Nhịp sống khác thường ở khu cách ly 75 trẻ mầm non

Thứ 5, 04.02.2021 | 14:34:43
469 lượt xem

"Mẹ ơi, sao ông bà vẫn chưa đón con về"? Câu hỏi của con trai 4 tuổi khiến chị Khánh bối rối trong tối đầu tiên ở trường Mầm non Bạch Đằng.

Tối 3/2, nhìn con trai cầm bút dạ nghí ngoáy vẽ vào tờ giấy A4 trong phòng học ở khu cách ly trường Mầm non Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), chị Vũ Thị Khánh, 25 tuổi, mỉm cười, chụp ảnh gửi ngay cho chồng và ông bà. Nhìn con vui vẻ, cả nhà mừng lắm. Ông bà nội liên tục hỏi cháu cần gì để chuyển vào. Ngày thường, ông bà đưa đón cháu để vợ chồng chị Khánh đi làm.

Mẹ con chị Khánh vào khu cách ly trường Mầm non Bạch Đằng sau khi nhận được thông báo trưa 1/2. Hôm đó, đang làm việc tại công ty, điện thoại rung. Màn hình hiện tin từ cô hiệu trưởng, thông báo lớp con trai có bạn dương tính với nCoV, con diện F1, phải cách ly tập trung, chân tay chị bủn rủn.

Chưa kịp phản ứng gì, cô hiệu trưởng và cả giáo viên phụ trách lớp tiếp tục gọi điện, yêu cầu phải cho con đi cách ly ngay, một phụ huynh được theo kèm, chị liền báo cấp trên cho nghỉ để đi cách ly cùng con. Chạy về tới nhà, chị chỉ kịp xếp cho mỗi mẹ con ba bộ quần áo, lấy vội được hộp sữa rồi lên đường.

Phụ huynh cùng con đến khu cách ly trường Mầm non Bạch Đằng, chiều 1/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phụ huynh cùng con đến khu cách ly trường Mầm non Bạch Đằng, chiều 1/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đến trường lúc 12h30, chị Khánh thấy nhiều phụ huynh và con đã có mặt. Bố mẹ nào cũng căng thẳng, nhưng tụi trẻ lại rất vui khi gặp nhau, sau ba ngày nghỉ để phòng chống Covid-19. "Các con hồn nhiên lắm, vui vẻ vì được đi học, được gặp lại bạn bè. Nhìn chúng ríu rít gọi nhau, tôi không biết phải nghĩ gì. Đến giờ tôi vẫn không biết diễn tả được cảm xúc lúc đó của mình", chị Khánh nói.

Ngay chiều 1/2, chị Khánh cùng con và 70 cặp phụ huynh, học sinh khác của trường Mầm non Bạch Đằng được chia phòng. Mỗi phòng 10 cặp phụ huynh và con. Vì chưa có giường, phụ huynh nhận thảm, chăn từ nhà trường rồi sắp xếp mỗi người một góc, đảm bảo giãn cách. Các con hồn nhiên, vẫn chạy lại gần nhau nói cười. Nhân viên y tế liên tục nhắc, các bố mẹ lại kéo con ra, đeo khẩu trang và dặn hạn chế chơi đùa với nhau để phòng dịch.

Mọi chuyện diễn ra bình thường cho đến lúc chập tối. Không thấy ông bà đón, không thấy được về nhà, nhiều bé kêu khóc. Con chị Khánh liên tục hỏi "Mẹ ơi sao ông bà chưa đến đón con? Sao tối rồi con không về hả mẹ? Sao lại ngủ luôn ở lớp thế này mẹ"? Hàng loạt câu hỏi khiến chị Khánh không biết trả lời thế nào. Vừa bối rối, vừa thương con, chị vụng về giải thích "con Covid đang lang thang ngoài kia, mình phải ở đây cách ly để an toàn". May mắn con cũng chịu nghe.

Tối đầu tiên trong khu cách ly, nhìn trong phòng, có bé không ăn được do không hợp khẩu vị cơm hộp, chị Khánh thấy may mắn vì con trai dễ ăn, lại chơi ngoan. Thế nhưng khi gọi điện cho chồng, nhìn thấy bố và ông bà, con lại òa khóc, ông bà cũng khóc, chị Khánh nghẹn ngào. Được ông bà hứa mai mang đồ chơi vào, cậu bé mới ngoan trở lại, uống hết cốc sữa mẹ pha rồi đi ngủ.

Sáng 2/2, dân quân xã chuyển khoảng 100 giường tầng của quân đội tới, mỗi phòng 10 giường. Các gia đình chỉ sử dụng tầng 1 để ngủ cho an toàn, tầng 2 để đồ. Chị Khánh phấn khởi vì nằm giường sẽ đỡ lạnh hơn. Điều kiện cơ sở vật chất trong trường cũng rất tốt. Phòng khép kín với nhà vệ sinh, bình nóng lạnh, có cả khu ban công để phơi quần áo.

Khoảng 100 giường tầng của quân đội được chuyển đến trường Mầm non Bạch Đằng, lắp đặt trong các phòng học để phục vụ cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khoảng 100 giường tầng của quân đội được chuyển đến trường Mầm non Bạch Đằng, lắp đặt trong các phòng học để phục vụ cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hàng ngày đều đặn 7h-7h30, 10h30-11h và 16h30-17h, tổ bếp của xã Bạch Đằng mang các suất cơm đến phục vụ bữa sáng, trưa và tối cho người trong khu cách ly. Buổi chiều, khoảng 15h, chị Khánh cùng phụ huynh trong phòng lại phân chia nhau cho con đi tắm rồi giặt giũ. Mọi việc đều thuận tiện, thậm chí ăn uống điều độ hơn ở nhà. Chị Khánh và các phụ huynh khác chỉ lo mỗi việc con chán, không có gì chơi, lại phải hạn chế giao tiếp với bạn thì dễ quấy.

Vào khu cách ly ba ngày, chồng chị Khánh đã ba lần đem đồ tiếp tế, lúc thì quần áo, khăn mặt, khăn tắm, móc phơi, lúc thì đồ ăn vặt cho con. Ông bà cũng giữ lời hứa, gửi vào bộ đồ chơi câu cá, bạn trong phòng cho mượn quả bóng nên con chị Khánh có cái để giải khuây những lúc buồn chán. Thế nhưng, tính trẻ con nhanh chán, lại hiếu động, thỉnh thoảng chị phải cho con xem điện thoại. "Ở nhà tôi không cho con xem. Còn ở đây tôi phải linh hoạt để tránh con quấy khóc, gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh", chị Khánh tâm sự.

Đến giờ, bà mẹ thấy mọi chuyện đều ổn. Các con có chút chuệch choạc về giờ giấc ngủ nghỉ nhưng cũng đang quen dần. "Chỉ một số bạn không có bố mẹ đi cùng do phải cách ly nơi khác hoặc bận đi làm, ông bà phải đi chăm thay là thỉnh thoảng quấy, tủi thân", chị Khánh nói.

Con trai chị Khánh cùng bạn tập vẽ trong khu cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Con trai chị Khánh cùng bạn tập vẽ trong khu cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong khu cách ly trường Mầm non Bạch Đằng, ngoài 71 trẻ và 7 giáo viên diện F1, 29 người dân ở các thôn lân cận cùng 4 trẻ ở trường khác cũng được đưa vào cách ly. Chị Ngô Thị Nga, 51 tuổi, ở Chợ Lữ, xã Bạch Đằng, là một trong số đó. Vào khu cách ly từ chiều 1/2, được sắp xếp ở tòa nhà hai tầng đối diện khu dành cho học sinh của trường, mở cửa ra, chị Nga đã nhìn thấy lũ trẻ mới 4-5 tuổi.

"Tôi không thể quên ánh mắt hồn nhiên lúc mới vào của những đứa trẻ rồi sự hoang mang của chúng khi không hiểu vì sao tối rồi đến vẫn chưa được về nhà. Nhìn chúng, thương vô cùng", chị nói.

Thế nhưng, sau ba ngày, tiếng khóc của trẻ gần như không còn. Sinh hoạt của mọi người dần thoải mái hơn. Chị Nga cảm kích khi lãnh đạo địa phương chăm lo cho người trong khu cách ly, đặc biệt là trẻ. Từng bữa ăn, giấc ngủ, chuyện vệ sinh đều được chăm chút. Nhiều mạnh thường quân chở đồ tiếp tế đến trường, trong đó có cả đồ chơi. Chị cũng lên mạng xã hội, kêu gọi mọi người ủng hộ các bé.

Cô Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng trường Mầm non Bạch Đằng, bày tỏ vui mừng khi phụ huynh và học sinh đều đã ổn định cuộc sống trong khu cách ly. "Ban đầu nhận được tin có trẻ dương tính, tôi hụt hẫng, lo lắng. Thông báo đó khác gì bảo những đứa con thân yêu nhất của tôi đang phải đối mặt với dịch bệnh. Thế nhưng đến giờ, tôi đã có thể tạm yên tâm", cô Bích nói.

Dù không thuộc diện cách ly, cô Bích cùng một số nhân viên của trường ở lại trong khuôn viên để động viên tinh thần, đôn đốc các lực lượng hỗ trợ. Cô hy vọng sau 21 ngày cách ly, tất cả phụ huynh, học sinh đều khỏe mạnh. Ra Tết, tất cả 360 trẻ của trường lại được đi học bình thường, được thoải mái nô đùa ở khu vườn cổ tích hay quây quần nghe cô kể chuyển trong các lớp học.

Hải Dương đang là ổ dịch lớn nhất cả nước với 277 trên tổng số 366 ca bệnh của cả nước, tính từ 28/1 đến sáng 4/2. Toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, nhiều đơn vị cấp huyện phải phong tỏa ở các mức độ. Nhiều trường học trở thành nơi cách ly tập trung do có bố mẹ, hoặc học sinh là F0, như: Tiểu học Lê Ninh, Tiểu học Hiến Thành, Tiểu học thị trấn Lai Cách, THCS Sao Đỏ.


Dương Tâm/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/nhip-song-khac-thuong-o-khu-cach-ly-75-tre-mam-non-4231259.html

  • Từ khóa