Nhiều mặt hàng rau củ quả đã được giảm giá đến 50%. Mức giá khuyến mãi được đưa ra nhằm giảm áp lực chi tiêu cho người dân TPHCM.
Rau củ quả giá 15.000 - 25.000 đồng/kg
Ngày 18/7, đại diện Aeon Việt Nam cho biết, đơn vị này đang bán hơn 20 loại rau củ quả từ Đà Lạt cho người dân TPHCM với mức giảm giá 20 - 50%.
Cụ thể, củ cải trắng có giá 15.000 đồng/kg, bắp cải trắng và tím giá 25.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/kg, cà rốt 26.000 đồng/kg, cải thảo 25.000 đồng/kg, khoai tây 27.000 đồng/kg…
Hơn 20 loại rau củ quả từ Đà Lạt được bán tại Aeon Bình Tân, TPHCM với giá giảm đến 50% (Ảnh: M.L).
Chị Lê Thị Nga (ngụ đường Tên Lửa, quận Bình Tân) cho biết, cách đây vài ngày, chị đặt mua rau củ online trên mạng với giá gấp đôi so với siêu thị đang bán. Điển hình như củ cải trắng giá 30.000 đồng/kg, cải thảo và cà chua 40.000 đồng/kg, bắp cải 50.000 đồng/kg. Chị cho hay sẽ chọn mua ở nơi có giá rẻ hơn để "tiết kiệm được đồng nào thì hay đồng đó".
Bà Huỳnh Kim Thanh - Giám đốc Aeon Tân Phú - chia sẻ, siêu thị này cũng đang giảm giá nhiều loại rau củ quả như cà chua, dưa leo, bắp cải với mức giảm 20 - 50% để đồng hành cùng người dân vượt qua áp lực chi tiêu. Từ ngày 15/7 đến nay, mỗi ngày, siêu thị nhập vào trung bình khoảng 20 tấn rau củ, thịt, cá, gấp 2 lần sức mua trong ngày cao điểm nhất 14/7.
Bắp cải tím và cải thảo có giá 25.000 đồng/kg (Ảnh: M.L).
Đại diện hệ thống siêu thị cho biết đang triển khai hình thức xe bán hàng lưu động từ ngày 13/7 và hiện vẫn đang duy trì 4 điểm bán mỗi ngày theo lịch trình bố trí của Sở Công Thương TPHCM.
Mỗi điểm bán cung cấp trung bình khoảng 1 tấn hàng tươi sống, thực phẩm khô và thức ăn chế biến sẵn cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của người dân.
Ưu tiên mở bán rau củ quả tại chợ
Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện nguồn hàng rau củ quả cung ứng cho người dân có phần hạn chế do dịch bệnh ở các địa phương xung quanh thành phố và các tỉnh miền Tây đang có diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 nên việc thu mua và vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn.
Theo Sở Công Thương TPHCM, việc lưu thông hàng hóa cũng đang gặp nhiều khó khăn do mỗi địa phương áp dụng một kiểu. Một số nơi áp dụng quá khắt khe, chưa đúng khiến hàng hóa lưu thông gặp nhiều trở ngại.
Việc lưu thông hàng hóa tại một số tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn (Ảnh: B.K).
Sở đã liên hệ với các tỉnh miền Bắc, Tây Nguyên để tìm nguồn hàng, cung ứng cho người dân.
Ngoài ra, Sở cũng đang tích cực trong việc mở cửa trở lại các chợ truyền thống, ưu tiên bán các mặt hàng rau củ quả, phát phiếu mua theo giờ.
Hai chợ truyền thống đã thí điểm mở cửa cho tiểu thương bán rau củ quả, thịt, cá trở lại là chợ Phú Thọ (quận 11) và chợ An Đông (quận 5). Trong đó, chợ Phú Thọ đã mở bán từ ngày 16/7 với 6 tiểu thương. Chợ An Đông mở cửa khu kinh doanh thực phẩm từ ngày 17/7 với 26 tiểu thương.
Sở đang tiếp tục làm việc với các quận, huyện, TP Thủ Đức để đánh giá tình hình và cho mở lại các chợ truyền thống có đủ điều kiện phòng chống dịch để nhanh chóng khôi phục lại kênh mua sắm lương thực, thực phẩm truyền thống cho người dân. Việc này cũng giúp giải tỏa áp lực mua sắm cho các siêu thị, cửa hàng.
Dự kiến trong tuần sau sẽ có thêm 5-8 chợ tại quận 7, quận 8, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh mở cửa trở lại.
Đại Việt/dantri.com.vn