp với đòi hỏi của thị trường là cải cách chính trị. Cải cách chính trị ấy làm nền tảng cho cải cách kinh tế. Việc đó giúp Việt Nam tham gia một cách rộng rãi vào các cộng đồng kinh tế tự do, các hiệp định kinh tế tự do và giúp kinh tế Việt Nam trở thành kinh tế thị trường.
Đại hội XIII cần thảo luận về vai trò, giá trị và không gian phát triển của kinh tế tư nhân
Như trên đã nói, có thời kỳ chúng ta cứng nhắc nên vô tình tạo ra sự kìm hãm đối với kinh tế thị trường. Thời kỳ Đại hội VIII, IX, X chúng ta cường điệu vai trò của khu vực Nhà nước, còn ở khu vực tư nhân, chúng ta chỉ coi các yếu tố đầu tư nước ngoài là quan trọng. Do đó, nền kinh tế của chúng ta trong một thời gian dài chỉ bao gồm một bên là Nhà nước và một bên là đầu tư nước ngoài. Thời kỳ đó chúng ta vẫn bị tư duy lưỡng cực cũ chi phối nên vẫn nhìn tư nhân là thành phần mâu thuẫn với CNXH. Nhưng thực tế đã chứng minh điều đó không đúng. Tư nhân làm phong phú chủ nghĩa xã hội, làm tăng cường sức sống và chất lượng của CNXH mới đúng. Tìm cách tạo ra sự chung sống giữa các khu vực, các bộ phận khác nhau của xã hội chính là một trong các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Rất đáng mừng là trong nhiều kỳ Đại hội, qua các cơ cấu quyền lực nhà nước của Đảng ta đã bám sát những đòi hỏi của thực tế, đòi hỏi của xã hội đối với sự phát triển và thực hiện đổi mới, cải cách trên nhiều phương diện để nền kinh tế thị trường có thể tồn tại và phát triển bên cạnh chủ nghĩa xã hội.
Cải cách, đổi mới là tạo cho xã hội những độ co giãn hợp lý để đáp ứng đòi hỏi phát triển. Quay lại thí dụ về kinh tư nhân, có thể thấy nó không mâu thuẫn với CNXH và sự lãnh đạo của Đảng. Khu vực tư nhân nếu biết sử dụng cẩn thận sẽ trở thành nền tảng xã hội của các quyết sách chính trị của Đảng. Cho nên, cần phải trao cho nó các quyền rõ ràng, các không gian điều kiện cụ thể để nó phát triển. Hay nói cách khác, nâng cao vai trò khu vực tư nhân là một quyết sách chính trị đúng đắn. Đến nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã nhận thức được rõ ràng điều này nên đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng vai trò của khu vực tư nhân lúc này cũng mới được nêu ở mức lý luận chung. Đại hội XIII cần phải thảo luận một cách rõ hơn xem khu vực tư nhân có vai trò gì, có giá trị đến đâu và tạo cho nó một không gian rộng tới mức nào là hợp lý để nó có thể phát triển mà vẫn có thể kiểm soát được những rủi ro phát sinh.
Đến đây có thể thấy rất rõ vai trò của “định hướng XHCN” bởi tất cả các lực lượng kinh tế đều phát sinh tiêu cực nếu nó không được định hướng, không được kiểm soát và tổ chức chặt chẽ. Chúng ta đã có kinh nghiệm sự thất bại của những khu vực kinh tế khác do không giám sát tốt. HậĐại hội XIII cần phải thảo luận một cách rõ hơn xem khu vực tư nhân có vai trò gì, có giá trị đến đâu và tạo cho nó một không gian rộng tới mức nào là hợp lý để nó có thể phát triển mà vẫn có thể kiểm soát được những rủi ro phát sinh. u quả của sai lầm ở khu vực tư nhân nếu có sẽ khủng khiếp hơn, nặng nề hơn và có thể dẫn Đảng ta đến những khó khăn chính trị toàn diện hơn. Báo chí vẫn hay nói đến những doanh nghiệp như những con khủng long to lớn xuất hiện một cách đột ngột trong nền kinh tế. Sự xuất hiện của những đối tượng như vậy làm người ta nghi ngờ tính có thật của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta biết phát triển là kết quả của đầu tư tiền vốn, đầu tư lực lượng, đầu tư nhân sự, đầu tư sự chú ý khoa học cũng như chính trị, cho nên việc xuất hiện các yếu tố khổng lồ một cách nhanh chóng như vậy cho thấy đã có một sự lôi kéo với tốc độ lớn các nguồn lực của nền kinh tế vào một số khu vực bằng cách thức không khách quan, không khoa học và có thể là không minh bạch. Hiện tượng ấy phản ánh tính tiêu cực nhiều mặt trong đời sống phát triển, đặc biệt mặt mà Đảng ta lo ngại nhất là tính minh bạch của sự phân bố các năng lượng xã hội cho các lực lượng, các nhóm lợi ích khác nhau.
Tính “định hướng XHCN” không chỉ thể hiện ở việc kiểm soát và điều chỉnh tốc độ phát triển của khu vực tư nhân mà còn thể hiện cả trong việc điều hành khu vực kinh tế Nhà nước. Những sai sót ở khu vực kinh tế Nhà nước vừa qua cũng cần được sửa chữa một cách cẩn thận. Cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng kể cả về số lượng và chất lượng trong khu vực này. Thí dụ, có thể phân công thêm người lãnh đạo về mặt đảng ở các tập đoàn kinh tế để thúc đẩy sự phục hồi sức mạnh của nó, đồng thời giảm bớt các quyền ưu tiên cho nó. Vốn liếng của nhà nước ngoài tiền bạc, tài nguyên còn có một khía cạnh không ai nói ra, đến bây giờ nói ra thì đã mất mát khá nhiều, đấy là thương quyền. Một vài nhóm lợi ích đen tối lợi dụng sơ hở của bộ máy Nhà nước đã bán thương quyền lấy tiền. Thương quyền gắn với tài nguyên đất đai có thể nhìn thấy rõ nhất. Ví dụ, thay đổi quyền sử dụng đất là một thương quyền. Thời gian qua chúng ta có những sơ hở trong quản lý để cho một số cá nhân và nhóm lợi ích kinh doanh thương quyền cho các mục tiêu vụ lợi, làm thất thoát một khối lượng lớn tài sản nhà nước./.
VOV.VN