Những 'tương lai' trôi theo dòng nước bạc

Thứ 7, 07.11.2020 | 15:16:51
439 lượt xem

Bà Tỏa rầu rĩ. Cái Tết sắp tới của mẹ con bà vừa trôi theo dòng nước lũ.

Sáu tháng trước, bà dồn tiền mua một con heo con. Dựng cái chuồng tre, mấy thanh ván gỗ, hàng ngày, bà đi mò cua bắt ốc, cắt rau, xin cám về nấu cho heo ăn. "Hy vọng có đôi đồng cho cái Tết", bà Tỏa kể. Nửa năm chăm bẵm, con heo được 60 kg, bà mừng lắm. Nhưng tuần trước, nó theo dòng nước bạc mà trôi mất, chuồng heo cũng sập.

Trận lũ thứ tư trong 22 ngày đầu tháng 10 khiến bà Lê Thị Toả, 75 tuổi, ở xóm Nam Áng, thôn Nguyệt Áng, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình và đứa con khuyết tật gần như không còn gì. Ba cái can nhựa đựng nước, năm cây phi lao và ba cây bạch đàn, hai cái giường gỗ xiêu vẹo là tài sản của mẹ con bà sau cơn lũ. "Mất heo rồi, giờ mẹ con tôi không còn tương lai nữa", bà Toả nói.

Thực ra, trước đợt lũ kỷ lục, cái tương lai ấy cũng không khá hơn là bao. Nó gồm có: năm cây phi lao, ba cây bạch đàn, con heo 60 kg, 7 cái can đựng nước, một ti vi nát, một bếp gas cũ, hai cái giường gỗ cũ 1,4 x 1,6 mét, một bộ bàn ghế cũ và cái quạt điện cũ, mấy cái nồi và chén bát.

Căn nhà hai gian được xây chắp nối, đính vào một gian bếp tuềnh toàng, trống hoác đang bốc lên mùi thum thủm của sình lầy. Hai mẹ con bà Tỏa phải ở nhờ nhà hàng xóm hơn ba tuần nay. Con gái bà, Từ Thị Dinh, 39 tuổi, đang nằm giữa những bao thóc trong gian nhà kho của hàng xóm. Cô bị ảnh hưởng chất độc da cam, câm điếc bẩm sinh, sống phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ.

Mẹ con bà Tỏa ở nhờ nhà hàng xóm gần một tháng vì cơn lũ. Ảnh: Hoàng Táo.

Mẹ con bà Tỏa ở nhờ nhà hàng xóm gần một tháng vì cơn lũ. Ảnh: Hoàng Táo.

Năm 2001, người chồng từng vào sinh ra tử ở chiến trường Quảng Trị bòn mót xây một gian nhà nhỏ nền đất cho gia đình ba người. Vì không có tiền mua đất, ngôi nhà của bà Toả nằm ở cuối xóm, trên khu thấp nhất, xung quanh là ruộng nên thường là nạn nhân đầu tiên của những trận lũ dữ.

Người chồng thương binh mất năm 2009, hai mẹ con đồng thời mất chỗ nương tựa và cả nguồn thu nhập chính từ lương bệnh binh. Tổng chi tiêu của mẹ con bà Tỏa mỗi tháng giờ đây là 1,6 triệu đồng, từ tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam của con gái. "Đói no gì cũng chỉ dựa vào khoản này, chia ra mà ăn cho đủ cả tháng", bà Toả nói. Tức là mỗi ngày, tất tật nhu cầu được gói trong 53 nghìn đồng.

Bà Tỏa vì thế mới xoay xở bằng việc "đầu tư" vào con lợn và 11 cái cây trước nhà. Một cây phi lao có thể bán được 200 nghìn đồng "để mua thức ăn", bà bảo. Ấy vậy mà, cơn lũ vừa rồi cuốn trôi cánh cửa chính ngôi nhà, khiến toàn bộ tài sản, đồ dùng trong nhà đi sạch. May thay, người ta phát hiện một chiếc giường của bà trôi dạt gần nhà nên kéo về giúp.

Năm ngoái bã đã bán mất ba cây phi lao. Giờ đây, 8 cái cây chưa bị lũ cuốn là tài sản quý nhất của mẹ con bà.

Cách nhà bà Tỏa khoảng 200 km, ba mẹ con chị Nguyễn Thị Tình (thôn Văn Minh, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cũng vừa tạm biệt "cái Tết". Sáu sào ruộng là nguồn thu chính của gia đình, khéo tính toán mới đủ gạo ăn cho cả năm, không còn thêm khoản tích lũy nào. Nhưng tài sản lớn nhất trong nhà, 1,5 tấn lúa đã hỏng vì bị ngâm nước. Lúa thu hoạch xong bán được 70.000 đồng một yến. Túng thiếu lắm, người mẹ mới dám xúc vài yến lúa đem bán. Đợt này, 1,5 tấn vừa thu hoạch xong hồi tháng 9 bị ngâm nước, nếu vớt vát phơi lại được, giá bán chỉ còn một nửa. Thương lái chỉ mua về cho gia súc, gia cầm ăn. Lúc khiêng từng bì lúa ướt ra phơi, chị tiếc của, khóc một mình, tránh để con thấy.

Căn nhà sau lũ của mẹ con chị Tình. Ảnh: Đức Hùng.

Căn nhà sau lũ của mẹ con chị Tình. Ảnh: Đức Hùng

Trong căn nhà cấp bốn, mái tranh, có thể nhìn xuyên thấu lên trời xanh chừng 40 m2 của ba mẹ con chị Tình , ti vi, tủ lạnh, bàn ghế không có. Tài sản đáng giá nhất là chiếc tủ gỗ bị ngâm nước nhiều ngày đã mục nát và những bao thóc ướt.

Chồng mất 7 năm trước, chị Tình, 36 tuổi, làm đủ nghề để nuôi hai con trai 7 và 13 tuổi. Hàng ngày, chị rửa bát thuê cho nhà hàng từ bốn giờ sáng đến một giờ trưa. Tiền công dành chi tiêu dè sẻn, bữa cơm của ba mẹ con nhiều hôm chỉ là rau và canh, thỉnh thoảng chị mới dám trích 30.000 đồng mua con cá, lạng thịt về cải thiện. Nhiều đêm, chị thức đến sáng. "Tôi từng tính đi nước ngoài xuất khẩu lao động để kiếm nhiều tiền hơn rồi lại thôi", chị Tình nói, "hai con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, nếu vắng mẹ sẽ không ai dạy bảo". Chị đang tìm thêm việc ngoài rửa bát ở nhà hàng.

Trận lũ vừa rồi, ngoài làm hỏng lúa và chiếc xe máy cà tàng. Sách vở của của hai cậu con trai, Tân lớp 8 và Khang lớp 6 cũng bị hỏng. Biết chị không có tiền sắm lại sách vở cho con, hàng xóm đã cho sách cũ, một số người cho gạo nên chưa phải đi vay.

Bên dòng Đăkrông ở Quảng Trị, trong ngôi nhà mái tôn đã thủng lỗ chỗ, ngửa đôi bàn tay trắng, người phụ nữ Vân Kiều "không biết bắt đầu lại cuộc sống từ mô".

Bà Hồ Thị Thương, 45 tuổi, là lao động chính trong hộ 7 miệng ăn ở thôn A Luông, xã A Bung, huyện Đăkrông, Quảng Trị. Chồng bà bị tai biến gần 10 năm nay, điếc đặc, đi lại khó khăn, gần như không thể làm gì. Hai vợ chồng bà ở chung với người con gái và bốn đứa cháu đang đi học.

"Cá trắm giờ cũng được hai cân mỗi con, giá 70 đến 80 nghìn một cân rồi", bà Thương tưởng tượng về lũ cá đã mất. Chiếc ao cá chứa đầy hy vọng của gia đình bị lũ cuốn mất một góc, để lại chút bùn nhão nhoét. Bà Thương chỉ vũng bùn, bấm đốt ngón tay, nhẩm tính đã thả xuống ao 700 con cá trắm, 200 cá chép và 100 con cá rô giống. Suốt mấy tháng, bà cần mẫn cắt cỏ thả cho cá ăn, khấp khởi chờ dịp cuối năm bán cá lấy tiền sắm quần áo Tết cho bốn đứa cháu.

Nếu lũ không về thì nhà bà Thương cũng không quá nghèo nhờ có ao cá, ruộng lúa và con bò hai tuổi. Mảnh ruộng sau nhà mỗi vụ cho thu hoạch 17 bao lúa loại 50 kg, nuôi sống gia đình 7 người trong nửa năm. Mỗi năm hai vụ, nhờ thế mà bà Thương nuôi nổi cả nhà.

Và rồi, rạng sáng ngày 8/10, nước sông Đăkrông bỗng dâng cuồn cuộn, cuốn cả ao cá Tết, ruộng lúa 6 tháng chuẩn bị thu hoạch cùng con bò hai tuổi bà Thương thả bên bãi cỏ sát sông.

Bà Thương bên ao cá và ruộng rau đã mất, phía sau là ngôi nhà của 7 người trong gia đình. Ảnh: Hoàng Táo.

Bà Thương bên ao cá và ruộng rau đã mất, phía sau là ngôi nhà của 7 người trong gia đình. Ảnh: Hoàng Táo.

Gần 20 ngày sau trận lũ, bà Thương vẫn ngồi bần thần đếm tổng thiệt hại: gạo ăn nửa năm, ao cá, con bò, ruộng lúa, một hàng rào lưới B40, 200 mét ống nước để kéo nước từ suối về hồ cá, 13 con vịt, 11 con gà, 2 tấm tôn lợp nhà. Rồi bà tự hỏi, "răng rứa mà sông đang chảy cách xa bên kia, giờ nó cuốn sạch ruộng vườn, ao cá rồi chảy sát vào nhà mẹ?".

Thực ra, với những hộ như bà Tỏa, chị Tình, bà Thương, chẳng phải lũ đến thì mới nghèo, chỉ là bị thêm cơn lũ nên càng nghèo hơn. Mô hình hộ gia đình một người là lao động chính, công việc thất thường, các thành viên còn lại gần như hoàn toàn phụ thuộc, thiếu tư liệu sản xuất, không có tích lũy, trông chờ vào các khoản trợ giúp từ chính quyền xã hoặc cộng đồng từ lâu vẫn được coi như mô hình nghèo toàn diện và bền vững. Chỉ có điều, sau mỗi cú sốc thiên tai, những tài sản nhỏ bé mà họ đã gom góp, tích cóp nhiều ngày với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt hơn lại bị cướp mất, vô phương kháng cự.

Bà Tỏa bảo, cái quạt điện cũ bị trôi rồi, cũng may từ giờ không cần bật quạt, đỡ tốn tiền điện. "Tại cánh cửa bị nước lũ đánh tan", nước kéo bàn ghế, bếp gas, xoong nồi, cái giường và cái quạt đi mất. Mỗi tháng hai mẹ con được hỗ trợ 49 nghìn tiền điện. Bà phải tính sao cho tiền điện không được quá số này. Ấy thế mà tháng cao điểm mùa hè vừa rồi, hóa đơn lên đến những 54 nghìn đồng, bà phải bù 6 nghìn đồng. "Chỉ tại nhìn con nóng quá nên phải bật quạt", bà Toả kể. Sáu nghìn đồng mua đủ rau ăn dè sẻn được mấy ngày. Mỗi khi đi chợ, bà chỉ dám mua chục nghìn thức ăn cho ba đến bốn ngày.

Nhà bà không bắt nước sạch vì không có tiền trả, bà xây một cái bể nhỏ rồi trữ nước mưa dùng dần vào mùa hè. Những khi thiếu nước, bà xách can sang hàng xóm xin, về chỉ dùng cho ăn uống, còn tắm giặt sử dụng nước giếng. Thế mà, bốn cái can nhựa để đựng nước bị cơn lũ vừa qua quét mất, chỉ còn lại ba cái.

"Thời tiết ở đây khắc nghiệt, lại ở ngã ba sông nên năm nào cũng ngập, chỉ là ngập ít hay nhiều", ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh của bà Tỏa cho hay. Toàn xã có 1.870 hộ với 6.000 nhân khẩu đều bị chìm trong biển nước từ một đến ba mét trong đợt lũ tháng 10 vừa qua. Kèm với đó là 2.000 tấn lương thực, nhiều gia súc, gia cầm, tài sản trong nhà bị cuốn trôi, hư hỏng. Người dân chỉ độc canh được cây lúa, mỗi năm hai vụ. Phần lớn lúa gạo của dân bị ướt nên họ rất cần cái ăn trong 6 tháng tới, đợi đến khi thu hoạch vụ mùa mới.

Ở xã Tân Lâm Hương của chị Tình, hơn 1.500 ngôi nhà bị ngập nước từ nửa mét tới hai mét. Lũ rút, mỗi gia đình bị ướt từ một đến ba tấn lúa. Tân Lâm Hương có diện tích 20,5 km2, với hơn 17.000 dân, là vùng trung du của huyện Thạch Hà, ngoài làm nông nghiệp, người dân còn có nghề đi làm thuê theo thời vụ như phụ hồ, buôn bán nhỏ lẻ. Thu nhập bình quân của người dân trong xã khoảng 2,7 triệu đồng một tháng. Chị Tình đi làm thuê được 2,5 triệu đồng mỗi tháng, vẫn chưa đạt mức thu nhập bình quân của xã.

"Kinh tế chủ lực là sắn và ngô", ông Lê Quang Thạch, Chủ tịch UBND xã A Bung nói. Mưa lũ tháng 10 khiến A Bung mất 6,41 hecta ngô, sắn, chuối, lúa nước, ruộng bị vùi lấp, nhiều bò, dê, lợn bị cuốn trôi. Đây là thống kê chưa đầy đủ, vì nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đang hiện hữu nên người dân chưa dám lên nương rẫy kiểm tra thiệt hại. Năm nay, sắn được mùa, được giá, nhưng tháng 10 đến vụ thu hoạch thì thiên tai triền miên, sạt lở đường, sập cầu cống, xe ô tô tải không vào xã thu mua được. Sắn bị ứ nước mà hư hại dần. Nhiều người đã ngậm ngùi đổ sắn đi.

Dân số xã A Bung và A Ngo chủ yếu là người Pa Kô, Vân Kiều, kinh tế đơn sơ, lạc hậu. Hàng năm, hai xã này vẫn phải nhận gạo cứu đói lúc giáp hạt. Theo báo cáo, xã A Ngo có 130 con trâu, 78 con bò, 930 con dê, 7.430 con gà, vịt, 23 ha lúa nước, 110 ha lúa rẫy, 26 ha sắn và 10 ha rau. Trước lũ, bà con trong xã gần như mất trắng 7 hecta lúa do hạn hán, sau lũ thì gần như mất sạch.

"Sau lũ, người dân cần nhất vẫn là giống cây trồng, con giống", chủ tịch xã nêu điều kiện để bà con tái thiết cuộc sống. Bên cạnh đó, lũ làm sập nhà cửa, chuồng gia súc và hư hại đường sá vào xã khiến việc đi học, đi làm, bán nông sản của bà con rất khó khăn.

Vì hy vọng vào cuộc sống, mong ước mình và người thân, cộng đồng được an toàn là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người, Quỹ Hy vọng, VnExpress đặt mục tiêu hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, sạt lở phần nào khôi phục giáo dục, sinh kế, tái thiết hạ tầng sau đợt thiên tai lớn của năm 2020.

Với sứ mệnh cải thiện giáo dục và hạ tầng vùng khó khăn, hỗ trợ nhân ái tập trung vào nhóm yếu thế và tạo động lực phát triển, Quỹ Hy vọng tin rằng cần nhiều hơn sự kết nối để tạo nên đổi thay.

Sau chuyến trao quà cứu trợ khẩn cấp đầu tiên tại Thừa Thiên Huế, chuyến trao quà thứ hai của Quỹ đã đến với bà con dân tộc và các hộ nghèo, bị thiệt hại nặng bởi lũ lụt tại bảy xã của ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình. Chương trình Chung tay vì miền Trung của Quỹ mong muốn mang sự chia sẻ của độc giả, các doanh nghiệp đến với người dân các tỉnh miền Trung trong giai đoạn tái thiết sau lũ.

Tính đến hết ngày 2/11, Quỹ Hy vọng đã nhận được số tiền 4.601.114.773 đồng từ 3.544 lượt đóng góp của bạn đọc VnExpress. Ngoài ra còn có sự đồng hành của các doanh nghiệp.

Mọi đóng góp của bạn và thông tin về hoạt động của Quỹ được cập nhật trên website Quỹ Hy vọng và báo VnExpress.


Hoàng Táo - Đức Hùng/vnexpress.net

https://vnexpress.net/nhung-tuong-lai-troi-theo-dong-nuoc-bac-4186967.html

  • Từ khóa