Hà Nội cung ứng đủ hàng hoá, khuyến cáo người dân không đi mua tích trữ

Thứ 2, 19.07.2021 | 08:45:19
973 lượt xem

Sở Công Thương Hà Nội khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, TP đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

Chiều 18-7, Sở Công Thương Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hoá thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết đến thời điểm hiện nay, nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%, trong điều kiện sức mua tăng nóng vài ngày thì nguồn hàng vẫn dồi dào.

Hà Nội cung ứng đủ hàng hoá, khuyến cáo người dân không đi mua tích trữ - Ảnh 1.

Hàng hóa dồi dào tại một siêu thị ở Hà Nội, hình ảnh ghi nhận tối 18-7

Theo bà Lan, nguồn hàng dự trữ của các doanh nghiệp, hệ thống phân phối rất chủ động, người dân không phải lo lắng đi mua hàng tích trữ, gây mất ổn định thị trường. Để phục vụ người dân, các hệ thống siêu thị cam kết mở cửa thêm giờ, lượng hàng hóa đủ khi nhu cầu tăng cao.

Với phương châm 4 tại chỗ "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ" và 3 sẵn sàng "Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương", Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp tích trữ lượng hàng hóa 17 nhóm thiết yếu trong thời điểm có dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường.

Theo đó, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỉ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỉ đồng.

Hà Nội cung ứng đủ hàng hoá, khuyến cáo người dân không đi mua tích trữ - Ảnh 2.

Hà Nội khuyến cáo người dân không đổ xô đi mua hàng tích trữ. Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một siêu thị ở Hà Nội

Theo Sở Công Thương Hà Nội, cơ quan này đã xây dựng kịch bản 3 cấp độ theo các mức độ lây lan của dịch với tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo các cấp độ.

Đó là cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên tổng trị giá lượng hàng hóa là 313,78 tỉ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 1.048,71 tỉ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 5.359,05 tỉ đồng.

Đến nay, 100% UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với dịch Covid-19. UBND các quận huyện, thị xã đã chủ động chuẩn bị bố trí 1.920 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho dự trữ và điểm bán hàng lưu động, 236 xe ôtô sẵn sàng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.

Sở Công Thương khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh, TP đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số siêu thị ở khu vực quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), hàng hoá dồi dào, lượng người đi mua sắm đông hơn ngày thường do hôm nay là ngày nghỉ. 

Hà Nội cung ứng đủ hàng hoá, khuyến cáo người dân không đi mua tích trữ - Ảnh 3.

Hình ảnh ghi nhận tại một siêu thị Co.opmart khu vực quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hà Nội cung ứng đủ hàng hoá, khuyến cáo người dân không đi mua tích trữ - Ảnh 4.

Người dân đi mua sắm tại siêu thị

Hà Nội cung ứng đủ hàng hoá, khuyến cáo người dân không đi mua tích trữ - Ảnh 5.

Hàng hóa dồi dào

Hà Nội cung ứng đủ hàng hoá, khuyến cáo người dân không đi mua tích trữ - Ảnh 6.

Nguồn cung tại các siêu thị đều sẵn sàng

Hà Nội cung ứng đủ hàng hoá, khuyến cáo người dân không đi mua tích trữ - Ảnh 7.

Thực phẩm tươi sống không thiếu


  • Từ khóa