Sức trẻ trong Tháng Thanh niên

Thứ 6, 26.03.2021 | 08:26:05
466 lượt xem

Tháng Thanh niên là những ngày cao điểm để đoàn viên, thanh niên thể hiện sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết trong công tác đoàn và trong thực tế cuộc sống. Các cấp bộ đoàn và tuổi trẻ cả nước đã và đang triển khai các hoạt động gắn liền với những nội dung, vấn đề được quan tâm, xuất phát từ đời sống cộng đồng. Những việc làm thiết thực, cụ thể đó là minh chứng sống động cho hiệu quả thực chất của công tác đoàn và phong trào thanh niên.

Ðoàn viên, thanh niên quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) tham gia hiến máu tình nguyện bổ sung lượng máu dự trữ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Những việc làm thiết thực

Nằm cách TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng gần 100 hải lý, huyện Côn Ðảo từng được biết đến là nơi giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất Ðông Dương trước năm 1975. Côn Ðảo đóng vai trò chứng tích lịch sử quan trọng về những tội ác dã man của thực dân, đế quốc và đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Trên đảo, hiện vẫn còn nhiều gia đình có công với cách mạng sinh sống, tiêu biểu như gia đình bà Lương Thị Ngũ (khu dân cư số 5, thị trấn Côn Ðảo, huyện Côn Ðảo). Một trong những điểm đến quan trọng của "Hành trình truyền thống về Côn Ðảo" của Ðoàn thanh niên Công an TP Cần Thơ dịp Tháng Thanh niên năm 2021. Ðến thăm gia đình bà, chúng tôi được biết: Năm 1964, chồng bà Ngũ là ông Nguyễn Ðình Liện ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc khi mới 23 tuổi. Hai năm sau, ông hy sinh tại một trong những chiến trường ác liệt nhất của tỉnh Khánh Hòa. Bà Ngũ cùng hai con gái khi đó không hề biết tin dữ, phải đến năm 1973, gia đình mới nhận được giấy báo tử. Nhiều năm đã qua, bà Lương Thị Ngũ luôn chịu thương chịu khó, một mình tảo tần nuôi dạy hai con gái lớn khôn nên người.

Trước khi đến thăm tặng quà các gia đình có công với nước, các đại biểu cán bộ Ðoàn, đoàn viên, thanh niên Công an TP Cần Thơ tiêu biểu đã đến viếng thăm nhiều "địa chỉ đỏ" như Nghĩa trang Hàng Dương, di tích lịch sử Nhà tù Côn Ðảo; thăm hỏi, trao quà tặng các gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu tù Côn Ðảo... Tại Trường tiểu học Cao Văn Ngọc (khu 6 Phạm Văn Ðồng, huyện Côn Ðảo), đoàn đại biểu Hành trình đã trao nhiều suất học bổng, hàng trăm khăn quàng đỏ và một chiếc trống cái tặng tập thể giáo viên, học sinh nhà trường. Trao đổi với Báo Nhân Dân, cô Phạm Phương Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Văn Ngọc cho biết: "Ðây là một ngôi trường đặc biệt, với thành phần học sinh đến từ toàn bộ 64 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các em phần lớn theo bố mẹ từ nhiều địa phương về Côn Ðảo làm ăn, lao động. Trong đó, không ít cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có tiền mua quần áo, sách vở, thậm chí phải ăn ở trong lán trại xây dựng cùng bố mẹ. Vì vậy, những món quà của tuổi trẻ Công an TP Cần Thơ càng trở nên sâu sắc, ý nghĩa. Ðơn cử như chiếc trống cái của nhà trường bị hỏng đã lâu, nhưng do khó khăn về khoảng cách địa lý nên chúng tôi chưa thể thay mới". Việc vận chuyển một chiếc trống lớn tới Côn Ðảo không phải dễ dàng. Không phải đơn vị vận chuyển nào cũng sẵn sàng nhận vì đây là mặt hàng cồng kềnh, lại có nhiều chi tiết dễ hư hỏng. Các bạn trẻ đã thay phiên nhau khuân vác, vận chuyển thật cẩn thận bằng nhiều loại phương tiện để món quà đến tay cô trò Trường Cao Văn Ngọc trong điều kiện tốt nhất.

Ðược biết, các hoạt động chào mừng 90 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2021 của tuổi trẻ Công an TP Cần Thơ đã được triển khai từ rất sớm, với nhiều nội dung phong phú, sáng tạo. Ngay từ cuối tháng 2-2021, các chiến sĩ trẻ đã phối hợp Thành đoàn Cần Thơ tổ chức chương trình "Chợ văn minh" tại Trung tâm thương mại Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nhằm tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng cháy - chữa cháy, phòng chống ma túy, bảo vệ môi trường... đến các tiểu thương, hộ dân trên địa bàn. Ðầu Tháng Thanh niên năm 2021, Ðoàn thanh niên Công an TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp tuổi trẻ CAND các huyện Phong Ðiền, Cờ Ðỏ (TP Cần Thơ) xây dựng, khánh thành các công trình "Cầu giao thông nông thôn", "Tuyến đường giao thông nông thôn", "Tuyến đường ánh sáng an ninh"... với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Những ngày qua, các chiến sĩ trẻ đã tiến hành khởi công công trình "Căn nhà 19-8" tặng đồng đội có hoàn cảnh khó khăn với mức kinh phí 50 triệu đồng do đoàn viên, thanh niên trong lực lượng đóng góp.

Thượng úy Nguyễn Tứ Thiên, Bí thư Ðoàn Thanh niên Công an TP Cần Thơ cho biết: "Các hoạt động của tuổi trẻ công an Cần Thơ trong Tháng Thanh niên năm nay đều chú trọng sự đa dạng về nội dung, đổi mới về cách làm, để vừa thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên ở cả trong, ngoài ngành, vừa mang lại hiệu quả cụ thể, lấy người dân làm đối tượng phục vụ. Ðể làm được điều đó, chúng tôi khéo léo lồng ghép các nội dung nhằm kết hợp hoàn thành nhiều mục tiêu trong cùng một hoạt động. Thí dụ như việc mời Bí thư Ðoàn thanh niên công an một số xã, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ tham gia Hành trình truyền thống ở Côn Ðảo để truyền cảm hứng, lan tỏa lòng yêu nước nồng nàn, trách nhiệm với quê hương. Sau hành trình, họ sẽ có thêm nhiều động lực để trăn trở sáng tạo, nâng cao chất lượng của những hoạt động tại các địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng tổ chức các chương trình tình nguyện ở nhiều tỉnh, thành phố lân cận nhằm tăng cường kết nối giữa các cơ sở Ðoàn, chung tay đẩy mạnh công tác an sinh xã hội ra ngoài địa bàn TP Cần Thơ". Theo Thượng úy Nguyễn Tứ Thiên, trong cuối tháng 3-2021, Ðoàn thanh niên Công an TP Cần Thơ sẽ triển khai hoạt động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo" tại xã An Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Trong đó, đáng chú ý có các công trình, phần việc thanh niên như bàn giao Tuyến đường "Ánh sáng an ninh" tại các khu vực biên giới, "Tuyến đường giao thông" tại Trạm ra-đa 600 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) trên đảo Nam Du; trao học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó học tốt; khánh thành "Nhà nhân ái" tặng đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.

Sáng tạo không ngừng

Tháng 1 vừa qua, sau khoảng ba tháng triển khai, Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội" do Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức đã khép lại với hơn 338 nghìn lượt thi trắc nghiệm và hơn 2.400 bài thi tự luận, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân Thủ đô về lịch sử, truyền thống, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Thông qua cuộc thi, Ban Tổ chức đã phát hiện nhiều ý tưởng độc đáo, có tính ứng dụng cao nhằm xây dựng Thủ đô hiện đại, thanh lịch từ đoàn viên, thanh niên TP Hà Nội. Có được thành quả này một phần không nhỏ là nhờ sự sáng tạo trong triển khai cuộc thi từ các cấp bộ Ðoàn thanh niên Thủ đô. Tiêu biểu như Quận đoàn Hoàn Kiếm đã mạnh dạn lồng ghép nội dung thi vi-đê-ô clíp giới thiệu về các di tích văn hóa, lịch sử, những "địa chỉ đỏ" cách mạng trên địa bàn nhằm thu hút mạnh mẽ sự quan tâm từ các bạn trẻ. Nội dung thi vi-đê-ô clíp được Ban Thường vụ Quận đoàn Hoàn Kiếm nhanh chóng thông qua và triển khai dựa trên thực tiễn về nhu cầu tìm hiểu lịch sử Thăng Long - Hà Nội, xu hướng sử dụng vi-đê-ô để nói lên suy nghĩ, tâm tư của đoàn viên, thanh niên hiện nay. Với yêu cầu đơn giản, dễ nắm bắt, nội dung thi đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong các bạn trẻ, góp phần vào thành công chung của cuộc thi cấp thành phố.

Liên quan đến các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Thủ đô nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng, Quận đoàn Hoàn Kiếm hiện cũng đang tích cực triển khai đề án số hóa thông tin địa điểm du lịch, di tích cách mạng thông qua mã QR. Theo đó, các tấm biển in mã QR sẽ được đặt ngay tại bàn hướng dẫn của Ban Quản lý các khu di tích, du khách chỉ cần dùng thiết bị di động thông minh có kết nối in-tơ-nét để quét mã là có thể tiếp cận thông tin về địa điểm muốn tham quan. Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm Trần Kim Huyền, người khởi xướng đề án độc đáo nêu trên cho biết: "Quận Hoàn Kiếm có khoảng 190 di tích, địa điểm du lịch với đầy đủ thông tin đăng tải trên trang web hoankiem360.vn bằng tiếng Việt, tiếng Anh và sắp tới là tiếng Pháp. Tuy nhiên, khách du lịch không phải ai cũng biết tới trang web này. Vì vậy, một chiếc mã QR đơn giản và dòng chữ "quét để nhận thông tin" sẽ trở thành công cụ hữu ích, hiện đại kết nối họ với nguồn cơ sở dữ liệu phong phú có sẵn. Hiện, quận Hoàn Kiếm đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh, với mục tiêu phủ sóng 5G miễn phí trên toàn bộ địa bàn trong năm 2021. Ðây sẽ là lợi thế vô cùng lớn để triển khai đề án số hóa thông tin di tích, danh thắng bằng mã QR mà chúng tôi đang tích cực đặt những viên gạch đầu tiên".

Không chỉ nắm bắt xu hướng công nghệ, tâm tư của giới trẻ, những công trình, phần việc của tuổi trẻ quận Hoàn Kiếm còn được xây dựng bài bản, hiện đại, vừa mang tính chất "đi tắt, đón đầu", vừa phát huy thế mạnh của đoàn viên, thanh niên Thủ đô. Tiêu biểu như đề án gây quỹ vì an sinh cộng đồng thông qua sàn thương mại điện tử mà Quận đoàn Hoàn Kiếm đang "thai nghén" ở thời điểm hiện tại. Cấu trúc của đề án rất đơn giản: khi truy cập vào một số trang thương mại điện tử được dẫn nguồn từ trang chủ của Quận đoàn Hoàn Kiếm, đoàn viên, thanh niên có thể mua hàng để trực tiếp ủng hộ một phần nhỏ giá trị hàng hóa, xây dựng một nguồn quỹ để chung tay triển khai các công trình an sinh xã hội cùng tuổi trẻ quận Hoàn Kiếm. "Việc ủng hộ tiền mặt hoặc hiện vật đối với các hoạt động phúc lợi của thanh niên hiện vẫn "chạy", nhưng dường như vẫn thiếu tính lan tỏa cần thiết. Nếu đề án thành công thì nguồn quỹ ủng hộ sẽ lớn hơn nhiều, bởi nhu cầu mua sắm của người dân trên các trang thương mại điện tử hiện không hề nhỏ", đồng chí Trần Kim Huyền chia sẻ.

Thông qua hàng loạt công trình, phần việc, sáng kiến, đề án cụ thể, thiết thực, có thể cảm nhận rõ rệt sức sáng tạo, bầu nhiệt huyết, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Ðoàn cơ sở. Năm 2020 vừa qua đi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiên tai, mưa lũ liên tiếp, nhưng mỗi cấp bộ Ðoàn tùy tình hình thực tế mà triển khai các hoạt động mang đậm màu sắc trẻ trung, sôi động nhưng vẫn tràn đầy trách nhiệm. Nhiều công việc trong đó mang tính khó, tính mới rất rõ rệt, nhưng vẫn được các cán bộ Ðoàn hoàn thành nhanh chóng, mang lại hiệu quả vượt xa mong đợi.

Trong giai đoạn hiện nay, khi xu hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đang lên ngôi, cán bộ Ðoàn chắc chắn sẽ tụt hậu nếu không chú trọng hòa nhập, chịu khó lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, nhất là những tâm tư, nguyện vọng từ đoàn viên, thanh niên. Phấn khởi, vui mừng khi chứng kiến những thành quả rõ nét từ nhiều cơ sở Ðoàn, nhưng cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng khi một bộ phận không nhỏ cán bộ Ðoàn còn thụ động, mang tâm lý ngồi chờ cấp ủy, chính quyền "cầm tay chỉ việc" rồi mới chuyển động. Ðể tránh sa vào hình thức, khuôn sáo, lối mòn trong công tác Ðoàn và phong trào thanh thiếu nhi, một cán bộ Ðoàn cần phát huy cao nhất vai trò cầu nối giữa đoàn viên, thanh niên và các "đối tác" trên nhiều lĩnh vực. Nói cách khác, cán bộ Ðoàn luôn phải là người đi đầu để đoàn viên, thanh niên hưởng ứng, thay vì giữ mãi tư duy "đến từng nhà, gọi từng người" hoặc dựa hoàn toàn vào công văn triệu tập. Hàm lượng sáng tạo trong mỗi hoạt động Ðoàn sẽ trở thành chìa khóa quyết định khả năng thu hút, đoàn kết, tập hợp thanh niên cũng như sự tin tưởng từ cấp ủy, chính quyền.


Bài và ảnh: LINH PHAN/nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/suc-tre-trong-thang-thanh-nien-639761/

  • Từ khóa