Liên kết Việt lừa đào hàng vạn người, cơ quan chức năng vô can?

Thứ 7, 26.12.2020 | 09:16:05
453 lượt xem

heo ý kiến của luật sư Cường, lý do đa cấp mọc lên như “nấm sau mưa”, ngoài sự thiếu hiểu biết của người dân thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa được làm tròn.

Những ngày qua, vụ việc TAND TP Hà Nội đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt) ra xét xử thu hút được sự chú ý, quan tâm của dư luận.

Bị cáo Lê Xuân Giang-Chủ tịch HĐQT Liên Kết Việt tại phiên xử sơ thẩm

Bị cáo Lê Xuân Giang-Chủ tịch HĐQT Liên Kết Việt tại phiên xử sơ thẩm

Điều đáng chú ý, tại phiên tòa này, có 500/6000 bị hại, được tòa triệu tập là người có trách nhiệm liên quan đã đến theo dõi phiên tòa. Và 500 bị hại này chỉ là con số rất nhỏ trong tổng số 68.000 bị hại tại 49 tỉnh thành bị lôi kéo vào mạng lưới đa cấp biến tướng này. Họ đến tòa, ngoài một phần trách nhiệm liên quan, còn nuôi hy vọng sẽ lấy số tài sản bị lừa trước đó. Theo cơ quan công tố, tổng số tiền các bị cáo đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là hơn 1.121 tỷ đồng.

Vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay, bị hại lên đến 68.000 người

Theo ý kiến đánh giá của những người có mặt tại phiên tòa, có thể nói rằng, đây là vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản này lớn nhất từ trước đến nay, nó đồng thời lập mấy kỷ lục. Thứ nhất, đây là vụ án có số lượng người bị hại lớn nhất, với hơn 68.000 người. Thứ hai, số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt tương đối nhiều, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Thứ ba, thời gian điều tra vụ án tương đối dài, việc xét xử án phức tạp, liên quan đến nhiều bị hại, nhiều người liên quan, các phương thức thủ đoạn. Đặc biệt, làm thế nào để người bị hại khắc phục được một phần thiệt hại của mình là thu hồi lại tài sản đã mất.

Có mặt tại phiên tòa, sáng 21/12, nhiều bị hại không giấu được sự bức xúc, có người nói rằng, mình mất sạch tài sản, tuổi đã già mà mảnh đất “cắm dùi” không có. Người thì bị chồng, con bỏ không biết bấu víu vào đâu. Cuộc sống từ người có chút ít của cải vật chất do dành dụm mà có thì nay thành ra trắng tay tại chính quê hương mình.

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 7 bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Liên Kết Việt, chiều 25/12, TAND Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Lê Xuân Giang (chủ tịch HĐQT) tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng phạm với Giang, bị cáo Lê Văn Tú (SN 1985) - cựu Tổng giám đốc bị tuyên 17 năm tù giam; Nguyễn Thị Thủy (SN 1970) - cựu Phó Tổng giám đốc bị tuyên 18 năm tù giam.

Theo ý kiến luật sư Đặng Văn Cường, trưởng đại diện văn phòng luật sư Chính pháp, đoàn luật sư Hà Nội, mức án này hoàn toàn phù hợp, không bất ngờ. Bởi, vụ án này đang bị xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại khoản 4 của điều này, đối tượng lừa đảo với số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên sẽ đối mặt từ 12 năm đến 20 năm tù giam hoặc phạt tù chung thân. Nguyên tắc xử lý là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố, chống đối sẽ bị áp dụng mức án cao nhất.

Trước câu hỏi, người bị hại làm thế nào để lấy lại được số tiền của mình, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ hội để lấy tài sản sẽ không đáp ứng tất cả nhu cầu của người bị hại. Bởi, đối với số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm được một cách dễ dàng như vậy, thì các đối tượng sẽ có những phương thức, thủ đoạn rất nhanh để tẩu tán, rửa tiền và tránh sự truy tìm của các cơ quan chức năng.

Hơn 500 bị hại đến phiên tòa xét xử Liên Kết việt. 

Hơn 500 bị hại đến phiên tòa xét xử Liên Kết việt. 

Chính vì vậy, đối với số tiền 1.121 tỷ đồng này, các bị hại phải theo dõi, đã được cơ quan điều tra thu giữ hay chưa? Hiện đang thể hiện dạng như thế nào?, bất động sản, tài khoản ngân hàng, hay tiền mặt?.... Trên cơ sở sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị hại phải yêu cầu cơ quan chức năng thi hành án đối với số tiền đó, để lấy lại tài sản của mình.

10 năm biến tướng đa cấp ở Việt Nam

Hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đa cấp không chỉ ở thành phố lớn mà đang len, lỏi về đến các vùng nông thôn. Qua theo dõi quá trình hoạt động đa cấp khoảng hơn 10 năm nay ở Việt Nam, luật sư Cường nhận thấy một điều, khoảng những năm 2000, các đối tượng đa cấp thường nhằm vào học sinh, sinh viên để lôi kéo. Sau đó, là người thất nghiệp, người già. Đến bây giờ là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và người dân ở vùng nông thôn.

Theo ý kiến của luật sư Cường, lý do đa cấp mọc lên như “nấm sau mưa”, ngoài sự thiếu hiểu biết của người dân thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa được làm tròn. Thực tiễn, cho thấy nhiều địa phương đã cho mượn hội trường, trụ sở cơ quan của mình cho các công ty đa cấp lừa đảo.

Cùng với đó, hệ thống văn bản luật của chúng ta chưa đầy đủ, hoàn thiện, chưa gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị. Khi có hoạt động lừa đảo, đa cấp xảy ra ở địa phương, chúng ta chưa xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cũng như là người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn có liên quan đến lĩnh vực đó.

“Một đặc điểm nữa, hoạt động đa cấp có một khoản thu nhập khủng khiếp, lấy tiền của người sau chia cho người trước. Thực tế, nó không mang lại giá trị xã hội và số tiền sau khi được chia còn giữ lại rất nhiều. Và số tiền đấy họ sẵn sàng dùng để thực hiện các hoạt động bôi trơn, hoạt động trái pháp luật để che giấu hành vi phạm tội. Vì vậy, nguy cơ sự thỏa hiệp buông lỏng là có. Tôi nghĩ trong việc này thì phải tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền với người dân thì chúng ta mới giải quyết được”- luật sư Cường nói.

Văn bản pháp lý chưa chặt chẽ

Luật sư Cường thông tin thêm, hiện nay chúng ta đang áp dụng các quy định của pháp luật. Trong đó, văn bản mới nhất là Nghị định số 40 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trước đó, chúng ta có một số Nghị định như, Nghị định số 42 năm 2014 và Nghị định số 110 năm 2005 về hoạt động kinh doanh đa cấp. Những hoạt động này, đang được quản lý trên cơ sở các nghị định của Chính phủ, Thông tư của bộ ngành. Tuy nhiên, theo luật sư Cường, các công cụ pháp lý đó vẫn chưa đủ mạnh, cũng như chưa rõ ràng, chưa gắn trách nhiệm đối với từng địa phương và từng cơ quan.

Luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư Đặng Văn Cường

Mặt khác, theo luật sư Cường, ngoài việc quy trách nhiệm các cơ quan chức năng, chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh. Theo đó, với tất cả những doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh đa cấp mà thực hiện theo kiểu đa cấp thì phải xem xét, làm rõ, và xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn đối với các doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp thì phải gắn trách nhiệm kiểm tra, hậu kiểm.

“Có mấy nội dung cần phải kiểm tra, đó là phải đăng ký loại hàng hóa mà kinh doanh đa cấp  hàng hóa gì; hàng hóa đó có chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc, công dụng có rõ ràng không?”- luật sư Cường nói.

Luật hiện nay chúng ta quy định là phải niêm yết giá bán, nhưng thực tế, các đối tượng lừa đảo chỉ thông báo hình thức bán hàng, thậm chí là bán bất động sản nhưng không giao hàng. Còn người mua thì chỉ hướng đến việc tìm kiếm lợi nhuận từ những người sau đó mà không quan tâm đến công dụng, giá trị của hàng hóa.

Cho nên việc bán hàng hóa không đúng với đăng ký, hoặc không đúng với giá đăng ký thì phải xử lý ngay, nghiêm và có thể tăng các hình thức, chế tài xử phạt hành chính như rút giấy phép, thậm chí phạt tiền với mức rất lớn. Nếu chỉ phạt vài chục triệu đồng, so với hoạt động, hành vi vi phạm thì không đáng gì so với thu nhập bất chính mà các đối tượng đã rút ra thu nhập được./.


Nguyễn Hiền/VOV.VN

https://vov.vn/phap-luat/lien-ket-viet-lua-dao-hang-van-nguoi-co-quan-chuc-nang-vo-can-826604.vov

  • Từ khóa