“Tự chủ đại học luôn có độ “vênh” giữa tự chủ trên giấy tờ và thực tế triển khai. Nhà trường nhìn một kiểu, cơ quan Nhà nước nhìn một kiểu, bộ chủ quản nhìn một kiểu”- TS Phạm Hiệp nhấn mạnh.
TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu (Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia) đã dành cho phóng viên VOV2 cuộc trao đổi liên quan đến tự chủ đại học của nước ta hiện nay.
PV: Thưa TS Phạm Hiệp, chúng ta đang đẩy mạnh tự chủ Đại học. Song những lùm xùm liên quan đến trường đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng nó cho thấy vấn đề gì về tự chủ ĐH hiện nay?
TS Phạm Hiệp: Tôi nghĩ có độ vênh giữa tự chủ trên giấy tờ và tự chủ trên thực tế. Các nghiên cứu mà nhóm chúng tôi tiến hành cùng với Ngân hàng thế giới và Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ ra rồi, luôn luôn có khoảng cách giữa trên giấy tờ và thực tế triển khai. Nhà trường nhìn một kiểu, các cơ quan nhà nước nhìn một kiểu, Bộ chủ quản nhìn một kiểu. Ví dụ, câu chuyện tự bổ nhiệm giáo sư của trường ĐH Tôn Đức Thắng cách đây vài năm, họ nói rằng việc giao cho trường tự chủ là căn cứ để họ tự bổ nhiệm giáo sư. Nhưng điều này có đúng và họ được làm việc đấy hay không? Và nếu họ không được làm mà tự phá rào có phù hợp với xu thế của thế giới hay không?
PV: Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có đưa ra quan điểm tại một hội nghị ngành giáo dục, đó là cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của nhà trường, ông nghĩ sao về quan điểm này của Phó Thủ tướng?
TS Phạm Hiệp: Từ góc độ nghiên cứu, tôi ủng hộ hoàn toàn chỉ đạo của Phó Thủ tướng vì nó cũng phù hợp với xu thế thế giới. Cơ quan chủ quan chỉ nên can thiệp vào nhà trường thông qua Hội đồng trường. Cơ quan chủ quản bổ nhiệm nhân sự đại diện cơ quan chủ quản vào Hội đồng và nhân sự đại diện cho cơ quan chủ quản này sẽ cùng thảo luận với các thành viên khác của hội đồng về chiến lược phát triển cũng như các vấn đề khác của nhà trường. Chứ bộ chủ quản không nên can thiệp vào công việc hành chính của nhà trường.
"Việt Nam nên đặt ra lộ trình để sớm bỏ cơ quan chủ quản trường đại học"- TS Phạm Hiệp
PV: Vậy theo TS, rào cản lớn nhất trong mối quan hệ giữa một trường ĐH có mức độ tự chủ cao với cơ quan chủ quản là gì?
TS Phạm Hiệp: Theo quan sát của tôi, chủ yếu liên quan đến công tác tổ chức nhân sự. Theo thông lệ quốc tế, Hội đồng trường mới là cơ quan bổ nhiệm Hiệu trưởng nhưng trên thực tế thì hầu hết các trường ĐH nước ta hiện nay vẫn theo thông lệ cũ là cơ quan chủ quản bổ nhiệm Hiệu trưởng. Thực ra, chúng ta đã có lộ trình bỏ cơ quan chủ quản và chỉ còn quản lý Nhà nước về ngành thôi. Rất tiếc lộ trình này không được triển khai đúng tốc độ được đề ra.
Tôi nhớ, lộ trình bỏ cơ quan chủ quan đã được đề ra từ trước khi luật giáo dục đại học 2012, tức là đã hơn 10 năm rồi nhưng mà hiện nay vẫn lùng nhùng và đến bây giờ thì giậm chân tại chỗ. Chừng nào còn cơ quan chủ quản thì tôi nghĩ những rắc rối sẽ vẫn còn. Bởi vì đã là cơ quan chủ quản thì vẫn quản lý theo lề lỗi cũ, trường đại học là một thực thể phụ thuộc vào cơ quan chủ quản. Còn theo cách tiếp cận mới thì trường đại học là một pháp nhân độc lập hoạt động theo quy định của pháp luật. Còn có thể là trường ĐH đó về mặt chuyên ngành nó phù hợp với bộ ngành nào thì bộ ngành đó có thể hỗ trợ về mặt tài chính, chuyên môn thì là câu chuyện khác. Tôi nghĩ, Việt Nam nên đặt ra lộ trình để sớm bỏ cơ quan chủ quản.
PV: Ông có mong, từ vụ việc trường ĐH Tôn Đức Thắng, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào câu chuyện tự chủ Đại học để việc tự chủ không còn nằm trên giấy tờ?
TS Phạm Hiệp: Tôi nghĩ, xét ở góc độ nào đó, ĐH Tôn Đức Thắng có những vai trò nhất định trong tiến trình nâng cao tự chủ trong giáo dục đại học của Việt Nam. Bởi vì họ đã hành động và đã làm, họ đã có những bước chân vào “vùng sáng”. Cho nên, trong xu thế đổi mới, chúng ta cần có đánh giá công bằng, khách quan. Có những thứ chúng ta nhìn vào khung pháp lý nhưng cũng có chỗ khung pháp lý nằm ở “vùng xám”, nói đúng cũng được mà nói sai cũng được thì chúng ta nên nhìn vào việc cái đó có phù hợp với thông lệ quốc tế không? Có tốt cho sự nghiệp giáo dục chung hay không?
Do vậy, tôi kỳ vọng Chính phủ có những đánh giá thực sự tổng hợp, khách quan, công bằng không chỉ về trường đại học Tôn Đức Thắng mà 23 trường đại học đang được tạo cơ chế tự chủ khác.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bá Duy/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/tu-chu-dai-hoc-tren-giay-va-trong-thuc-tien-khi-nao-moi-het-venh-815954.vov