Cước container tăng sốc, doanh nghiệp khóc ròng, than chịu không thấu

Thứ 7, 14.08.2021 | 14:47:33
263 lượt xem

Trước đây, mỗi container hàng hóa của doanh nghiệp có giá vận chuyển chỉ 70-100 triệu đồng thì đến hiện tại tăng lên mức 260-330 triệu đồng. Doanh nghiệp than chịu không thấu.

Cước container tăng sốc, doanh nghiệp khóc ròng, than chịu không thấu - 1

Giá container cao ngất ngưởng được cho là bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp (Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp tứ bề khó khăn

"Chi phí vận chuyển tăng cao, giá cước vận tải container từ năm ngoái đến năm nay tăng gấp 4 lần khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Càng làm thì càng lỗ mà đã ký hợp đồng rồi thì phải làm", ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt chia sẻ với Dân trí trước thế khó của doanh nghiệp hiện nay.

Ông Trường cho biết, thực sự, các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu nông sản hiện "khó trăm bề" bởi chi phí vận chuyển trong và ngoài nước đều đội lên rất nhiều. Chi phí cao ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp trong khi lãi lời ngành này vốn đã mỏng.

"Trước đây, một container sang Đài Loan khoảng 500 - 600 USD thì giờ khoảng gần 2.000 USD rồi", ông Trường nói. Chưa kể, thời gian cũng lâu hơn rất nhiều, nếu trước đây đi Malaysia khoảng 7 ngày thì giờ mất 15 ngày vì chờ ghép chuyến.

Thời điểm này, theo ông Trường, không chỉ việc thu mua khó khăn bởi hầu hết ai cũng có tâm lý "trồng ra liệu có bán được không" lại thêm khó khăn trong việc lưu thông khiến doanh nghiệp chỉ biết "than trời".

Là một doanh nghiệp lớn trong ngành xuất khẩu thủy sản, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cũng thấy khó khăn trước tình trạng giá cước vận tải biển liên tục tăng phi mã và thiếu container rỗng.

Theo ông Lĩnh, trước đây, mỗi container hàng hóa của doanh nghiệp có giá vận chuyển chỉ từ 70-100 triệu đồng, thì đến hiện tại con số này đã tăng lên mức 260-330 triệu đồng. Chưa kể, các hãng tàu thường xuyên ra thông báo thiếu container rỗng, hàng hóa buộc phải dời ngày xuất bến khiến chất lượng bị ảnh hưởng.

Cũng theo vị này, việc giá container cao ngất ngưởng đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Ông Lĩnh lấy ví dụ, trước đây, công ty ông xuất khẩu một container 100.000 USD, trong đó chỉ mất từ 1.500 đến 2.500 USD chi phí vận tải, còn bây giờ chi phí vận tải lên tới 8.000 USD, tăng gấp 4 lần.

"Nếu như trước đây, chi phí vận tải chỉ chiếm 2,5% trong giá xuất của mỗi doanh nghiệp thì bây giờ tăng lên 8%. Trong khi, doanh nghiệp không thể tăng giá hàng hóa vì đây đều là những hợp đồng đã ký từ trước", ông Lĩnh tâm sự.

Một số doanh nghiệp khác cho biết, ngay cả với những đơn hàng mới thì việc tăng giá là vô cùng khó khăn, vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh, tiêu thụ.

"Combo" giá cước cao cộng thêm thời gian kéo dài

Khó khăn không chỉ với các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Sunpla - một doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu và linh kiện nhựa ở Bắc Giang cũng cho biết, chi phí cước vận tải tăng nhiều lần như hiện nay thực sự quá khổ đối với những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất.

Chi phí vận chuyển hàng hóa thông thường chiếm khoảng 10% trong cơ cấu giá vốn. "Hợp đồng đã ký rồi nhiều doanh nghiệp lỗ vẫn phải sản xuất, vẫn phải giao hàng, thực sự rất đau đầu", ông Cường nói. Thêm nữa theo ông Cường, việc ùn ứ tại các cảng cũng khiến thời gian thời gian, chi phí "dồn" lên rất nhiều.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - khẳng định, giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. Quan hệ giữa chủ tàu và chủ hàng là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Các hãng tàu cần minh bạch giá cước, chia sẻ chi phí với chủ hàng để tránh tăng giá quá cao. 

Điều đáng chú ý, dù tình trạng tăng giá cước vận tải container kéo dài từ năm ngoái đến nay, doanh nghiệp nhiều lần kêu cứu, cơ quan quản lý vào cuộc nhưng chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" mà ngày càng "nhảy múa" hơn. 

Trong cuộc họp "nóng" về việc tăng giá vận tải hàng hóa container bằng đường biển hồi đầu năm nay, Huỳnh Thị Mỹ - Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, việc tăng cước vận tải biển lên gấp 3 - 4 lần trong thời gian vừa qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp ngành nhựa, làm giảm doanh số xuất khẩu.

Thậm chí theo bà này, đã có một doanh nghiệp của Ấn Độ trong khu công nghiệp Việt Nam - Singapore chuyên sản xuất sợi xuất khẩu tuyên bố đóng cửa nhà máy trong tháng 12/2020. Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra là do giá cước tàu biển quá cao, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và chi phí sản xuất tại Việt Nam không còn rẻ như trước đây. Vì thế họ đã cho tạm dừng tất cả các đơn hàng từ tháng 12/2020.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhựa khác thì bán hàng gần không lợi nhuận nhưng lượng hàng xuất đi vẫn rất chậm, số lượng hàng tồn kho so với thời điểm này năm ngoái lên đến 50%.

Liên quan đến việc tăng giá cước vận tải container, đại diện các hãng tàu lý giải do ảnh hưởng dịch bệnh khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. 

Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị các hãng tàu phải minh bạch thông tin về giá cũng như có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên song tới nay tình trạng tăng giá container vẫn diễn ra, khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu rơi vào thế khó.

Nhiều dự báo tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra và kéo dài sang tận năm 2022, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, vận chuyển của các doanh nghiệp cả xuất - nhập khẩu.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19, phía Bộ Công Thương cho biết đang đề xuất giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các trung tâm logistics cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có công văn số 4812/BCT-XNK ngày 10/8 gửi Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển, doanh nghiệp vận tải biển (hãng tàu), trung tâm logistics xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi về việc giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi.

Theo ông Khánh, 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là những địa phương có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn. Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch bệnh đã khiến một số doanh nghiệp phải tạm thời cắt giảm quy mô sản xuất, dẫn đến ùn ứ container nhập khẩu, thời gian lưu kho, lưu bãi tăng lên và làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị nói trên xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các trung tâm logistics cho các doanh nghiệp bị buộc phải cắt giảm sản xuất do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, các đơn vị nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, năng lực khai thác của bãi cảng và phối hợp giữa các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nguyễn Mạnh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cuoc-container-tang-soc-doanh-nghiep-khoc-rong-than-chiu-khong-thau-20210814102834373.htm

  • Từ khóa