Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trong Bộ Quốc phòng

Thứ 2, 18.01.2021 | 08:20:59
789 lượt xem

Năm 2021 được coi là năm bản lề cho sự đổi mới và phát triển đất nước, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, đặt nền móng cho sự phát triển các giai đoạn tiếp theo.

Cuộc Tổng điều tra kinh tế (ĐTKT) và Điều tra cơ sở hành chính (CSHC) năm 2021 theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng năm 2021 của đất nước và là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thống kê; giúp Đảng, Nhà nước có được bức tranh tổng thể về KT-XH đất nước; nắm được đầy đủ số lượng các cơ sở hành chính, để từ đó định vị được từng địa phương, lĩnh vực trong quá trình phát triển; xác định rõ tiềm năng, lợi thế cần khai thác; rào cản, thách thức cần phải vượt qua để từ đó hoạch định và đưa ra những quyết sách, chỉ đạo, điều hành đúng đắn, phù hợp, giúp đất nước ngày càng phát triển.

Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trong Bộ Quốc phòng

Ban chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Quốc phòng họp triển khai nhiệm vụ. Ảnh: CHIẾN THẮNG  

Tổng ĐTKT và điều tra CSHC năm 2021 lần này có quy mô điều tra rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng hoạt động; nhất là việc đánh giá quá trình phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong 5 năm trở lại đây... Yêu cầu quá trình điều tra, thu thập dữ liệu phải bảo đảm tính chính xác của các lĩnh vực thông tin, nhất là số liệu về tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2020; số lượng, quy mô, lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả SXKD; các chỉ tiêu thống kê chính thức năm 2020 của các chuyên ngành có liên quan đến khối cơ quan hành chính (số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính; kết quả thu/chi của cơ sở hành chính, cơ cấu, theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu...); tình hình tinh giản biên chế của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trong 5 năm qua; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Trên cơ sở đánh giá chính xác về tình hình phát triển kinh tế đất nước trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh, bổ sung, ban hành các chính sách, kế hoạch, quy hoạch, quản lý, phát triển trên từng lĩnh vực ngành, trên từng vùng miền lãnh thổ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển của quốc gia trong những năm tới.

Nắm vững ý nghĩa và tầm mức quan trọng của Tổng ĐTKT và Điều tra CSHC năm 2021, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) quán triệt, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả. Ngày 27-10-2020, Bộ trưởng BQP đã ban hành Chỉ thị số 110/CT-BQP về việc Tổng ĐTKT năm 2021 trong BQP. Nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện rất nặng nề, nhất là cuộc Tổng ĐTKT và Điều tra CSHC năm 2021 lần này được thực hiện trong bối cảnh vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bảo đảm cho nhân dân vui xuân, đón Tết, chuẩn bị và tổ chức ra quân huấn luyện, phát triển KT-XH...; vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Phát huy những kết quả đã đạt được trong các lần tổng điều tra trước đây, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân đã nỗ lực chuẩn bị và tập trung cao nhất để triển khai, thực hiện hiệu quả cuộc tổng điều tra “kép” lần này.

Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trong Bộ Quốc phòng

Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Quốc phòng trao đổi nghiệp vụ phục vụ hai cuộc điều tra. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện tổng điều tra theo đúng yêu cầu, kế hoạch đã đề ra, BQP đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) và Tổ công tác giúp việc BCĐ Tổng ĐTKT và điều tra CSHC năm 2021 trong BQP. BCĐ có nhiệm vụ tham mưu với BQP tổ chức thực hiện tổng điều tra trong BQP theo đúng phương án, kế hoạch đã đề ra. Do tính chất đặc thù nên BQP được tổ chức điều tra riêng theo phương án tổng điều tra của BQP và chuyển giao kết quả về BCĐ Trung ương để tổng hợp chung kết quả của cả nước. Thông tin, số liệu thu thập được sẽ làm cơ sở quan trọng để Quân ủy Trung ương, thủ trưởng BQP báo cáo, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ xây dựng chiến lược, các kế hoạch, chính sách phát triển KT-XH đất nước nói chung và xây dựng, phát triển quân đội nói riêng trong thời kỳ mới.

Để ghi nhận, đánh giá một cách đầy đủ, chính xác trong thời gian sớm nhất về tình hình hoạt động, phát triển của cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trong quân đội, trước hết, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải nắm vững những mốc thời gian hoàn thành các công việc cụ thể theo Chỉ thị của Bộ trưởng BQP về Tổng ĐTKT và Điều tra CSHC năm 2021 trong BQP. Thời gian điều tra của hai cuộc điều tra này bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-3-2021, kết thúc chậm nhất vào ngày 31-3-2021 (công tác chuẩn bị cho tổng điều tra thực hiện từ ngày 15-1-2021 đến 15-2-2021); tổng hợp báo cáo nhanh kết quả sơ bộ và bàn giao phiếu điều tra về BCĐ tổng điều tra cấp đầu mối trực thuộc BQP xong trước ngày 5-5-2021; BCĐ Tổng điều tra cấp đầu mối trực thuộc BQP báo cáo nhanh kết quả sơ bộ về BCĐ Tổng điều tra BQP trước ngày 30-6-2021 để tổng hợp số liệu, tổ chức nghiệm thu và báo cáo kết quả lên BCĐ Tổng điều tra Trung ương.

BCĐ Tổng ĐTKT và Điều tra CSHC năm 2021 trong BQP đảm nhiệm các công việc từ khâu chuẩn bị đến khi hoàn thành và công bố kết quả tổng điều tra thuộc phạm vi BQP. Cục Kế hoạch và Đầu tư (BQP) với vai trò cơ quan thường trực BCĐ Tổng điều tra BQP phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện. Trước hết là thành lập BCĐ, Tổ thường trực giúp việc để tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác tổng điều tra. BQP tổ chức hai Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về tổng điều tra trong BQP cho các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp toàn quân, trong đó, BCĐ Tổng điều tra BQP tổ chức các lớp tập huấn cho BCĐ Tổng điều tra cấp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc BQP. BCĐ Tổng điều tra cấp cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP tổ chức tập huấn cho BCĐ cấp cơ sở, điều tra viên, tổ trưởng tổ điều tra, giám sát viên. Công tác tập huấn phải được thực hiện bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả cao, kịp thời, theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của BCĐ Tổng điều tra Trung ương, phương án của BQP. Các cơ quan, đơn vị các cấp, các doanh nghiệp trong toàn quân cũng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tuyên truyền và triển khai thực hiện tổng điều tra; tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin từ dữ liệu quản lý hành chính. Các cơ quan, đơn vị điều tra chấp hành yêu cầu cung cấp thông tin thống kê theo bảng hỏi; thực hiện nghiêm túc kế hoạch tổng điều tra đã đề ra, bảo đảm hoàn thành các công việc đúng tiến độ.

Để nhanh chóng, kịp thời giải đáp những vướng mắc về nội dung, nghiệp vụ điều tra của các đơn vị trong toàn quân, các cơ quan thành viên BCĐ Tổng điều tra BQP cần sớm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chu đáo, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đồng chí thành viên trong BCĐ, tổ chức các đường dây nóng là các số điện thoại của các đồng chí trong Tổ thường trực giúp việc để giải đáp những vướng mắc về nội dung, nghiệp vụ điều tra của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân. Tổ chức nắm tình hình thực hiện (qua nhiều hình thức như fax, điện cơ yếu, điện thoại, văn bản) để kịp thời hướng dẫn cho đơn vị trong quá trình thực hiện. Cập nhật các văn bản hướng dẫn của BCĐ Tổng điều tra Trung ương để rà soát, hướng dẫn bổ sung cho các đơn vị trong BQP thực hiện. Căn cứ mốc thời gian trong phương án xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện điều tra, lập các đoàn công tác để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác thu thập thông tin, tổ chức nắm tình hình thực hiện qua nhiều hình thức, hướng dẫn cho các đơn vị trong quá trình thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền để điều tra viên, người cung cấp thông tin ở các đơn vị điều tra hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp số liệu; nhất là việc cung cấp số liệu theo quy định và có phương pháp tính toán phù hợp nhằm bảo đảm chất lượng và tính nhất quán của số liệu.

Tổng ĐTKT và điều tra CSHC năm 2021 đối với các cơ quan đơn vị trong BQP là cuộc tổng điều tra “kép” trong cùng thời điểm. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả công đoạn của tổng điều tra nhằm nâng cao chất lượng số liệu, rút ngắn quá trình xử lý thông tin, công bố sớm kết quả tổng điều tra là rất quan trọng. Trong quá trình thực hiện tổng điều tra, các cơ quan, đơn vị cần chú ý đến phương pháp thu thập thông tin, bảo đảm thông tin đúng, đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, Viện Công nghệ thông tin (Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự-BQP) cần phối hợp với Tổng cục Thống kê, tham gia hướng dẫn trong tập huấn theo nội dung chuyên ngành, hoàn chỉnh phần mềm tổng hợp kết quả của BQP, tổ chức nhập thông tin phiếu điều tra, báo cáo kết quả đúng thời gian, quy trình và chặt chẽ.

Việc tuyên truyền về tổng ĐTKT và điều tra CSHC phải thực hiện thường xuyên, liên tục, có tính kế thừa, có trọng tâm, trọng điểm. Thời điểm tuyên truyền cần tập trung vào thời gian trước và sau thời điểm tiến hành điều tra. Theo kế hoạch tuyên truyền, BCĐ các cấp huy động tất cả các hình thức và phương tiện tuyên truyền hiện có, thu hút các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng, thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, người lao động trong toàn quân để mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ và tự giác tham gia cuộc tổng điều tra.

BCĐ tổng điều tra cấp cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP phải thường xuyên kiểm tra, cập nhật tiến độ điều tra của điều tra viên, tổ trưởng tổ điều tra và báo cáo thường xuyên tới BCĐ tổng điều tra cấp trên trực tiếp về tiến độ điều tra, những vướng mắc phát sinh để xin ý kiến chỉ đạo đồng thời có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc giám sát, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất trong quá trình tổ chức tổng điều tra.

Thực hiện tổng ĐTKT và điều tra CSHC là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và bảo đảm đúng quy trình. Công tác tổ chức, thu thập thông tin, xử lý số liệu, tổng hợp, công bố và lưu giữ thông tin cuộc tổng điều tra phải được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của phương án tổng điều tra. Bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác, kịp thời, không trùng lặp, không bỏ sót thông tin. Thực hiện nghiêm bảo mật thông tin theo quy định của BQP và phòng, chống dịch Covid-19. Việc quản lý và sử dụng kinh phí của cuộc tổng điều tra phải bảo đảm đúng chế độ hiện hành, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Quân ủy Trung ương, BQP đã quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, vai trò của Tổng ĐTKT và Điều tra CSHC năm 2021; đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Để tổng điều tra đạt được kết quả cao nhất, các cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục mọi khó khăn và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.


Theo Qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-triet-va-to-chuc-thuc-hien-tot-tong-dieu-tra-kinh-te-va-dieu-tra-co-so-hanh-chinh-nam-2021-trong-bo-quoc-phong-649406

  • Từ khóa