Chứng khoán phải minh bạch và chuyên nghiệp

Chủ nhật, 28.03.2021 | 08:56:13
311 lượt xem

Theo chuyên gia, câu chuyện nghẽn lệnh trên HOSE vừa qua có thể nói phần lớn là do công nghệ, tuy nhiên, tính minh bạch của thị trường chứng khoán phải ưu tiên để an tâm cho nhà đầu tư.

Hội thảo "Thị trường chứng khoán Việt Nam 2021- Cơ hội và thách thức" do CLB các nhà kinh tế và Công ty Chứng khoán HSC tổ chức diễn ra ngày 27-3. Tại hội thảo, các diễn giả cho rằng năm 2021, thách thức lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là làm sao minh bạch và làm cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn.

Ngoài ra, câu chuyện nghẽn lệnh trên Sở Giao dịch Chứng khoán (HOSE) cũng được đề cập. Vấn đề này dù là nỗi lo nhưng có thể sớm khắc phục. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục trong nhiều phiên với tổng giá trị lớn khiến nhà đầu tư lo lắng.

Chứng khoán phải minh bạch và chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng câu chuyện nghẽn lệnh trên HOSE vừa qua có thể nói phần lớn là do công nghệ. Vấn đề này có thể khắc phục nhưng tính minh bạch của thị trường vẫn phải ưu tiên để an tâm cho nhà đầu tư. Quan trọng hơn là nhà đầu tư hiện nay còn nhỏ lẻ, với tỉ lệ chiếm đa số trên thị trường với tỉ lệ 95-96%, các nhà đầu tư mới tham gia (F0) cần phải được chuyên nghiệp hóa để thị trường chứng khoán bền vững. Quy mô thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ đạt 79% trong thời gian tới, đồng thời cố gắng để được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2023.

Trong khi đó, ông Phạm Vũ Thanh Long, Giám đốc Kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán HSC, cho rằng Việt Nam có nhiều động lực lớn để đạt được con số tăng trưởng 6,9% GDP trong năm nay, bởi các hoạt động thương mại rất tích cực từ 2020 thúc đẩy sang. Đặc biệt, riêng với thị trường chứng khoán thì nội tại cũng như so sánh khu vực thì Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, khi mà P/E chỉ 18 lần và cùng đỉnh của năm 2007 thì thị trường chứng khoán hiện tại của Việt Nam vẫn tốt. Việc rút ròng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn vừa qua thực sự gây lo lắng, tuy nhiên nếu cộng dồn 12 tháng thì Việt Nam vẫn là quốc gia ít bị rút ròng so với các thị trường khác trên thế giới với con số chỉ hơn 0,8 tỉ USD trên tổng số 25 tỉ USD toàn thế giới.

TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VDS), cho rằng câu chuyện nghẽn lệnh thời gian qua do quá tải hệ thống trên HOSE khi lệnh vào thị trường đột biến. Vì nhiều lý do khách quan, chủ quan mà hệ thống mới chậm triển khai nhưng chắc chắn sẽ sớm được hoàn thiện. Đối với việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, với kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường, TS Nguyễn Sơn cho rằng năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài không phải là thước đó chính cho thị trường, bởi thực tế họ cũng có lúc sai lầm. Có những phiên nhà đầu tư ngoại bán ra nhưng lượng giao dịch vẫn gia tăng, hay có những cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bị lỗ nặng...

Theo TS Sơn, mấu chốt của vấn đề là phải đưa Việt Nam nhanh chóng lên thị trường mới nổi để thu hút dòng vốn quốc tế. Trong đó, VDS sẽ thúc đẩy trong việc đầu tư các giải pháp công nghệ, hạ tầng hoàn thiện trong thời tới để thu hút nhà đầu tư.

Cùng nhìn nhận này, TS. Lê Anh Tú, Cố vấn Cấp cao PWC (Việt Nam) Phó Chủ tịch CLB các nhà kinh tế, cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện bị ảnh hưởng bởi dòng tiền, tiền số, bất động sản hay các kênh ngoại tệ khác. Đặc biệt là nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư F0 của Việt Nam chưa có kinh nghiệm, họ có thể đầu tư mà không quan tâm đến sản phẩm tài chính mà chỉ đi theo cảm xúc đám đông nhiều hơn. Vì vậy, cần phải có  định hướng để thị trường chứng khoán bền vững hơn.


Tin, ảnh: Sơn Nhung/nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/chung-khoan-phai-minh-bach-va-chuyen-nghiep-20210327152637243.htm

  • Từ khóa