Khắc phục tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán

Thứ 2, 22.03.2021 | 15:14:16
557 lượt xem

Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) vừa thống nhất quy trình chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX nhằm giảm tải, khắc phục tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán trên hệ thống của HOSE.


Khách hàng theo dõi bảng giao dịch chứng khoán tại sàn giao dịch Vietcombank (VCBS). Ảnh: Phạm Hưng

Giảm tải bằng giải pháp tạm thời

Ba doanh nghiệp (DN) niêm yết đầu tiên chính thức "xung phong" tự nguyện chuyển sàn là Công ty CP Giống cây trồng Việt Nam (mã chứng khoán NSC), Công ty CP Bibica (mã chứng khoán BBC) và Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (mã chứng khoán SSC). Về phía HNX, HOSE và VSD đều thống nhất xây dựng quy trình tiếp nhận xử lý hồ sơ, chuyển giao thông tin dữ liệu DN, cài đặt hệ thống được tối ưu hóa với các tiêu chí về thời gian xử lý hồ sơ, thời gian ngừng giao dịch của cổ phiếu được rút ngắn tối đa, song vẫn bảo đảm việc xử lý dữ liệu, cài đặt hệ thống tại HOSE, HNX, VSD. Mục tiêu để các hoạt động liên quan cổ phiếu chuyển sàn như giao dịch, công bố thông tin, giám sát giao dịch và thanh toán bù trừ đáp ứng yêu cầu. Ðồng thời sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện chuyển giao dịch. Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (CKNN) đã có Công văn số 713/UBCK-PTTT ngày 3-3-2021 hướng dẫn chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX để giảm tải cho hệ thống của HOSE. Theo đó, DN có nguyện vọng chuyển sàn phải có văn bản yêu cầu, kèm theo nghị quyết của hội đồng quản trị hoặc của đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HOSE. Trên cơ sở đó, HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho DN chuyển sàn nhưng không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin… áp dụng chung như với DN niêm yết trên HNX. HOSE và HNX phối hợp trong việc giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để bảo đảm tính liên tục trong giám sát.

Ngay khi giải pháp chuyển sàn giao dịch được nêu ra như một cứu cánh tạm thời cho tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE, một số thành viên thị trường bày tỏ lo ngại khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của DN niêm yết. Vì thanh khoản trên HNX thời gian gần đây thấp hơn nhiều so với HOSE, giao dịch ít sôi động hơn nên có thể tác động đến cơ hội huy động vốn qua sàn của DN. Ủy ban CKNN cho biết, việc chuyển sàn chỉ áp dụng đối với các DN tự nguyện và đây là phương án tạm thời. Khi hệ thống giao dịch mới được hoàn thiện, các cổ phiếu này sẽ trở về giao dịch tại HOSE cho nên việc chuyển sàn không làm thay đổi về tiêu chuẩn niêm yết cũng như chất lượng của các cổ phiếu được chuyển. Ðược biết, bên cạnh ba DN đầu tiên thực hiện chuyển sàn đều là thành viên của Tập đoàn PAN, hiện có bảy DN khác đang lấy ý kiến cổ đông để thực hiện kế hoạch chuyển sàn nhằm góp phần giảm tải hệ thống xử lý lệnh của HOSE, trong đó có các công ty chứng khoán, ngân hàng.

Tình trạng nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch của HOSE diễn ra trầm trọng hơn ba tháng nay, khi nhà đầu tư F0 ồ ạt mở tài khoản mới và dòng tiền đổ vào chứng khoán vượt qua tất cả mọi dự báo, khiến hệ thống sàn giao dịch này không thể chịu tải. Theo phản ánh của các công ty chứng khoán, tình trạng "tắc đường" thường diễn ra vào đầu giờ giao dịch buổi chiều khi thanh khoản đạt khoảng 14 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng có những phiên nghẽn lệnh ngay cuối giờ giao dịch buổi sáng cùng với hiện tượng bảng điện tử không hiển thị trạng thái giao dịch kịp thời. Sự cố này không chỉ khiến sàn giao dịch hụt thu không nhỏ từ phí khớp lệnh của cả bên mua và bên bán mà còn ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các nhà đầu tư do không thể dự mua/bán hàng hóa đúng thời điểm giá mong muốn. Quan trọng hơn, điều này còn ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường trong thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam có đóng góp ngày càng quan trọng vào thị trường vốn. Ngày 4-1, Ủy ban CKNN cho phép nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu nhưng giải pháp này đã không có nhiều tác dụng trước tình trạng nghẽn lệnh kéo dài của HOSE.

Tìm giải pháp khắc phục triệt để

Hiện Chính phủ đã đồng ý cho phép Công ty CP FPT tham gia xử lý tình trạng nghẽn lệnh trên TTCK như đề xuất của Chủ tịch HÐQT Trương Gia Bình tại sự kiện Ðối thoại 2045, giao Bộ Tài chính phối hợp thực hiện. Về phía Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng nhằm xử lý dứt điểm tình trạng này. Tại phiên làm việc đầu tiên của Bộ Tài chính với FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán diễn ra ngày 9-3, đồng chí Ðinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên HOSE trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã xây dựng đồng thời nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống. Trong số các giải pháp do Bộ Tài chính xây dựng, có giải pháp khá phù hợp với quan điểm của FPT. Tại buổi làm việc, Bộ Tài chính và FPT cùng nhận định, giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ ba đến bốn tháng để triển khai và hoàn thiện, do đó có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh. Ðồng chí Ðinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Sở Giao dịch Chứng khoán chủ động phối hợp FPT triển khai phương án giải quyết, bảo đảm không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng nhà đầu tư. Trước mắt, không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HOSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán. Bộ Tài chính sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán.

Theo đại diện FPT, tập đoàn này có thể khắc phục lỗi hiện tại của HOSE trong thời gian ba tháng kể từ khi chính thức bắt tay vào công việc. Giải pháp về công nghệ được FPT đưa ra gồm hai phương án: Rà soát phần mềm hiện tại để xử lý kỹ thuật hoặc triển khai hệ thống thay thế tạm thời cho đến khi hệ thống của KRX vận hành chính thức. Trong đó, FPT nghiêng về phương án thứ hai.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán là do năng lực quản trị điều hành yếu kém của HOSE. Cụ thể là yếu kém về quản lý công nghệ, khi dự án xây dựng hệ thống giao dịch mới đã được triển khai từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết thời điểm hoàn thành. Bên cạnh đó là những tồn tại, hạn chế trong khâu giám sát thị trường, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa trên sàn. Nhiều ý kiến lo ngại, đây là hệ quả của việc thị trường đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng phát triển của hệ thống trong những năm qua, trong khi vấn đề kỹ thuật quá phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, không làm chủ được công nghệ vận hành. Do đó, để giải quyết triệt để, không thể chỉ là những giải pháp một sớm một chiều. Theo thông tin được Ủy ban CKNN đưa ra, hệ thống giao dịch mới của HOSE chỉ có thể đưa vào vận hành sớm nhất vào quý IV-2021.


PHƯƠNG ANH/NHANDAN.COM.VN

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/khac-phuc-tinh-trang-nghen-lenh-chung-khoan-639247/

  • Từ khóa