Nhập cảnh trái phép: Thẳng tay với "khách không mời"

Thứ 2, 19.07.2021 | 08:18:30
688 lượt xem

Tình trạng người nước ngoài (người NN) nhập cảnh trái phép, vi phạm pháp luật tại Việt Nam đã tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, ảnh hưởng tới quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực các mục tiêu: Bảo đảm an ninh tuyến biên giới với các nước láng giềng; Kịp thời phát hiện, xử lý người NN nhập cảnh trái phép trong quá trình di chuyển, lưu trú nội địa và xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây tổ chức cho

Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) phối hợp Phòng quản lý xuất, nhập cảnh Công an TP Hà Nội kiểm tra tại đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, phát hiện 12 đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Ảnh: PA08 Công an Hà Nội

Bài 1: Một hành vi, nhiều động cơ, hậu quả

"Mới đây, khi dẫn giải một đối tượng người Trung Quốc ra sân bay để trao trả, đối tượng đã chống đối, quậy phá la hét khiến cơ trưởng không thể cất cánh. Giải thích thuyết phục mãi, cuối cùng cán bộ chiến sĩ phải đưa đối tượng xuống mặt đất để làm việc" - Ðại tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập cảnh (PA08) Công an TP Hồ Chí Minh kể lại "Việc cán bộ chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV từ các đối tượng cư trú bất hợp pháp cũng là điều không tránh khỏi. Nhiều đối tượng phơi nhiễm cấp độ 3 nhưng khi đưa về trụ sở mới phát hiện. Tế nhị hơn, có đối tượng nữ sử dụng chất kích thích, khi anh em đưa về trụ sở lấy lời khai đột nhiên manh động, cởi đồ nhảy múa trong phòng, anh em phải lập tức đóng cửa gọi chi viện từ đồng nghiệp nữ. Ðiều tra, xử lý người nhập cảnh trái phép thật muôn hình vạn trạng".

Người nước ngoài đến giảm, nhập cảnh trái phép tăng

Hội nhập mở cửa luôn song hành hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong khi những dòng khách nước ngoài đến Quảng Ninh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hội An, TP Hồ Chí Minh… là biểu tượng cho bình yên và tăng trưởng trong đầu tư, du lịch thì những nhóm người nhập cảnh chui lủi, bị bắt giữ tại biên giới, sâu trong nội địa lại là chỉ dấu bất ổn, cần phòng, chống quyết liệt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Tình hình người NN nhập cảnh trái phép, vi phạm pháp luật tại Việt Nam tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, ảnh hưởng tới quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

Thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực các mục tiêu: Bảo đảm an ninh tuyến biên giới với các nước láng giềng; Kịp thời phát hiện, xử lý người NN nhập cảnh trái phép trong quá trình di chuyển, lưu trú nội địa và xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây tổ chức cho người khác XNC hoặc ở lại Việt Nam trái phép; Bảo đảm chặt chẽ việc xét duyệt hồ sơ người NN trước khi nhập cảnh, kiểm soát hoạt động XNC tại các cửa khẩu và quản lý hiệu quả hoạt động, cư trú của người NN tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, trước năm 2020, bình quân mỗi năm người NN nhập cảnh du lịch, thăm thân, đầu tư, học tập tăng từ 23% đến 30%. Dịch Covid-19 khiến lượng người NN tại Hà Nội giảm mạnh, từ gần 820.000 lượt khai báo tạm trú năm 2020, đến cả nửa đầu năm 2021 mới có hơn 102.000 lượt. Số lượng này chủ yếu là chuyên gia, nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp (DN) lao động kỹ thuật cao (gọi tắt là chuyên gia), thân nhân, sinh viên nước ngoài. Song, nhập cảnh trái phép chủ yếu là đối tượng không đủ tiêu chuẩn chuyên gia, hoặc không muốn chờ làm thủ tục duyệt nhập cảnh theo quy định phải cách ly y tế, lao động muốn đến nước thứ ba, tội phạm trốn truy nã, kinh doanh trái pháp luật… Sáu tháng đầu năm 2021 Công an Hà Nội phát hiện, xử lý 21 vụ với 149 đối tượng người Trung Quốc, Hàn Quốc nhập cảnh trái phép, điển hình là vụ 23 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp tại địa bàn quận Cầu Giấy; sáu vụ với 27 đối tượng nhập cảnh tìm đường đi nước thứ ba, trong đó có năm đối tượng trốn truy nã của công an Trung Quốc, một đối tượng trốn truy nã của cảnh sát Hàn Quốc.

Người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, trước tác động dịch Covid-19, các nước đều hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, tăng cường kiểm tra, xử lý người NN XNC trái phép. Tại Việt Nam, 40 trong số 63 địa phương đã phát hiện 1.194 người NN nhập cảnh trái phép, sang năm 2021 càng diễn biến phức tạp, có dấu hiệu đường dây tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép ở nhiều địa phương. Tính đến ngày 10/6/2021, công an cả nước đã phát hiện 238 vụ/1.598 người NN nhập cảnh trái phép tại 43 trong số 63 tỉnh, thành phố. Tỉnh phát hiện xử lý nhiều nhất là Cao Bằng với 252 vụ. Tiếp sau là Lạng Sơn (161), Quảng Ninh (161), TP Hồ Chí Minh (114), Hà Nội (109), Vĩnh Phúc (74), Long An (69), An Giang (59)…

Là trọng điểm du lịch miền trung, năm 2020, lượng người NN đến Ðà Nẵng sụt giảm rõ rệt (giảm 81,68% so với 2019). Tỷ lệ người NN làm việc tại các DN cũng giảm 8,43%. Lao động là người NN tại các DN, theo thống kê trên địa bàn là 1.170 người, trong đó có giấy phép lao động là 848, được miễn giấy phép lao động là 83, chưa có giấy phép là 77. Có tổng số 280 người NN được các cơ quan, DN, tổ chức bảo lãnh nhập cảnh theo diện chuyên gia, trong đó số người NN là chuyên gia được DN bảo lãnh đông nhất, tới 248. Số còn lại 32 người do các tổ chức phi chính phủ, các Tổng lãnh sự quán, trường đại học… bảo lãnh.

Khảo sát tại quận Sơn Trà cho thấy, chính quyền đã kiểm tra hơn 40 DN, xử phạt vi phạm hành chính ba DN với 36 người NN, tổng tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà là một trong số địa phương có nhiều người NN lưu trú, thời điểm bùng phát dịch tháng 7/2020, chính quyền đã tổng kiểm tra xét nghiệm cho hơn 800 người NN và hiện tại có gần 400 người NN, chủ yếu là người Hàn Quốc. Hiện, phường này đã sàng lọc được 26 đối tượng người NN buộc phải kiểm tra nghiêm ngặt, nghi ngờ có liên quan vi phạm pháp luật.

An Giang vừa có nhiều người NN đến tìm cách xuất cảnh trái phép sang Campuchia, vừa từ bên kia biên giới tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Ðại tá Ðinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, do có khu công nghiệp nên An Giang có nhiều chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Công an tỉnh đã ký kết với Ban quản lý khu công nghiệp của tỉnh tổ chức nhiều cơ sở, mô hình phòng, chống dịch; yêu cầu chuyên gia người NN khai báo, kiểm tra đột xuất các hợp đồng lao động để phòng ngừa vi phạm và ngăn chặn lây lan dịch.

Tại Lạng Sơn, tình hình XNC trái phép vốn đã khó kiểm soát năm từ 2019 về trước. Tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma… hằng ngày có hàng nghìn lượt người qua lại buôn bán, trong đó có cả những đối tượng người NN vượt biên sang gây án, vi phạm pháp luật Việt Nam. Ðại tá Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng PA08 Công an tỉnh chia sẻ, từ đầu năm 2020, áp lực tìm việc làm của người dân vùng biên và tình trạng người NN tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua địa bàn Lạng Sơn để đi Campuchia và các nước khác khiến hoạt động XNC rất phức tạp. Năm 2020, Công an tỉnh đã bắt giữ, khởi tố điều tra 63 vụ án với 172 bị can vì tội tổ chức, môi giới cho 98 người Trung Quốc và 314 người Việt Nam XNC trái phép, tăng 53 vụ với 152 bị can so với năm 2019 và tăng hàng chục lần so với các năm trước đó - Ðại tá Thành nhấn mạnh. Riêng sáu tháng đầu năm 2021, Công an tỉnh đã phối hợp xác lập, đấu tranh 10 chuyên án, bắt giữ xử lý 71 vụ với 307 đối tượng, trong đó đã khởi tố 129 bị can về tội tổ chức cho người khác XNC trái phép.

Nhập cảnh trái phép: Thẳng tay với

 Các đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép đến An Giang để tìm cách xuất cảnh trái phép. Ảnh: PA08 CÔNG AN AN GIANG

Thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức

Ðể nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, đối tượng thường móc nối trong - ngoài (người Việt Nam - người Trung Quốc, Campuchia), ở biên giới - trong nội địa, tạo thành đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia. Ðối tượng dùng mạng xã hội Zalo, Facebook, WeChat… để liên lạc với thông tin giả (tài khoản ảo, sim rác), xóa nội dung, nhật ký cuộc gọi rồi thay đổi sim; hành trình chủ yếu vào ban đêm, phương tiện thay đổi qua địa bàn. Hầu hết, người nhập cảnh trái phép Trung Quốc đều không mang theo hành lý, tiền bạc, xóa thông tin liên lạc. Tại Hà Nội, đối tượng thường chọn khu chung cư, đô thị vắng người, khu giáp ranh để lưu trú thời gian ngắn, thường xuyên thay đổi chỗ ở (khoảng 2 đến 3 ngày/lần). Tình trạng trả trước tiền thuê nhà, thông qua bảo vệ, dọn phòng, người quen đưa chìa khóa cho người thuê rất phổ biến. Ðối tượng có mục đích làm việc tại các DN Việt Nam được bố trí ở tại ngay trong khuôn viên DN, hoặc cùng khu đông người Trung Quốc tạm trú.

Gần đây, có thủ đoạn cho một người Trung Quốc nhập cảnh với thị thực hợp pháp, khi hết cách ly y tế sẽ liên hệ thuê phòng và đón số nhập cảnh trái phép sang ở cùng. Ðối tượng hợp pháp ra ngoài mua đồ dùng sinh hoạt cho số bất hợp pháp. Từ vụ bắt giữ bốn đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại P 3013, chung cư D’Capital Trung Hòa, quận Cầu Giấy, qua khai thác mở rộng đã phát hiện thêm 46 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại chung cư Florence 28 Trần Hữu Dực, Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm và 12 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở tại P 3017 Tòa A chung cư Samsora Premier, 105 Chu Văn An, quận Hà Ðông, TP Hà Nội.

Ðại tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng PA08 Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 73 vụ với 290 người NN nhập cảnh trái phép, chủ yếu là người Trung Quốc (253 người). Hành trình trục xuất 248 người NN qua cửa khẩu các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh được lên kế hoạch chi tiết, đi bằng nhiều phương tiện máy bay, tàu hỏa, ô-tô. Có đợt trục xuất đông tới 113 đối tượng; có những đợt thực hiện giữa lúc dịch bùng phát, cán bộ, chiến sĩ vừa phải bảo đảm dẫn giải, trục xuất an toàn, vừa phải bảo đảm phòng, chống dịch. Cơ quan An ninh điều tra thành phố đã khởi tố hình sự sáu vụ với sáu đối tượng liên quan tổ chức, môi giới cho người NN cư trú trái phép tại Việt Nam, trong đó có một đối tượng người Trung Quốc, một đối tượng Việt kiều Australia. Gần đây, tháng 5/2021, Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Văn Cù (SN 2000, ngụ tại quận Tân Phú) và Nguyễn Văn Thanh (SN 1995, ngụ quận 7) để điều tra về tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" khi cho 11 người Trung Quốc không có giấy tờ tùy thân vào ở với giá 7,5 triệu đồng và đây không phải chỉ là một vụ việc đơn lẻ.

Ngoài phạm tội XNC trái phép, các đối tượng còn lợi dụng nhập cảnh hợp pháp để ở lại Việt Nam trái pháp luật qua việc cấu kết với người Việt Nam làm dịch vụ bảo lãnh cho người NN vào làm việc. Hình thức là XNC hợp pháp, nhưng bản chất là trái phép vì các đối tượng nhập cảnh không đúng quy định khi các công ty chỉ làm dịch vụ bảo lãnh mà không sử dụng lao động người NN. Theo Ðại tá Hoàng Văn Chính, Trưởng phòng PA08 Công an TP Hà Nội, sáu tháng đầu năm 2021, Công an Hà Nội phát hiện 10 công ty làm dịch vụ bảo lãnh nhập cảnh và cấp giấy phép lao động cho 55 người NN nhưng thực tế không hề sử dụng "lao động" này. Ðáng chú ý là đối tượng Hoàng Việt Trung, đại diện pháp luật của công ty TNHH XNK TM Mạnh Hùng, trụ sở tại quận Cầu Giấy vừa là đối tượng làm dịch vụ xin giấy phép lao động, thẻ tạm trú trái phép cho một người NN quốc tịch Senegal, vừa là đối tượng mua lại Công ty TNHH KB Group Toàn Cầu, trụ sở tại huyện Ðông Anh để xin duyệt nhập cảnh trái phép cho người NN quốc tịch Trung Quốc. Cơ quan An ninh điều tra đang điều tra làm rõ để xử lý hình sự.

Rõ ràng, gia tăng số lượng "khách không mời" trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp là mối đe dọa không nhỏ không chỉ với an ninh quốc gia lâu dài mà còn bởi những hậu quả và hệ lụy với trật tự an toàn xã hội trong nước, cần những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ.

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/nhap-canh-trai-phep-thang-tay-voi-khach-khong-moi--655633/

  • Từ khóa