Góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Chủ nhật, 21.03.2021 | 08:52:36
377 lượt xem

Ðược công bố lần đầu vào năm 2018, Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) thường niên với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) tại 63 địa phương. Báo cáo được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (MTÐTKD) cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh

Họp trực tuyến Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Văn phòng Chính phủ. Ảnh: ÐỨC ANH 

Phản ánh khách quan thực tế

Theo kết quả khảo sát APCI 2020 do Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố xoay quanh việc phân tích quá trình DN trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương cung cấp trong chín nhóm TTHC quan trọng gồm: Ðầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự DN/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành. Chi phí thành phần trung bình của các nhóm TTHC được xếp thứ tự từ thấp đến cao và không nhằm mục đích so sánh giữa các ngành, nhóm thủ tục với nhau bởi sự khác nhau về mục tiêu quản lý và các yêu cầu kỹ thuật với từng nhóm TTHC.

Chỉ số APCI gồm hai chỉ số thành phần: Chi phí thời gian và Chi phí trực tiếp phản ánh các loại chi phí chủ yếu mà DN sẽ phải chi trả khi thực hiện TTHC. Ðứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5,6 điểm so năm 2019. Theo báo cáo, sự cải thiện này là do có sự giảm mạnh tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý TTHC trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Ðứng thứ hai là nhóm TTHC kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so năm 2019, được phản ánh cả ở thời gian và chi phí trực tiếp. Ðứng thứ ba là nhóm TTHC môi trường, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,5 điểm so năm 2019. Tuy nhiên, phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm môi trường chưa phải thực chất, dù trong hai năm gần đây, phương thức quản lý môi trường đã có những đột phá. Ðứng thứ tư là nhóm TTHC điều kiện kinh doanh, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so năm 2019. Mặc dù thời gian qua, đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng kết quả khảo sát DN cho thấy, gánh nặng đối với DN chưa thay đổi một cách tương xứng. Các nhóm TTHC khởi sự DN, đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới là năm nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Mặc dù đây vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so các nhóm khác nhưng lại giảm điểm so chính nhóm đó ở năm 2019…

Nhấn mạnh về mục đích, ý nghĩa Chỉ số APCI và những thông điệp cải cách từ APCI 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho biết, cải thiện MTÐTKD, cắt giảm chi phí và tạo thuận lợi cho DN là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Với quan điểm xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động” và cách tiếp cận “lấy người dân, DN làm trung tâm của quá trình cải cách, phát triển”, Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành các Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy hiệu quả cải cách được Chính phủ giao Hội đồng tại các Nghị quyết 02 đó là thực hiện khảo sát, nghiên cứu và công bố thường niên Báo cáo APCI.

Còn nhiều dư địa cải thiện

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định, dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và DN cũng đặt ra rất nhiều thách thức lẫn cơ hội, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết và khách quan vào tình hình DN để tiếp tục cải thiện mọi việc. Cục trưởng Kiểm soát TTHC (thuộc VPCP) Ngô Hải Phan cho biết, trong bối cảnh năm cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, APCI 2020  mang một thông điệp hết sức quan trọng, đó là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của tiến trình cải cách để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan cải thiện MTÐTKD và phát triển DN thời gian tới. APCI 2020 tiếp tục cho thấy dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn và bổ sung những bài học sâu sắc để thúc đẩy cải cách. Việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho DN không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Kết quả APCI qua ba năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy những nhóm TTHC nào được các cơ quan hành chính nhà nước duy trì nhịp cải thiện liên tục thông qua phương thức điện tử đều được phản ánh ngay vào kết quả điểm APCI hằng năm. Ðịnh hướng xây dựng chính quyền điện tử với các dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử theo Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đã tạo thuận lợi cho DN không chỉ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà còn đặc biệt phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19.

Giám đốc Dự án USAID LinkSME (Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ) Ð.Phít-dơ-pa-tơ-rích đánh giá cao các biện pháp và sáng kiến chủ động, tích cực của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ trong việc thúc đẩy cải cách TTHC của Việt Nam. APCI giúp Chính phủ nhận diện rõ hơn các chi phí tuân thủ TTHC đồng thời cũng cung cấp cho Chính phủ những gợi ý tạo ra cân bằng giữa lợi ích và chi phí của các TTHC, tiếp tục cải thiện công tác quản lý dịch vụ công, duy trì năng lực cạnh tranh. Ông Ð.Phít-dơ-pa-tơ-rích khẳng định, kết quả của APCI 2020 cho thấy sự cải thiện đáng kể so với kết quả hai năm 2018, 2019. Ðiều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chuyển đổi số đóng vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình này. Tuy nhiên APCI 2020 cho thấy vẫn còn dư địa để tiếp tục công cuộc cải cách TTHC, điều này đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của tập thể Chính phủ và cộng đồng DN.

Những bài học rút ra từ APCI 2020 đều được đặt trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch, vừa phải đối mặt với các thách thức to lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để nhận thấy các giá trị căn cơ từ cải cách. Với phương pháp luận phù hợp và cách làm nghiêm túc của nhóm nghiên cứu, APCI 2020 được kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan có được kênh thông tin tham khảo hiệu quả nhằm tiếp tục đưa ra các quyết sách phù hợp để thúc đẩy mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và cải thiện MTÐTKD, tạo thuận lợi cho DN.


Bảo Tùng/Nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/gop-phan-tich-cuc-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-639205/

  • Từ khóa