Thông tin ứng cử viên đại biểu QH phải minh bạch, giám sát tối đa

Thứ 7, 20.03.2021 | 00:00:00
518 lượt xem

Yêu cầu đặt ra là từ nay tới khi tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, tất cả các vấn đề còn chưa rõ đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đều phải được xác minh đầy đủ.


Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực

Ngay sau khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã trả lời Báo điện tử Chính phủ về những vấn đề liên quan đến thông tin các ứng cử viên đại biểu QH.

Làm rõ mọi băn khoăn

Ông Ngô Sách Thực cho biết, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, đi vào những nội dung trọng tâm theo quy định của pháp luật liên quan đến công tác bầu cử.

Vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn của những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH rất được quan tâm. Các ứng cử viên được lựa chọn trên cơ sở tiêu chuẩn và quy định của Luật bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội và trên cơ sở Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị liên quan đến công tác bầu cử.

Cụ thể ngoài 5 tiêu chuẩn theo quy định của luật như: Trung thành với Tổ quốc, đất nước, Hiến pháp; các điều kiện về năng lực, phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, khả năng, điều kiện hoạt động, giữ mối liên hệ với cử tri cũng nhấn mạnh việc các đại biểu phải có bản lĩnh, dám nói. Những nội dung như người được giới thiệu ứng cử phải gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật cũng được đề cập.

Trong danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV các tiêu chuẩn, điều kiện cơ bản bảo đảm.

Tuy nhiên, ông Ngô Sách Thực cho hay: “Nghiên cứu sâu tài liệu, hồ sơ cũng thấy có một số nội dung cần phải nghiên cứu kỹ, đặc biệt, những nội dung liên quan đến đại biểu chuyên trách. Ngay tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các ý kiến trong Đoàn Chủ tịch đều bày tỏ sự đồng tình rất cao là cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tuy vậy, các ý kiến cũng đặt ra yêu cầu đối với đại biểu chuyên trách phải có đủ tâm, đủ tầm”.

Từ nay đến Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, tất cả những vấn đề liên quan đến người ứng cử đều phải thông tin minh bạch, nhất là các vấn đề còn băn khoăn của cử tri đối với các ứng cử viên đều phải được làm rõ.

Có một lịch trình giám sát

Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần 2, theo quy định Ủy ban MTTQ các địa phương phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với các ứng viên nơi họ cư trú.

Để tổ chức tốt các hội nghị này, Mặt trận các địa phương phải có kế hoạch thật cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được giới thiệu ứng cử về khu dân cư của mình để lắng nghe ý kiến nhận xét của người dân.

Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những người được giới thiệu ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

Với trách nhiệm của mình, MTTQ Việt Nam giám sát quá trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử.

Theo kế hoạch, đợt giám sát 1 được triển khai từ ngày 15/3 đến 13/4. Trong đợt 1 này, các đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử của các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác bầu cử, những vi phạm về bầu cử (nếu có); đồng thời có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân.

Trong công tác giám sát, phải có sự giám sát của người dân cùng các kênh thông tin khác như truyền thông, báo chí để nếu có vấn đề người dân còn băn khoăn về người được giới thiệu ứng cử thì phải được làm rõ.

Ủy ban bầu cử các cấp phải có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến và trả lời những vấn đề mà cử tri và người dân nêu ra. Nếu đến mức có khiếu nại hoặc tố cáo sẽ giải quyết theo trình tự quy định của luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những người ứng cử.

Tính đến ngày 17/3, cả nước sơ bộ có 77 người tự ứng cử ĐBQH tại 24 tỉnh, thành phố. Một số địa phương có số người tự ứng cử cao là Hà Nội (30 người), TPHCM (16 người). Tính cả số người tự ứng cử thì tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.161 người, đạt tỷ lệ 2,3 người trên 1 đại biểu được bầu.

Ở địa phương, tất cả các địa phương đã hoàn thành việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương ứng cử ĐBQH trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có 879 hồ sơ giới thiệu ứng cử trên tổng số 297 đại biểu được bầu, đạt tỷ lệ bình quân là 2,95 lần so với số đại biểu được bầu ở địa phương (chưa tính số người tự ứng cử).

Như vậy, nếu tính cả đại biểu của Trung ương được giới thiệu (205 người) thì tổng số người được giới thiệu ứng cử là 1.084 người, đạt tỷ lệ 2,17 người ứng cử/1 đại biểu được bầu. Một số địa phương có số lượng người giới thiệu ứng cử so với số đại biểu được bầu đạt tỷ lệ cao như Quảng Ninh 4 lần; Thái Nguyên 3,1 lần; Tuyên Quang 2,5 lần.


Nhật Nam/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Nhan-su/Thong-tin-ung-cu-vien-dai-bieu-QH-phai-minh-bach-giam-sat-toi-da/426321.vgp

  • Từ khóa