Tiếp sức nơi tuyến đầu chống dịch

Thứ 4, 09.06.2021 | 14:30:51
449 lượt xem

Không cầu kỳ, không hoa mỹ, với tinh thần xung kích, sáng tạo, tương thân tương ái, lớp lớp đoàn viên, thanh niên đang ngày đêm góp sức trẻ, bằng nhiều chương trình, hành động thiết thực trên khắp các mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, quyết tâm bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Sinh viên Trường đại học Y Hà Nội tình nguyện lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh phòng, chống và dập dịch.

Tình nguyện tại chỗ

Dưới cái nắng nóng gay gắt đầu hè, tại một khu đất rừng ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) gấp rút dựng lều trại. Cách đó không xa, tại xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn), tập thể cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 219 (Quân đoàn 2) cũng đang nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai nơi ăn ở, sinh hoạt. Ðây không phải chương trình luyện tập hành quân đột xuất, mà là thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, toàn bộ quân số của Sư đoàn 325 và Lữ đoàn 219 đã cơ động ra khu vực dã ngoại, nhường doanh trại để đón người dân đến thực hiện công tác cách ly tập trung.

Với tinh thần "Tất cả vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân", trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ của hai đơn vị đều đã dọn vệ sinh kỹ lưỡng, phun khử khuẩn toàn bộ doanh trại, chuẩn bị chu đáo trang phục bảo hộ y tế, vật tư phòng, chống dịch, nhu yếu phẩm cá nhân cần thiết phục vụ đồng bào sinh hoạt trong thời gian cách ly. Trao đổi với chúng tôi, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 và Lữ đoàn 219 đều khẳng định đây là nhiệm vụ vinh quang trong thời bình, đồng thời thể hiện quyết tâm chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, cùng toàn dân chiến thắng dịch bệnh.

Cùng với tuổi trẻ các lực lượng vũ trang, trước sự bùng phát phức tạp của đại dịch, Tỉnh đoàn Bắc Giang đã gấp rút chỉ đạo các cơ sở Ðoàn Thanh niên trên địa bàn thành lập 574 Ðội hình thanh niên xung kích "Phòng tuyến áo xanh" với sự tham gia trực tiếp của hơn 7.300 tình nguyện viên. Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang Thân Trung Kiên cho biết: Tuổi trẻ Bắc Giang đã triển khai sáu Ðội hình thanh niên phản ứng nhanh theo các mặt công tác: hậu cần; nhập liệu mẫu xét nghiệm; giám sát, hỗ trợ khai báo y tế; vận chuyển nhu yếu phẩm; hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến. Với cách làm bài bản, nhanh chóng, các đội hình đã và đang thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, như phục vụ hậu cần cho các đoàn tình nguyện đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước; hỗ trợ tuyến đầu lấy mẫu xét nghiệm; triển khai nhiều "Siêu thị 0 đồng" phục vụ công nhân; giúp nông dân tiêu thụ nông sản; tổ chức bệnh viện dã chiến…

Hòa chung không khí khẩn trương, với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", các hội viên Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang cũng không quản ngày đêm, vượt mọi vất vả, hiểm nguy để thường trực ở tuyến đầu chống dịch. Bất kể trưa hè nắng gắt hay đêm tối mịt mù, hàng loạt đoàn công tác với các y, bác sĩ trẻ tình nguyện đã tăng cường đến các địa phương để khoanh vùng, dập dịch. Ðối với trường hợp người cao tuổi, ốm đau, lực lượng thầy thuốc trẻ đến tận nhà xét nghiệm, bảo đảm không để sót, lọt. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, nhiều hội viên Hội Thầy thuốc trẻ thức trắng hàng tuần để chạy đua với dịch bệnh. Những dòng chữ ghi vội họ tên trên bộ đồ bảo hộ y tế dần nhòe đi vì mồ hôi ướt sũng. Vậy nhưng, dù khát đến mấy cũng không ai dám cởi bỏ đồ bảo hộ để uống nước. Bữa ăn hằng ngày cũng không còn đúng giờ, có chăng chỉ là những phút tranh thủ thật nhanh để tiếp tục quay lại công việc còn dang dở.

"Phòng tuyến tuổi xuân"

Với tinh thần sẻ chia, truyền thống "tương thân tương ái" quý báu của dân tộc, nhiều ngày qua, tuổi trẻ cả nước đã đồng loạt, liên tiếp triển khai nhiều hoạt động, phần việc cụ thể nhằm chi viện cho các địa phương chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Vừa qua, T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tiếp tục nối dài chuỗi chương trình "San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch", kêu gọi các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ được hơn bốn tỷ đồng tiền mặt và hiện vật hỗ trợ ba tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Ðiện Biên phòng, chống dịch. Ngay sau khi tiếp nhận các khoản ủng hộ, T.Ư Ðoàn đã phối hợp Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam (thành viên Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội) vận chuyển toàn bộ nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế quyên góp được đến ba tỉnh nêu trên. Bí thư T.Ư Ðoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết: "Kể từ khi phát động vào ngày 22-4-2020, chương trình đã triển khai thành công nhiều mô hình sáng tạo như "Triệu bữa cơm", "Trạm rửa tay dã chiến",… góp phần hiệu quả bảo vệ sức khỏe cộng đồng, được nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Thời gian tới, Ðoàn, Hội các cấp sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động cùng Ðảng, Chính phủ và nhân dân cả nước thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế đất nước, ổn định đời sống".

Có thể khẳng định, chương trình "San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch" là một trong những mũi nhọn của tuổi trẻ trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19. Với các giá trị cốt lõi, thế mạnh đặc biệt như sức trẻ, sự sáng tạo, tinh thần xung kích, tình nguyện, chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều cấp bộ Ðoàn, Hội và cả Ðội TNTP Hồ Chí Minh. Từ cuối tháng 4 đến nay, Thành đoàn Hà Nội đã kêu gọi các nguồn lực xã hội, chuyển tặng các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Ðiện Biên và hỗ trợ nhiều khu cách ly trên địa bàn Thủ đô nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế có tổng giá trị hơn hai tỷ đồng. Song song với tổ chức Ðoàn, Hội đồng Ðội T.Ư cũng nhanh chóng triển khai sáng kiến về chương trình "Chia sẻ cùng em thơ", tập trung hỗ trợ thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, con em lực lượng chống dịch ở tuyến đầu hoặc thuộc diện cách ly. Dịp cuối tháng 5 và đầu tháng 6, đoàn công tác của Hội đồng Ðội T.Ư đã đến các tỉnh Ðiện Biên, Hải Dương, Bắc Giang để trao hàng nghìn phần quà, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế… với tổng giá trị gần 700 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Hữu Tú cho biết: Thời gian qua, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã huy động nguồn lực xã hội ủng hộ ba nghìn bộ đồ bảo hộ cấp 4, hai nghìn bộ kit xét nghiệm nhanh, sáu nghìn khẩu trang N95 và nhiều trang thiết bị y tế khác với tổng giá trị hơn 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang dập dịch. Ðồng thời, kêu gọi toàn thể hội viên cả nước tình nguyện tham gia chống dịch. Ðáp lại lời kêu gọi đó, hàng nghìn y, bác sĩ trẻ, sinh viên ngành y đã hăng hái viết đơn xin lên đường bảo vệ sức khỏe toàn dân theo lời thề Hi-pô-crát.

Ngay khi đợt dịch đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh bùng phát, ngày 20-5, Trường đại học Y Hà Nội đã cử đoàn công tác tình nguyện đến phối hợp Trung tâm Y tế huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lưu động. Bác sĩ Ngô Văn Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Phong xúc động chia sẻ: "Với sự hỗ trợ kịp thời của 50 cán bộ, sinh viên Trường đại học Y Hà Nội, chúng tôi đã lấy được hơn 3.000 mẫu xét nghiệm chỉ trong một ngày để phục vụ truy vết, khoanh vùng nhanh, phát hiện sớm. Ở thời điểm dịch diễn biến quá phức tạp và khó lường, đây là sự giúp đỡ quý báu không gì sánh được". Tiếp nối những thành công đó, những ngày qua, Trường đại học Y Hà Nội đã tiếp tục chọn cử thêm hơn 100 cán bộ, sinh viên ưu tú, chia thành hai đoàn công tác tình nguyện đến hỗ trợ lực lượng tại chỗ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Ðiện Biên dập dịch.

Không chỉ có sức trẻ từ các tỉnh, thành phố lân cận vùng dịch (tiêu biểu là Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Y tế công cộng, Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai…) mà nhiều y, bác sĩ trẻ ở miền nam xa xôi cũng tạm gác công việc, đời sống cá nhân, gia đình để tình nguyện lên đường "chi viện". Những ngày qua, cộng đồng mạng đã liên tiếp chia sẻ tấm ảnh về một bác sĩ trẻ nở nụ cười thật tươi khi quyết định hy sinh mái tóc để sẵn sàng bước vào "trận chiến" với dịch bệnh tại Bắc Giang. Anh là Ðặng Minh Hiệu, một bác sĩ trẻ công tác tại Bệnh viện Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Vốn là con út trong gia đình, quyết định của anh đã khiến người thân không khỏi lo lắng. "Tôi đã giải thích với bố mẹ rằng, đây là một trong những mong mỏi lớn nhất đời mình. Có mặt ở tuyến đầu chống dịch, đối với tôi là niềm tự hào, bởi tôi sẽ có cơ hội thực hiện lý tưởng tuổi trẻ, được cống hiến cho cuộc chiến chống đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân", bác sĩ trẻ Ðặng Minh Hiệu cho biết.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã bao lần chứng kiến tinh thần tương thân tương ái, đồng sức đồng lòng, truyền thống chia ngọt sẻ bùi của các tầng lớp nhân dân mà hiếm có dân tộc nào sánh được. Và nay, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, để lại nhiều hậu quả tiêu cực trên mọi mặt đời sống, tinh thần ấy lại bùng cháy qua những hành động cách mạng đậm chất tiên phong, sáng tạo của lớp đoàn viên, thanh niên thế hệ mới. Không cầu kỳ, không hoa mỹ, chỉ có sức trẻ xung kích, lăn xả và chiến đấu đến cùng để bảo vệ đồng bào như một "phòng tuyến tuổi xuân". Tin tưởng rằng, dẫu cuộc chiến chống lại dịch bệnh sẽ còn lắm chông gai, nhưng với sự tham gia thường trực, thường xuyên của các bạn trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc, Việt Nam sẽ một lần nữa chiến thắng.


Bài và ảnh: LINH PHAN/nhandan.com.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/tiep-suc-noi-tuyen-dau-chong-dich-649870/

  • Từ khóa