Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) được các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn; góp phần thiết lập kỷ cương, bảo đảm an ninh, ổn định xã hội, phát triển kinh tế khu vực biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm túc các vụ việc vi phạm
Buổi tối trên tuyến đường kết nối với tỉnh lộ 841 tại xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, thỉnh thoảng lại xuất hiện từng tốp 2 đến 3 xe máy chạy với tốc độ cao, phía sau xe chằng buộc túi chứa hàng hóa, nhìn qua có thể đoán ngay là đựng thuốc lá. Thời điểm này, lợi dụng các đơn vị biên phòng đang căng mình phòng, chống dịch Covid-19 dọc biên giới, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép không hoạt động ồ ạt mà vận chuyển nhỏ lẻ để khi bị bắt giữ chưa đủ yếu tố để khởi tố.
Mới đây, cũng trên địa bàn xã Thường Lạc, tổ công tác của Đồn Biên phòng Cầu Muống (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đồng Tháp) đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch thì phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu nghi vấn. Thấy lực lượng chức năng, các đối tượng lợi dụng đêm tối, bỏ lại hàng hóa, chạy ngược về hướng biên giới, đồng thời tri hô, chửi bới, có hành vi cản trở lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Tổ công tác đã vây bắt được 3 đối tượng, thu giữ 1.980 bao thuốc lá không rõ nguồn gốc.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng thuộc BĐBP tỉnh đã phát hiện, xử lý 149 vụ việc vi phạm (phần lớn là vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm quy chế biên giới), xử phạt VPHC 136 vụ với 217 đối tượng. Các quyết định xử phạt VPHC đều đúng quy định của pháp luật.
Các đối tượng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang. |
Tại khu vực biên giới (cả trên đất liền và trên biển) của tỉnh Kiên Giang, nơi được nhận định là môi trường rất thuận lợi cho đối tượng tội phạm và các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hoạt động, tình hình VPHC còn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu trên 3 lĩnh vực: Khai thác thủy sản trái phép; buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng cấm; xuất, nhập cảnh không đúng quy định. Các cơ quan chức năng thuộc BĐBP tỉnh Kiên Giang đã xử lý hơn 100 vụ vi phạm, xử phạt hơn 60 đối tượng; hoàn chỉnh hồ sơ, chuyển giao cho công an các địa phương trong tỉnh khởi tố hai vụ án hình sự liên quan đến vận chuyển thuốc lá trái phép. Theo lãnh đạo BĐBP tỉnh Kiên Giang, BĐBP tỉnh đã tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đấu tranh phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới; làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. BĐBP Kiên Giang duy trì tham gia họp đối ngoại các cấp và tuần tra song phương với lực lượng Cảnh sát bảo vệ biên giới Campuchia; cùng phía bạn hướng dẫn, thúc đẩy các cặp xã, phường, ấp-phum của ta và Campuchia tổ chức ký kết nghĩa hai bên biên giới... Qua đó góp phần phòng, chống vi phạm và tội phạm hiệu quả.
Trên vùng biển, từ đầu năm đến nay, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, xử lý VPHC 72 vụ với 78 phương tiện; ban hành 109 quyết định xử phạt VPHC, trong đó phần lớn liên quan đến vi phạm về an toàn hàng hải. Công tác xử lý VPHC được thực hiện nghiêm túc, 100% quyết định xử phạt VPHC được thi hành đầy đủ, công khai, nhanh chóng, dứt điểm, không có vụ việc xử lý nào bị khiếu nại, tố cáo. Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Trong thực hiện nhiệm vụ, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn như: Công an, Bộ đội Biên phòng, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư... qua đó kịp thời xử lý các tình huống xảy ra trên biển và địa bàn quản lý.
Những bất cập cần được tháo gỡ
Đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết: Qua triển khai, thực hiện Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác xử phạt VPHC của BĐBP tỉnh từng bước đi vào nền nếp, các sự việc xảy ra được phát hiện và xử lý kịp thời; trình tự, thủ tục xử phạt bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại các đơn vị, chúng tôi được biết công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC hiện nay cũng còn gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ. Đại tá Nguyễn Thế Anh dẫn chứng: Theo Luật Xử lý VPHC, thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị là không quá 24 giờ, tổng cộng tối đa cũng chỉ được 48 giờ. Trên thực tế, quy định về thời gian này chưa phù hợp vì việc thành lập hội đồng định giá, tổ chức định giá đối với những vụ vi phạm mà tang vật là hàng hóa nhập lậu có giá trị, đặc biệt ở các khu vực biên giới, biển, đảo rất khó khăn. Hơn nữa, có nhiều vụ vi phạm, tang vật gồm nhiều chủng loại hàng hóa, hàng phức tạp, khó xác định giá... dẫn đến việc ra quyết định xử phạt VPHC không chính xác, không đúng thẩm quyền.
Liên quan đến Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực thủy sản, các đơn vị biên phòng của 3 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp cũng đang gặp nhiều lúng túng. Bởi các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản (vi phạm quy định về sản xuất, nhập khẩu, mua bán thức ăn thủy sản; vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản; vi phạm quy định về thu gom, sơ chế, lưu giữ, vận chuyển thủy sản...), trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng biên phòng thường xuyên, trực tiếp phát hiện rất nhiều vụ việc nhưng Nghị định số 42/2019/NĐ-CP lại không quy định thẩm quyền xử phạt cho BĐBP.
Một trong những khó khăn trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC của Vùng Cảnh sát biển 4 là các mặt bảo đảm cho xử lý VPHC, nhất là những vụ việc phức tạp, số lượng hàng hóa lớn, có yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn do đơn vị chưa có nhà tạm giữ, buồng tạm giữ theo thủ tục hành chính; việc nắm thông tin, lập hồ sơ ban đầu trên biển đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài còn gặp trở ngại vì cán bộ, chiến sĩ hạn chế về ngoại ngữ.
Trong chuyến kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC tại Vùng Cảnh sát biển 4 và BĐBP tỉnh Kiên Giang mới đây, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt đầy đủ các nghị quyết, văn bản pháp luật về xử lý VPHC; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các cơ quan tư pháp trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ trong thực thi nhiệm vụ; rà soát lại văn bản của các cấp, ngành có liên quan đến công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC để có kiến nghị phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
HỒNG ĐĂNG/QDND.VN