"Đi chợ hộ" còn nhiều vướng mắc

Thứ 2, 30.08.2021 | 08:34:30
565 lượt xem

Các hệ thống phân phối thời gian đầu không hình dung được "đi chợ hộ" thực hiện như thế nào nên khó tránh lúng túng. TP HCM đang tìm phương án bổ trợ

Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 (gọi tắt là Tổ công tác) với UBND TP HCM về tình hình thực hiện Chỉ thị 11 của UBND thành phố vào chiều 29-8, Tổ công tác đã thống nhất cho đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) tham gia giao hàng tại 8 địa bàn "vùng đỏ" trong thời gian giãn cách.

Nơi làm tốt, nơi chệch choạc

Quyết định trên được đưa ra sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị 11 của UBND TP HCM về tăng cường giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, việc "đi chợ hộ" còn gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, các siêu thị bị quá tải về đơn hàng dẫn đến thời gian giao hàng chậm, một bộ phận người dân đặt hàng nhưng không nhận và không thanh toán.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), thừa nhận có tỉ lệ lớn đơn hàng đến tay người dân không đầy đủ, không đúng tiến độ. Vì vậy, người dân có tâm lý lo lắng và đặt hàng ở nhiều cửa hàng, siêu thị nhằm mục đích mua được thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày.

"Ví dụ, phường An Phú (quận 2) có 5-7 cửa hàng của các hệ thống bán lẻ. Khách đặt ở cửa hàng này bị hủy đơn hàng hoặc chậm giao thì lo lắng và đặt thêm tại những hệ thống còn lại, đến khi có 1 nơi giao hàng thì "bom" những đơn khác" - ông Đức dẫn chứng. Theo ông, do nền tảng của các hệ thống bán lẻ tại TP HCM có giới hạn, trong khi nhu cầu đặt hàng tăng đột biến nên không tránh khỏi quá tải, tắc nghẽn.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, trong thời gian thực hiện "ai ở đâu, ở yên đó", để cung ứng hàng hóa cho người dân, thành phố đã tính toán đội ngũ "đi chợ hộ" từ lực lượng huy động tại địa phương. "Có nơi lực lượng "đi chợ hộ" và người dân, doanh nghiệp cung ứng phối hợp tốt với nhau; có chỗ chệch choạc. Bản thân các hệ thống phân phối thời gian đầu cũng không hình dung được sẽ phải làm như thế nào. Chỉ cần một trục trặc nhỏ trong các khâu phối hợp sẽ làm chậm tiến độ tiếp nhận, chuyển giao, xử lý đơn và giao hàng" - ông Phương giải thích.

Dự báo, kênh cung ứng hàng hóa này có khả năng sẽ quá tải trầm trọng hơn trong những ngày tới do hầu hết hộ gia đình đã cạn nguồn thực phẩm dự trữ, cần mua thêm. Do vậy, TP HCM đang tìm nhiều giải pháp để huy động thêm lực lượng cung ứng thực phẩm, đồng thời tăng cường phương án bổ trợ để người dân đăng ký mua hàng.

Đi chợ hộ còn nhiều vướng mắc - Ảnh 1.

Xe bán hàng lưu động bổ sung nguồn thực phẩm và giảm tải cho lực lượng “đi chợ hộ”.Ảnh: NGỌC ÁNH

Cho shipper chuyên nghiệp "vào cuộc"

Tại buổi làm việc nêu trên, Tổ công tác thống nhất cho lực lượng shipper tham gia giao hàng tại 8 địa bàn "vùng đỏ" trong thời gian giãn cách. Theo đó, đội ngũ này bảo đảm được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin; được lực lượng quân y tại các trạm y tế lưu động tại 312 phường, xã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hằng ngày theo mẫu gộp 3, thời gian xét nghiệm từ 5-6 giờ sáng trong vòng 1 tuần, từ ngày 30-8 đến 6-9. Sau đó, thành phố sẽ xem xét để tiếp tục điều chỉnh. Với 14 quận, huyện còn lại, lực lượng shipper cũng bảo đảm được tiêm vắc-xin và xét nghiệm mẫu gộp 3 với tần suất 2 ngày/lần.

Tổ công tác cũng cho phép Công an TP HCM bổ sung cho Sở Công Thương khoảng 20.000 giấy đi đường để cấp cho nhân viên hệ thống bán lẻ nhằm tăng lực lượng chuẩn bị đơn hàng theo gói (combo), đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Về nguồn cung hàng hóa, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã có hơn 1.300 đầu mối từ các tỉnh cung cấp gạo, rau, thịt theo combo 10 kg cho thị trường TP HCM và Bình Dương. Theo dự kiến ban đầu, các tỉnh sẽ cung cấp cho TP HCM trên 10.000 tấn hàng hóa, thực phẩm theo dạng combo mỗi ngày, dù hiện có chia sẻ một phần cho Bình Dương nhưng vẫn bảo đảm nguồn cung cho thành phố.

"Cập nhật đến trưa 29-8, các đầu mối đã nhận đặt hàng 240.000 combo, tương ứng 240 tấn. Một số siêu thị lớn tại thành phố cũng đặt hàng theo dạng này để phân phối lại. Các tỉnh đã đóng gói sẵn hàng hóa theo combo và bảo đảm chất lượng. Nếu phối hợp với đội ngũ shipper tại thành phố để giao đến tận tay người dân sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu mua thực phẩm tươi sống trong lúc này" - đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cách tổ chức cung ứng hàng hóa cho TP HCM bằng các combo 10 kg là rất tốt và có thể tăng cường. Về lực lượng shipper, theo Bí thư Thành ủy TP HCM, nên cho shipper ở một nơi tập trung để quản lý, theo dõi, giám sát phòng chống dịch theo tinh thần coi họ như là "dân quân thời chiến".

Sau cuộc làm việc với Tổ công tác, UBND TP HCM đã gửi văn bản khẩn đến các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cùng các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố. Theo đó, UBND TP HCM thống nhất chủ trương để triển khai thực hiện các nội dung trên kể từ ngày 30-8. Như vậy, từ ngày 30-8, shipper sẽ chính thức được hoạt động trở lại tại các địa bàn "vùng đỏ" và chỉ được hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức. 

Thanh Nhân/nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/di-cho-ho-con-nhieu-vuong-mac-20210829215256662.htm


  • Từ khóa